Tọa đàm trực tuyến về Phát triển năng lượng tái tạo

Cuộc tọa đàm “Phát triển năng lượng tái tạo-Một chìa khóa, nhiều lối mở” bắt đầu lúc 14h30 do VOVNews tổ chức với sự tham dự của các vị khách mời là những chuyên gia đến từ Bộ Công thương và Viện Năng lượng

Tăng trưởng kinh tế nhanh cùng với mức gia tăng dân số đáng kể đang kéo theo nhu cầu năng lượng ở nước ta tăng lên nhanh chóng. Theo ước tính, nhu cầu điện trong những năm gần đây tăng bình quân 17% mỗi năm, cao gần gấp đôi mức tăng trưởng kinh tế. Do nhu cầu điện tăng cao, Việt Nam có thể sẽ trở thành nước nhập khẩu than và dầu thô trong 5 năm tới. Triển khai phát triển điện từ các nguồn năng lượng tái tạo với sản lượng đáng kể có thể sẽ hạn chế phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng trong tương lai, cải thiện cán cân tài chính cũng như góp phần giảm ô nhiễm môi trường.

Mời các bạn theo dõi nội dung cuộc tọa đàm trực tuyến do Báo điện tử VOVNews đang thực hiện có chủ đề: “Phát triển năng lượng tái tạo – Một chìa khóa, nhiều lối mở”. Tham gia buổi tọa đàm có các vị khách mời: ông Lê Tuấn Phong – Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng và Dầu khí – Bộ Công thương; ông Nguyễn Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo và Cơ chế phát triển sạch – Viện Năng lượng; ông Nguyễn Văn Bản – chuyên viên cao cấp về năng lượng – Tổng Giám đốc Công ty CP Năng lượng sạch.

Các khách mời tham gia Tọa đàm

* Chúng ta đang trong thời kỳ thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Thách thức chính hiện nay là làm thế nào để đảm bảo hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Ở một góc độ nào đó, phát triển năng lượng tái tạo có thể coi là “chìa khóa” giúp chúng ta giải quyết rất nhiều vấn đề. Là một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, xin ông Nguyễn Đức Cường chia sẻ với độc giả VOVNews một số nội dung liên quan vấn đề này?

Ông Nguyễn Đức Cường

Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo và Cơ chế phát triển sạch – Viện Năng lượng: Nhu cầu năng lượng và điện của Việt Nam giai đoạn tới là rất  lớn. Đến 2020, nhu cầu này sẽ tăng gấp đôi, tức khoảng 100 triệu tấn dầu tương đương, đến 2025 nhu cầu điện của Việt Nam sẽ tăng gấp 8 lần so với 2009.

Rõ ràng nhu cầu điện tăng rất cao, nhu cầu năng lượng rất lớn thì khả năng khai thác năng lượng trong nước bị hạn chế bởi nguồn cung than có hạn, thủy điện lớn chưa khai thác hết. Tuy nhiên, việc khai thác năng lượng tái tạo đối với hoàn cảnh của Việt Nam là nước đang phát triển, xuất phát điểm còn thấp thì việc sử dụng các năng lượng tái tạo cần phải xem xét và đặt trong bài toán tổng thể, hài hòa và phát triển kinh tế, xã hội, môi trường.

Năng lượng tái tạo thường có qui mô nhỏ, năng suất không cao, không lớn so với các năng lượng truyền thống, giá thành lại cao. Thời điểm này, muốn đầu tư thì phải có sự hỗ trợ của Nhà nước, trong khi ngân sách của chúng ta hiện nay cũng không phải là nhiều. Chính vì vậy, bài toán hài hòa phát triển như thế nào, ở đâu, bao nhiêu, dùng loại năng lượng tái tạo nào cần phải xem xét kỹ lưỡng để chuẩn bị khai thác.

Ông Lê Tuấn Phong, Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng và Dầu khí – Bộ Công thương: Tôi xin bổ sung ý kiến của ông Nguyễn Đức Cường. Sau năm 2014 Việt Nam đang phấn đấu trở thành nước xuất khẩu năng lượng sẽ trở thành nước nhập khẩu năng lượng tinh. Tức là Việt Nam sẽ nhập khẩu điện, than, dầu, khí. Để đảm bảo an ninh năng  lượng, Nhà nước có chủ trương phát triển năng lượng nguyên tử. Ngoài nhập khẩu than, dầu, khí còn phải xem xét phát triển năng lượng nguyên tử và đặc biệt là phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Việc phát triển năng lượng tái tạo sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng trong nước và đảm bảo vấn đề môi trường.

* Như chúng ta đã biết, với điều kiện thuận lợi về địa lý, khí hậu, Việt Nam có nguồn năng lượng tái tạo khá lớn và đa dạng như: thủy điện, gió, năng lượng mặt trời, nhiên liệu sinh học… Tuy nhiên, để biến những tiềm năng thành ứng dụng thực tế là cả một quá trình dài, đòi hỏi sự đầu tư kỹ lưỡng từ tư duy đến hành động. Thưa ông Lê Tuấn Phong, với tư cách là cơ quan tham mưu của Chính phủ, Bộ Công thương đã có những đề xuất kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo như thế nào trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia?

Ông Lê Tuấn Phong, Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng và Dầu khí – Bộ Công thương:  Định hướng phát triển năng lượng tái tạo được thể hiện trong rất nhiều văn bản pháp luật (Luật Điện lực, Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2007, Qui hoạch phát triển điện lực Việt Nam - Tổng sơ đồ 6) đã đặt ra mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo.

Ông Lê Tuấn Phong

Để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, Bộ Công thương đã dự thảo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo tới 2015 tầm nhìn 2025 và dự thảo một Nghị định khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Để giải quyết mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo, chúng ta phải đánh giá được tiềm năng từng vùng, miền, từ đó xây dựng chiến lược, qui hoạch tầm quốc gia và đề ra được giải pháp thực hiện.

Trong chiến lược qui hoạch và trong Nghị định đã trình Chính phủ thì có giải pháp là phải có cơ quan điều hành phát triển năng lượng tái tạo quốc gia và có quỹ hỗ trợ phát triển.

* Vậy trong những năm qua chúng ta đã khai thác nguồn năng lượng tái tạo như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Tuấn Phong, Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng và Dầu khí – Bộ Công thương:  Nguồn năng lượng tái tạo rẻ nhất là các thuỷ điện nhỏ (tiềm năng của Việt Nam khoảng 4.000 MW) và hiện nay số dự án đăng ký và đưa vào khai thác cũng xấp xỉ 955 MW.

Đứng sau thuỷ điện nhỏ là các nguồn Biomas (bã mía, trấu). Đến nay có khoảng trên 150 MW điện sản xuất từ bã mía, chủ yếu cấp nhiệt cho nhu cầu sản xuất đường. Phần điện năng thừa thì phát lên điện lưới. Một nguồn nữa để phát triển Biomas là vùng đồng bằng sông Cửu Long (phát điện từ trấu). Tổng nguồn phát điện năng lượng tái tạo còn khoảng 700-800 MW. Thế nhưng hiện nay chủ yếu vẫn phát điện bằng bã mía của các nhà máy đường. Để phát điện từ trấu thì chi phí lớn, nên giá điện cao hơn từ lưới điện quốc gia. Vì thế, cần có sự hỗ trợ phát triển.

Ông Lê Tuấn Phong

Nguồn rẻ thứ ba (theo xếp hạng về giá thành) là gió. Các tỉnh Ninh Thuận, Bình Định, Gia Lai có tiềm năng gió tốt. Hiện nay số dự án đăng ký đầu tư với các địa phương được xấp xỉ 3.000 MW, nhưng giá thành điện gió vẫn cao, khoảng gần 10 cent/kWh, gấp đôi giá điện lưới quốc gia. Vì thế, để phát triển điện gió trong điều kiện hiện nay cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Chúng ta mới có khoảng 1,2 MW điện gió cho các vùng sâu, vùng xa, hải đảo… Điện gió nối lưới cần cơ chế hỗ trợ. Đã có nhà đầu tư nhập 20 tuốc bin gió, công suất mỗi tổ máy là 1,5 MW và đã phát điện từ tháng 9/2009 lên lưới điện quốc gia và đang tiếp tục phát điện các tổ máy còn lại. Bộ Công thương cũng đã trình Chính phủ cơ chế hỗ trợ cho nguồn năng lượng tái tạo này.

Một nguồn năng lượng nữa là điện nhiệt, tiềm năng khoảng 200-300 MW. Thế nhưng đầu tư cho điện nhiệt còn đắt đỏ. Để khai thác nguồn này cũng cần hỗ trợ của Nhà nước.

Điện mặt trời là nguồn năng lượng đắt nhất trong số các năng lượng tái tạo. Giá thành dao động khoảng 30-40 cent/kWh. Hiện các dự án chúng ta triển khai trong nước mới chỉ để cung cấp điện cho các vùng sâu, vùng xa mà điện lưới không tới được.

* Như ông Lê Tuấn Phong vừa đề cập, Việt Nam là nước giàu tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo nhưng thực tế hiện nay việc khai thác, đưa vào sử dụng các nguồn năng lượng này chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Thưa ông Nguyễn Đức Cường, từ góc độ là chuyên gia cao cấp của Viện Năng lượng, ông đánh giá nguyên nhân thực trạng này do đâu?

Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo và Cơ chế phát triển sạch – Viện Năng lượng: Việt Nam với điều kiện vị trí địa lý và khí hậu, cũng như sản xuất công – nông nghiệp tạo ra nguồn năng lượng tái tạo rất dồi dào, đa dạng, phân bố rất nhiều ở các vùng sinh thái (từ miền núi đến đồng bằng, từ trung du đến hải đảo) đều có thể khai thác được (thuỷ điện nhỏ, mặt trời, gió, các loại sinh khối từ phế thải nông – công nghiệp, điện nhiệt…).

Tuy nhiên, đến thời điểm này so với tiềm năng chúng ta khai thác vẫn hạn chế. Cụ thể, toàn bộ năng lượng tái tạo đang được khai thác sản xuất điện mới chiếm khoảng 2,1% tổng lượng điện sản xuất năm 2009. Nếu với tốc độ phát triển các nguồn năng lượng điện dựa vào than, dầu khí nhanh như hiện nay thì tỷ lệ % của năng lượng tái tạo chúng ta còn kéo xuống thấp hơn nữa. Rõ ràng chúng ta phải xem lại cơ cấu để đạt mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra đến 2020, năng lượng tái tạo chiếm 5%.

Để lý giải vì sao chúng ta có tiềm năng, có nhu cầu và chúng ta khai thác còn hạn chế, theo tôi có 2 nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Về khách quan, như tôi đã đề cập ở trên, thứ nhất là dự án của các công trình tái tạo thường có qui mô, công suất nhỏ, mà lại phát triển ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa… cho nên suất đầu tư lớn. Đầu vào sản xuất ra năng lượng lại phụ thuộc vào thời tiết (ví dụ thủy điện nhỏ phụ thuộc mưa. Pin mặt trời thì phải có ánh sáng...). Rõ ràng, qui mô nhỏ cộng với đầu tư cao và phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên so với năng lượng truyền thống sẽ đầu tư nhiều hơn.

Còn về chủ quan, có 4 nguyên nhân chính. Vấn đề đầu tiên là chúng ta đầu tư cho năng lượng tái tạo so với các nguồn năng lượng khác còn hạn chế. Ví dụ, đầu tư đánh giá tiềm năng, khai thác trữ lượng như thế nào… trong khi đầu tư cho than, dầu rất nhiều. Chúng ta cũng có đầu tư cho năng lượng tái tạo nhưng còn phân tán, khiến cho việc phát triển nguồn năng lượng này còn hạn chế.

Thứ hai là về cơ chế, chính sách. Chính sách về năng lượng tái tạo đã nêu rất rõ, nhưng lại chưa cụ thể, đặc biệt là cơ chế hỗ trợ đầu tư.

Thứ ba là cơ chế giá. Năng lượng tái tạo thì giá thành cao hơn so với năng lượng truyền thống. Với Việt Nam, hiện tại giá điện và giá than chưa phản ánh hết được thực tế. Chúng ta vẫn đang còn trợ cấp cho hai mặt hàng này. Giá điện chưa sát với giá thị trường. Những nguyên nhân này khiến giá năng lượng tái tạo đã đắt còn đắt hơn.

Thứ tư, vấn đề nghiên cứu để phát triển, hạ giá thành sản phẩm thích ứng với từng đặc điểm, điều kiện vùng miền. Ví dụ, để sản xuất năng lượng mặt trời, hiện tại vẫn nhập khẩu thiết bị của Trung Quốc. Vì thế, sắp tới chúng ta phải tiến tới xuất khẩu để giảm giá thành. Bên mua, bên bán có thể gặp nhau trong một cơ chế hỗ trợ.

Cuối cùng là nguồn lực. Chúng ta có ít trường đại học, kể cả trường đại học Công nghiệp cũng chưa đào tạo ngành năng lượng tái tạo.

Trên đây là một số nguyên khiến hạn chế phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Tuy nhiên, những vấn đề đó đến nay đã có những giải pháp rất cụ thể. Bộ Công thương đã có những văn bản trình Chính phủ về lĩnh vực này, trong đó có đề xuất về việc thành lập Quỹ bình ổn giá điện, giá than để thúc đẩy cho năng lượng tái tạo.

Ông Nguyễn Văn Bản, chuyên viên cao cấp về năng lượng – Tổng Giám đốc Công ty CP Năng lượng sạch:  Tôi xin bổ sung thêm ý kiến của ông Cường. Ông Cường có nói tới giá của năng lượng sạch so với giá của năng lượng truyền thống có khoảng cách rất lớn, vì thế không thúc đẩy được năng lượng tái tạo phát triển. Trong đó, ông Cường chủ yếu nói đến giá của các loại năng lượng truyền thống như điện, than ở thị trường trong nước rất thấp. Thực ra, Chính phủ đã có lộ trình để chuyển ngành năng lượng sang cơ chế thị trường, dần đưa giá năng lượng thị trường trong nước tiến ngang bằng giá thị trường thế giới.

Thứ hai, Chính phủ cũng có lộ trình để tái cơ cấu ngành năng lượng và hiện đang tái cơ cấu các ngành điện, than, dầu khí để tạo thị trường cạnh tranh trong lĩnh vực năng lượng. Khi giá năng lượng trong nước ngang bằng quốc tế thì khoảng cách giữa giá năng lượng truyền thống và tái tạo sẽ hẹp đi, đó cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo.

* Qua câu chuyện của ông Nguyễn Đức Cường đến từ Viện Năng lượng, chúng ta có thể thấy còn tồn tại rất nhiều vấn đề khiến ngành công nghiệp năng lượng tái tạo chưa thể phát triển. Từ thực tế doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này, xin ông Nguyễn Văn Bản cho biết, khúc mắc lớn nhất hiện nay khiến chưa nhiều doanh nghiệp mặn mà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo là gì?

Ông Nguyễn Văn Bản

Ông Nguyễn Văn Bản, chuyên viên cao cấp về năng lượng – Tổng Giám đốc Công ty CP Năng lượng sạch:

 Năng lượng mới, năng lượng tái tạo đối với thế giới đã là quá cũ rồi. Họ đã phát triển loại năng lượng này mấy chục năm rồi. Nhưng đối với Việt Nam thì vẫn còn tương đối mới.

Chúng tôi hoàn toàn nhất trí rằng, xung quanh vấn đề phát triển năng lượng tái tạo với những định hướng của Nhà nước thì các nhà khoa học, các chuyên gia độc lập, từ năm 2000 đã nhận thức được các vấn đề này. Chúng tôi đã thành lập Công ty năng lượng sạch để nghiên cứu về vấn đề này. Chúng tôi đã cùng với các công ty Nhà nước và tư nhân thành lập Công ty Cổ phần Phong điện Phong Mai, nghiên cứu đầu tư xây dựng Nhà máy phong điện đấu nối từ năm 2000 tại Phương Mai, Bình Định.

Ngoài các nguyên nhân ông Phong đã đề cập, thì nguyên nhân chủ yếu vẫn là giá điện của Việt Nam so với thế giới vẫn thấp. Chính vì thế, chỉ có chúng ta tự đầu tư chứ không có nhà đầu tư nước ngoài nào tham gia vào lĩnh vực này. Giá điện truyền thống của chúng ta thấp nhưng điều kiện của điện truyền thống còn thuận lợi. Ở nước ngoài, chính sách bù cho năng lượng sạch rất cao.

* Doanh nghiệp của các ông đã vượt qua tất cả những khó khăn trên như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Bản, chuyên viên cao cấp về năng lượng – Tổng Giám đốc Công ty CP Năng lượng sạch: Chúng tôi đầu tư nghiên cứu tính toán để dự án có giá thành thấp nhất có thể. Trên cơ sở đó, báo cao giải trình với các cơ quan chức năng của Chính phủ xem xét giải quyết.

Năm 2003, chúng tôi đề xuất giá điện gió 5 cent/KWh thấp hơn nhiều so với giá điện gió của thế giới. Chúng tôi tiếp tục đề xuất với Bộ Công thương về cơ chế giá điện gió.

Trong những năm vừa qua, Bộ Công thương đã cùng GTZ- Đức, Viện Năng lượng nghiên cứu khung giá điện gió, được các nhà đầu tư, các bộ ngành liên quan thoả thuận, đang chờ Chính phủ phê duyệt.

Hiện tại, chúng tôi quay lại phương án khả thi với giá điện gió dự kiến trên 8cent/KWh. Có khả năng dự án phong điện Phương Mai I – 30MW tại khu kinh tế Nhơn Hội tỉnh Bình Định gồm 12 tổ máy AV928 – 2.5 MW sẽ được chính thức khởi công vào tháng 12/2010.

* Thưa ông Lê Tuấn Phong, Bộ Công thương đã có những hành động cụ thể gì để giúp các doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn như ông Nguyễn Văn Bản vừa nêu, cũng như thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo ở Việt Nam trong tương lai? Theo ông, những vấn đề trọng tâm chúng ta cần làm trong thời gian tới là gì?

Ông Lê Tuấn Phong, Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng và Dầu khí – Bộ Công thương: Như tôi đã nói ở trên, những nhà đầu tư rất tiên phong như ông Bản, đã nghiên cứu để phát triển điện gió. Và như ông Bản đã trao đổi, cơ chế để phát triển năng lượng gió giá thành đắt hơn giá năng lượng truyền thống. Điều này, Bộ Công thương và các cơ quan quản lý Nhà nước cũng đã biết. Bộ Công thương đã xây dựng kế hoạch và dự thảo về phát triển năng lượng tái tạo để hỗ trợ cho các chủ đầu tư khi phát triển dự án năng lượng tái tạo cần giá thành và giải quyết chênh lệch giá thành, giá năng lượng truyền thống để giúp nhà đầu tư có thể phát triển được.

Như ông Bản đã nói, chúng tôi đã soạn thảo văn bản và đưa lên mạng của Bộ để lấy ý kiến trình Chính phủ, đây là bước để đưa ra cơ chế phù hợp. Ngoài ra, cũng đưa ra hợp đồng mẫu không đàm phán để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư cũng như hợp tác với WB xây dựng bản đồ gió, chi phí không cao, xác định được vị trí tiềm năng, độ chính xác cao hơn, giúp cho quy trình được chính xác.

* Phía doanh nghiệp có những đề xuất gì, thưa ông Nguyễn Văn Bản?

Ông Nguyễn Văn Bản, chuyên viên cao cấp về năng lượng – Tổng Giám đốc Công ty CP Năng lượng sạch: Vừa qua, chúng tôi rất mừng, Bộ Công thương đã lấy ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính các cơ quan chức năng để trình Chính phủ. Thời gian ra được tờ trình của Chính phủ chính là thời điểm để có thể mở được các khoá đó để phát triển.

Để mở cửa khu nguồn năng lượng tái tạo, trước tiên đề nghị Bộ Công thương báo cáo Chính phủ duyệt sớm khung giá điện gió nối lưới Bộ đã trình. Sau đó, có khung giá điện gió tại vùng miền núi hải đảo, khung giá năng lượng tái tạo khác như mặt trời và khí sinh học.

Nhà máy điện gió là loại nhà máy điện gọn và ít thiết bị nhất trong các loại nhà máy điện gọn và ít thiết bị nhất trong các loại nhà máy điện. Nhưng giá thiết bị điện gió hiện rất đắt. Với trình độ công nghệ của Việt Nam nếu có sự quan tâm vĩ mô, sự kết hợp của các viện, ngành Việt Nam hoàn toàn có thể chế tạo máy điện gió để khai thác hàng trăm ngàn MW với hàng ngàn máy điện gió, không phải mua của nước ngoài giá đắt, đồng thời cung cấp phụ tùng thay thế cho các nhà máy điện gió đã được xây dựng.

* Ý kiến của ông Nguyễn Đức Cường về giải pháp đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo như thế nào, thưa ông?

 Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo và Cơ chế phát triển sạch – Viện Năng lượng: Để phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái táo, chúng ta phải xác định rõ đâu là những rào cản và rào cản nào cần phải giải quyết ngay.

Về phía cơ quan nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ và Bộ Công thương, Trung tâm Năng lượng tái tạo và cơ chế phát triển sạch (Viện Năng lượng) có ý kiến là chúng ta cần xem xét lại cơ chế giá.

Hiện tại, giá điện mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mua với mức giá trung bình khoảng 5,3-5,4 cent/kWh. Các nước khác bán ra là 5,7-5,8 cent/kWh. Trong khi đó, năng lượng tái tạo như gió là khoảng 10 cent/kWh, tùy thuộc vào từng vị trí, tốc độ, loại công nghệ nhập về.

Như vậy, là mức giá 10 cent/kWh cao hơn mức giá mà EVN bán ra. Vậy ai sẽ trả cho mức tăng thêm giữa giá mà EVN bán ra là 5,4 cent/kWh so với mức 10 cent/kWh?. Vấn đề đặt ra là Chính phủ trích ngân sách để trả tiền cho mức tăng thêm hay là người sử dụng trả.

Ngân sách của nước ta không nhiều nên giải pháp trích ngân sách Nhà nước để trả cho mức tăng thêm này là không khả thi. Ở nhiều nước phát triển năng lượng sạch như CHLB Đức, người dân đã tự nguyện trả tiền. Ngay cạnh Việt Nam là Philippines, Malaysia, người dân cũng tự nguyện trả cho việc phát triển năng lượng xanh.

Trung tâm Năng lượng tái tạo và cơ chế phát triển sạch (Viện Năng lượng) cũng đã có ý kiến về việc thành lập một quỹ để hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo. Ngoài ra, là việc kiến nghị giảm giá thành nguyên vật liệu, giảm lãi suất vay ngân hàng. Sau khi xem xét về giá, chúng ta phải cân nhắc xem năng lượng tái tạo nào nên phát triển trước để phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội và thu nhập cũng như sự chi trả của người dân.

* Nước ta đặt ra mục tiêu đến năm 2020, sản lượng điện tái tạo chiếm khoảng 5% tổng nguồn điện. Để mục tiêu này trở thành hiện thực, chúng ta cần phải thực hiện những gì, thưa ông?

Ông Lê Tuấn Phong, Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng và Dầu khí – Bộ Công thương:  Bộ Công thương đang trình Quốc hội xem xét về Luật Phát triển năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, chúng tôi đang nghiên cứu đưa ra biểu giá điện, kêu gọi các chủ đầu tư đàm phán, ký kết hợp đồng với các công ty điện lực, làm việc với các nhà tài trợ để xây dựng cơ chế hỗ trợ cho phát triển năng lượng gió, thúc đẩy ngân hàng thế giới về việc cho các chủ đầu tư vay để thực hiện các dự án năng lượng tái tạo.

Để đạt mục tiêu đến năm 2020, sản lượng điện tái tạo chiếm khoảng 5% tổng nguồn điện, Bộ Công thương cũng đã đề xuất phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có thể tham gia vào làm việc tại các công ty, cơ sở phát triển năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, chúng ta cần lập ra quy định lập ra một quỹ, nguồn vốn để hỗ trợ cho phát triển năng lượng tái tạo.

Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo và Cơ chế phát triển sạch – Viện Năng lượng: Chúng ta đã đặt mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2020. Vì vậy, chúng ta phải phát triển bao nhiêu MW cho sản xuất điện, sản lượng điện cho các địa phương, vùng, miền khó khăn như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Bản, chuyên viên cao cấp về năng lượng – Tổng Giám đốc Công ty CP Năng lượng sạch: Để phát triển năng lượng điện ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, chúng ta có thể sử dụng năng lượng tái tạo từ gió. Do đó, chúng ta cũng cần nghiên cứu xây dựng nhà máy sản xuất điện gió. Giá điện năng lượng cho những vùng này cũng cần được xem xét.  

Hy vọng cuộc Tọa đàm của chúng tôi hôm nay với 3 vị khách mời đã góp phần giải đáp một số câu hỏi mà quý vị và các bạn đang quan tâm. Xin trân trọng cảm ơn các bạn đã theo dõi cuộc Tọa đàm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên