Tình đồng đội vượt lên sóng dữ
Ở nơi khó khăn nơi đầu sóng ngọn gió, tình đồng đội thiêng liêng là sức mạnh cơ bản nhất của chiến sĩ các nhà giàn DK1.
Cứu đồng đội giữa dòng nước xiết
Thiếu tá Lê Quang Huy, nguyên Chính trị viên nhà giàn DK1/11 bây giờ không còn “vẫy vùng” trên biển nữa, song đối với ông, những năm tháng sống ở nhà giàn DK1 là những ngày đẹp đẽ nhất trong cuộc đời lính biển.
“Ngày anh em ở nhà giàn DK1/11, là những ngày nhớ lâu, nhớ sâu nhất. Bây giờ do yêu cầu nhiệm vụ, không được đi nhà giàn nữa, nhưng trong tim tôi luôn có nhà giàn và luôn tự hào về điều ấy. Nếu được đi, tôi sẽ trở lại nhà giàn. Nhiều khi muốn đến những nơi gian khổ để thử sức mình, để được cống hiến, đó cũng là điều hạnh phúc”, Thiếu tá Lê Quang Huy tâm sự.
Tình đồng đội thiêng liêng là sức mạnh cơ bản nhất của chiến sĩ các nhà giàn |
Ông cho biết, trong nhiều câu chuyện về cuộc sống ở nhà giàn DK1, ông không bao giờ quên lần lao xuống biển cứu đồng đội ở độ cao trên 13m. Tháng 4/2009, nhà giàn DK1/11 bước vào mùa huấn luyện bảo vệ chủ quyền biển đảo. Sớm hôm ấy, Thiếu tá, chính trị viên Lê Quang Huy chỉ huy đơn vị làm tốt công tác chuẩn bị cho bài huấn luyện ngắm bắn mục tiêu trên biển trong điều kiện sóng gió, sương mù.
Bia mục tiêu mặt nước được cố định trên chiếc phao tròn thả xuống biển cách nhà giàn 150m, một đầu cố định với cọc bích. Để huấn luyện sát thực tế, mục tiêu được sơn màu xanh, trùng với màu nước biển, thả trôi dập dềnh trong sóng gió. Trong lúc anh em đang say sưa luyện tập, bỗng “phựt”, dây thừng đứt do áp lực nước chảy xiết và gió mạnh, mục tiêu lộn nhào, cuốn theo sóng trôi đi. Nhanh như chớp, chiến sĩ Hoa Thi Sinh, chạy nhanh xuống sàn cập tàu và lao thẳng xuống biển, bơi về phía phao mục tiêu. Thấy phao mục tiêu trôi một xa, mà Sinh thì yếu sức, Chính trị viên Lê Quang Huy đã nhanh chóng chạy xuống sàn công tác, lấy một đầu dây thừng khác buộc chặt vào bụng rồi lao xuống biển, tiếp sức cho đồng đội.
Giữa dòng chảy xiết, Chính trị viên Lê Quang Huy bơi nhanh về phía Sinh, trong khi Sinh đang chới với, mà phao mục tiêu thì trôi xa dần. Tất cả anh em trên giàn ai nấy đều lo lắng và không biết điều gì sẽ xảy ra nếu Thiếu tá Huy không bơi kịp Sinh. Trong phút giây bất thần ấy, Thiếu tá Lê Quang Huy đã dùng mọi sức lực, “tăng tốc”, áp sát Sinh và lao nhanh, tay quàng vào chiếc phao mục tiêu. Một tay ôm phao, một tay cắp ngang nách Sinh, đúng lúc này Sinh bị chuột rút cứng cơ đùi không bơi được nữa.
Ở trên giàn mọi người hô to “cố lên, sống rồi, cố lên Huy ơi” rồi xúm nhau kéo dây thừng về. Anh em chạy xuống sàn cập tàu cấp cứu, đưa Sinh và Huy lên. Sau khi xoa dầu, ủ nóng Sinh tỉnh lại, anh bảo “để phao tuột mất thì tiếc lắm, vì ở nhà giàn không có vật liệu. Làm được chiếc phao mục tiêu như thế, anh em phải đem sắt thép ra từ đất liền và cả tuần thiết kế, cắt, ghép mất nhiều công sức. Với lại, đây cũng là đợt thử sóng đấy chứ!”.
Nhớ lại lúc hiểm nguy, Thiếu tá Lê Quang Huy chia sẻ: “Lúc đó tôi thương bộ đội quá. Nếu mình không lao theo, Sinh đã gặp nguy hiểm rồi, và không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Ở nhà giàn nước chảy rất xiết, chỉ cần cách cọc bích 3m, không có phao, không có dây là không bơi ngược lại được”.
Phiên gác tình người
Câu chuyện mà Thượng tá Đỗ Văn Toàn, nguyên là Chính trị viên Khung quản lý DK1 kể cho tôi nghe không phải thành tích của anh sau 17 năm lăn lộn với nhà giàn, mà về phiên gác đêm cuối năm ở thềm lục địa của Tổ quốc.
Năm 2005, Trung tá Đỗ Văn Toàn theo tàu ra chúc Tết các nhà giàn DK1. Sau 22 ngày lênh đênh trên biển, đoàn chúc Tết đến điểm cuối cùng ở Bãi cạn, Cà Mau là nhà giàn DK1/10 trước khi về đất liền.
Giáp Tết, những cơn gió mùa đông bắc tràn về làm cho sóng to khác thường. Nhà giàn DK1/10 được mệnh danh là nhà giàn “sướng nhất” vì biển luôn lặng sóng, vậy mà những con sóng lớn vẫn lừng lững ập vào cọc bích ầm ầm.
Sau khi nhận được gạo nếp, miến, măng, hương vị ngày Xuân, các chiến sĩ tổ chức đón Tết sớm. Trong niềm vui ly rượu ấm áp ngày Xuân, bao nỗi niềm chung, riêng, cả những điều sâu kín được các chiến sĩ giãi bày. Đêm ấy, Trung tá Đỗ Văn Toàn, Chính trị viên trưởng Khung quản lý nhà giàn DK1 ngủ lại cùng các chiến sĩ.
2h sáng, Trung tá Toàn thức giấc, anh nhẹ nhàng đi một vòng quanh nhà giàn, vừa quan sát mặt biển, vừa kiểm tra chiến sĩ gác đêm. Vừa xuống cầu thang sàn công tác, bỗng phát hiện chiến sĩ Nguyễn Đăng Dũng nằm lịm cạnh két dầu. Qua ánh đèn pin nhỏ xíu, mặt Dũng nhợt nhạt, môi mím chặt, lạnh toát. Theo kinh nghiệm của người đi biển nhiều lần, Toàn phán đoán Dũng bị trúng gió độc. Bế đồng đội vào kho gạo gần đó cho kín gió, Trung tá Toàn lấy dầu gió xoa khắp người Dũng và ủ nóng. Dũng tỉnh lại rồi thiếp đi.
5h30 phút sáng, chiến sĩ trực ban dậy sớm nấu cơm đi lấy nước thì thấy thủ trưởng mình đang gác, còn Dũng nằm ngủ ngon lành trong kho gạo. Sau khi Trung tá Toàn kể chuyện Dũng trúng gió, mọi người ngỡ ngàng và càng khâm phục người chính trị viên của mình.
Cây đàn guitar luôn là người bạn tâm tình để các chiến sĩ nhà giàn vơi bớt nỗi nhớ đất liền |
Khi đoàn công tác chia tay các chiến sĩ để trở về đất liền, bắt tay thân tình từng chiến sĩ, Trung tá Đỗ Văn Toàn căn dặn: “Ở nơi khí hậu khắc nghiệt này có nhiều khí độc, nhất là trước trận mưa biển hoặc sau những ngày nắng nóng kéo dài. Các đồng chí chú ý gác đêm phải dự trữ dầu gió trong người, đề phòng trúng gió độc bất ngờ. Bên cạnh bảo vệ biển an toàn, thì phải bảo vệ cả mình nữa”. Chiến sĩ Dũng nắm chặt tay người thủ trưởng của mình mà rằng: “Nếu đêm qua không có anh, không biết tính mạng em còn bảo toàn như bây giờ. Ca gác ân tình này em mãi mãi không quên”.
Trong cuốn nhật ký của Dũng có bài thơ tựa đề “Phiên gác tình người”, như lời cảm ơn người đã cứu giúp mình: “Đêm ấy, cái đêm không bao giờ tôi quên được/Người chính trị viên mảnh khảnh gác thay tôi/ trong vòng tay tôi ngủ một hơi/ anh đứng gác mắt nhìn về đầu sóng/ nếu không có anh tôi không còn sống/ để trưởng thành và phấn đấu nên người/ dù sau này tôi đi muôn nơi/ phiên gác tình người không bao giờ quên được”.
Nói về tình cảm của các chiến sĩ nhà giàn, Thượng tá Đỗ Văn Toàn chia sẻ “Ở nơi khó khăn ấy, nếu không có tình thương yêu đồng chí đồng đội như anh em trong một nhà thì không hoàn thành nhiệm vụ được. Tình đồng đội thiêng liêng, đó là sức mạnh cơ bản nhất của chiến sĩ các nhà giàn DK1”./.