22 dân tộc tỏa sắc trong ngày hội văn hóa Hà Giang

Những đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hà Giang sẽ hội tụ trong ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Hà Giang năm 2011.

Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc tỉnh Hà Giang lần thứ V tổ chức đúng vào dịp Hà Giang kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh. Là mảnh đất nằm ở vùng địa đầu Tổ quốc, nơi có 22 đồng bào dân tộc sinh sống, Hà Giang luôn được biết đến là vùng đất có nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc. Là lễ hội văn hóa, thể thao lớn nhất sau 4 lần tổ chức có sự góp mặt của tất cả các dân tộc sinh sống trên địa bàn, Hà Giang hy vọng giới thiệu được những đặc sắc văn hóa của đồng bào dân tộc. Nhân sự kiện này, phóng viên báo Điện tử VOVNews phỏng vấn ông Nguyễn Trùng Thương- Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Giang. 

PV: Ông có thể cho biết, Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc tỉnh Hà Giang lần thứ V có những gì đặc biệt?

Ông Nguyễn Trùng Thương

Ông Nguyễn Trùng Thương: Là sự kiện văn hóa lớn của tỉnh, lại được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh nên sẽ có sự góp mặt đầy đủ 11 huyện trên địa bàn. Đồng thời mỗi huyện sẽ có sự tham gia của 120 nghệ nhân.

Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc tỉnh Hà Giang sẽ bao gồm nhiều sự kiện đặc sắc như: trình diễn trang phục các dân tộc; trình diễn lễ hội văn hóa dân gian; thi hát dân ca; triển lãm các thành tựu kinh tế xã hội; thi các môn thể thao dân tộc như: đẩy gậy, kéo co, đánh yến, ném còn, vật dân tộc…

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian diễn ra trong ngày hội nhằm giữ gìn, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa tiêu biểu của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đồng thời thông qua các hoạt động này nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết góp phần chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đây cũng là dịp để đồng bào các dân tộc giao lưu gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm, giới thiệu tiềm năng văn hóa, văn nghệ, lễ hội truyền thống với du khách đến với Hà Giang.

Thông qua ngày hội văn hóa được tổ chức lần này, tỉnh Hà Giang cũng muốn thực hiện một cuộc tổng kiểm tra các giá trị văn hóa trên địa bàn. Với những hoạt động văn hóa dân gian tích cực sẽ có chiến lược tiếp tục bảo tồn và phát huy, với những hoạt động văn hóa đang có dấu hiệu mai một sẽ thực hiện điều chỉnh, phục dựng.

PV: So với những lần tổ chức trước, quy mô, nội dung và bản sắc của ngày hội lần này như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Trùng Thương: Lần này là lần thứ 5 lễ hội được tổ chức. Lần thứ nhất tổ chức chung với tỉnh Hà Tuyên (cũ) với quy mô nhỏ. Ở lễ hội lần thứ nhất chỉ mang tính thử nghiệm nên chúng tôi vẫn chưa huy động được toàn bộ các dân tộc anh em trên địa bàn. Các lần tổ chức tiếp theo chỉ ở hình thức văn hóa quần chúng là chính.

Đối với lần thứ 5 này, chúng tôi có sự góp mặt của 22 dân tộc sống trên địa bàn. Mỗi dân tộc sẽ mang đến một giá trị văn hóa lễ hội đặc trưng cho ngày hội. Cũng thông qua hoạt động này, chúng tôi sẽ làm một cuộc tổng kiểm kê các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc.

Đặc biệt, trong những sự kiện văn hóa lần thứ năm này, lần đầu tiên chúng tôi tổ chức Festival Khèn Mông vào tối 21/8 ở Đồng Văn.

Khèn Mông - một "đặc sản" của văn hoá Hà Giang

Việc tổ chức Festival nhằm sưu tầm, khai thác, bảo tồn và phát huy thể loại nghệ thuật nhạc cụ Mông như: múa khèn, thổi khèn và các bài khèn truyền thống, bài khèn mới trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Đồng thời cũng nhằm từng bước sưu tầm, khôi phục và giữ gìn, bảo tồn giá trị nét đẹp nhân văn của cây khèn Mông, phát huy tính năng tốt đẹp của nó trong cộng đồng, góp phần thiết thực trong việc xây dựng nền văn hóa các dân tộc Hà Giang, khơi dậy phát huy các loại hình nghệ thuật khèn Mông để tổ chức tốt các nghi lễ tín ngưỡng văn hóa dân tộc truyền thống và các hoạt động văn hóa cộng đồng góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trên 4 huyện cao nguyên đá Đồng Văn.

Tổ chức Festival khèn Mông gắn với hoạt động của Tuần Văn hóa Du lịch ấn tượng Cao nguyên đá Đồng văn nhằm mục đích đẩy mạnh phát triển quảng bá các danh thắng du lịch tỉnh Hà Giang.

Trong chuỗi hoạt động tại lễ hội văn hóa, thể thao các dân tộc tỉnh Hà Giang năm 2011 sẽ có Hội chợ Thương mại Quốc tế- Xúc tiến việc làm. Hà Giang là tỉnh có nguồn lực lao động khá dồi dào, việc mở hội chợ là nhằm tạo điều kiện cho các đồng bào dân tộc có thể tìm kiếm việc làm. Ngoài ra hội chợ cũng sẽ giới thiệu các sản phẩm trong và ngoài nước để qua đó thúc đẩy ý thức sản xuất hàng hóa đối với đồng bào các dân tộc. Đặc biệt, hội chợ sẽ có sự tham gia của các doanh nghiệp, của tỉnh Vân Nam- Trung Quốc.

PV: Vậy điểm nhấn của chương trình Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc tỉnh Hà Giang lần thứ V là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Trùng Thương: Điểm nhấn của Lễ hội Văn hóa các dân tộc lần thứ V là chương trình nghệ thuật kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh sẽ diễn ra trong đêm 20/8 với chủ đề: Hà Giang mến yêu của tôi. Màn sử thi này tái hiện lại Hà Giang 120 hình thành và phát triển.

Màn trình diễn này sẽ bao gồm 4 chương. Chương 1 có chủ đề: Đất Hà Giang lắng hồn dân tộc. Chương này phác họa hào khí đấu tranh chống chọi với thiên tai địch họa của thế hệ tiền nhân trên vùng đất Tây Vu thuở xa xưa, thời các vua Hùng dựng nước. Chương 2 có chủ đề: Hà Giang- Mùa Xuân phác họa giai đoạn thực dân Pháp đặt chân lên Hà Giang, những nỗi thống khô mà nhân dân Hà Giang phải gánh chịu trước ách áp bức bọc lột của thực dân cũng như sự ra đời của Đảng đã soi đường chỉ lối lãnh đạo nhân dân đấu tranh thắng lợi. Hai chương cuối là thể hiện một Hà Giang đang phát triển và hướng tới tương lai. Cũng qua chương trình nghệ thuật này, Hà Giang muốn gửi đi một thông điệp: Hà Giang sẽ biến những khó khăn thành thuận lợi để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên