(VOV) - Lại Diệu Hà, nghệ sỹ trình diễn với những tác phẩm gây sốc có một tác phẩm sắp đặt mới là chiếc váy khổng lồ dài 3m.
Có gì trên chiếc váy khổng lồ?
Một chiếc váy khổng lồ dài 3m, màu trắng với vô số các vật thể đính ở trên là tác phẩm sắp đặt của Lại Diệu Hà trình diễn tại Viện Goethe (Hà Nội) từ ngày 18/12/2012- 5/1/2013.
Tại sao lại là váy? Bởi Lại Diệu Hà bị ám ảnh nhiều về tính nữ và “sự độn” của người phụ nữ. Trong màn trình diễn “Bay lên” gây nhiều tranh cãi, Lại Diệu Hà đã cởi dần quần áo của mình, rồi giải phóng cho một con chim bị giam hãm trong lồng. Hai hình ảnh ấy đều mang ý nghĩa tượng trưng: tìm cách giải phóng cho con người khỏi những sự giam hãm.
Còn trong “make up”, Lại Diệu Hà đã ngồi trang điểm khuôn mặt mình rất lâu và che chắn không cho khán giả xem, lâu tới mức người xem phải ức chế. Trong xã hội, người phụ nữ phải “độn” nhiều, trang điểm nhiều để che giấu chính cơ thể mình, tạo một hình ảnh đẹp đẽ hơn nhưng không thật. Chiếc váy phồng, xòe của Hà làm cũng là một thứ để người phụ nữ che giấu đi bản thân mình.
![]() |
Lại Diệu Hà trong màn trình diễn "Bay lên" gây nhiều tranh cãi |
Trên chiếc váy trắng khổng lồ, Hà đính vào rất nhiều vật thể. Đó là những vật thể có hình dạng kỳ lạ, có thể gợi ra những hình dung khác nhau của người xem, ví dụ những nhành san hô được nhiều người nói giống củ gừng hay cành cây khô, cái sừng của con tuần lộc… Đó là những sự vật khởi nguồn cho sự sống như những tế bào, những thứ không nhìn thấy bằng mắt thường mà chỉ thấy qua lớp kính hiển vi… Có sự liên hệ giữa những vật thể đó với chiếc váy của người phụ nữ - nơi cũng khởi nguồn cho sự sinh sôi.
So với những màn trình diễn gây sốc trước, triển lãm này của Lại Diệu Hà “hiền lành” hơn song vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây thắc mắc và tranh cãi.
![]() |
Trình diễn sắp đặt "Tổ hợp bám" |
Để phụ nữ đẹp và gần với tự nhiên hơn
Lại Diệu Hà nói rằng đi ngoài đường cô thấy thương phụ nữ Việt Nam vì đa phần quần áo của họ được may bằng những thứ vải pha nhiều nilon, không đẹp và cũng không tốt cho sức khỏe. Lấy nghề may làm một phần công việc, qua triển lãm này, Hà mong muốn hướng mọi người tới việc yêu thích những chất liệu vải tự nhiên để mặc đẹp và khỏe hơn.
Những loại vải Hà dùng để may váy áo đều được làm thủ công bằng tay 100% và có nguồn gốc tự nhiên. Hà đã cất công sang chợ vải Ninh Hiệp, đi khắp chợ mà không tìm được mảnh vải nào ưng ý. Hà đi khắp nơi để sưu tầm các loại vải theo đúng chuẩn của mình. Có một nơi duy nhất ở làng Vạn Phúc dệt vải bán cho người Nhật bằng sợi bông lấy từ Hà Giang. Những tấm vải khổ nhỏ, màu trắng đó là nguyên liệu chính để Hà may chiếc váy khổng lồ này.
![]() |
Một chiếc váy đính "vật thể lạ" - mô hình thu nhỏ của chiếc váy khổng lồ |
Việc sử dụng chất liệu tự nhiên, theo Hà, còn là một văn hóa, hướng con người gần gũi với thiên nhiên và những thiên tính tốt đẹp của mình. Váy áo dùng vải tự nhiên sẽ dễ bị nhàu, nhăn hơn đồ pha nhiều nilon, nhưng chính những nếp nhàu đó phản ánh hoạt động của con người. Nếu biết nhìn như thế, người ta không còn e ngại nữa.
Perfomance art là loại hình nghệ thuật không tạo thu nhập và còn lạ lẫm, gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam. Với trình diễn “Tổ hợp bám” cũng như studio “Xưởng may” trong dự án nghệ thuật “Những chân trời có người bay”, Lại Diệu Hà còn hy vọng hướng con đường nghệ thuật gần hơn với cuộc sống mưu sinh./.