Khoảnh khắc hàng vạn người hát vang "Tiến quân ca" trên quảng trường Ba Đình
VOV.VN - Khoảnh khắc hàng vạn người hát vang "Tiến quân ca" trên quảng trường Ba Đình
Ngày Quốc khánh 2/9 là một mốc son hào hùng trong hành trình mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nhắc đến ngày mùng 2/9, trong trái tim mỗi người dân Việt Nam lại bùng lên một cảm xúc thiêng liêng và xúc động khó tả.
Sáng sớm ngày mùng 2/9 cách đây 75 năm, hàng chục vạn người hàng ngũ chỉnh tề, cờ hoa khoe sắc, áo quần tươi màu đỏ thắm đã dồn về quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Những biểu ngữ nền đỏ chữ vàng bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Hoa, Nga chăng ngang đường phố. Mọi tầng lớp xã hội trong nhân dân, ai ai cũng hân hoan phấn khởi chờ đón giờ khai sinh của chế độ mới - chế độ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Lễ đài bằng gỗ đơn sơ được dựng lên giữa quảng trường Ba Đình uy nghiêm, đội tự vệ vũ trang cùng đơn vị Quân Giải phóng đầu đội mũ ca lô, quân phục nghiêm trang, chỉnh tề, hàng ngũ thẳng tắp đứng trước lễ đài. Cũng cung giờ này, nhiều cuộc mít tinh lớn đã được tổ chức tại Huế, Sài Gòn và nhiều thành phố khác. Muôn triệu trái tim đang hồi hộp hướng về Hà Nội, đợi chờ giây phút thiêng liêng nhất.
Đúng 14h, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo trong Chính phủ lâm thời bước ra lễ đài. Bản nhạc “Tiến quân ca” hùng tráng vang lên, mọi ánh mắt đều hướng về lá cờ đỏ sao vàng rựa rỡ đang từ từ được kéo lên theo nhịp điệu của bài hát. Trước hàng chục vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, nay là Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Từ khoảnh khắc ấy và mãi đến sau này, mỗi người dân Việt Nam khi nghe giai điệu “Tiến quân ca” đều vang lên niềm tự hào, xúc động khi nhớ về khoảnh khắc lịch sử dân tộc Việt Nam sang trang mới, bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do.
“Tiến quân ca” được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác trong đêm mùa đông buốt giá của Hà Nội năm 1944. Trong một hồi ký tựa đề “Bài Tiến quân ca”, nhạc sĩ Văn Cao chia sẻ, ông viết “Tiến quân ca” là theo yêu cầu của cách mạng, cần một hành khúc cho đội quân Việt Minh vừa thành lập.
Khi đang đi dọc đường phố qua ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội), qua Hàng Bông rồi ra Bờ Hồ ngẫm nghĩ tìm ý cho bản hành khúc, ông bắt gặp những tốp người đói khổ từ nông thôn tràn về Hà Nội, ánh mắt của bé gái chừng ba tuổi, ngọn lửa tím sẫm bập bùng trong hốc mắt mọi người. Đêm ấy, về căn gác nhỏ số 171 phố Mông-gơ-răng (nay là 45 Nguyễn Thượng Hiền), nhạc sĩ Văn Cao đã viết nốt nhạc đầu tiên cho bản hành khúc. Cũng phải mất rất nhiều ngày, bản hành khúc mới hoàn chỉnh.
Tháng 11/1944, chính tự tay Văn Cao viết bài “Tiến quân ca” lên đá in trong trang văn nghệ đầu tiên của Báo Độc Lập. Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, sau khi nghe Văn Cao hát bài hát này đã xúc động thật sự và đề nghị mỗi người viết một bài hát nữa về mặt trận Việt Minh. Sau đó Nguyễn Đình Thi viết được bài “Diệt phát xít”, Văn Cao viết thêm bài “Chiến sĩ Việt Nam”. Cả hai bài hát này đều phổ biến rộng rãi trong công chúng.
Tại Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào giữa tháng 8/1945, các đại biểu đã nhất trí chọn “Tiến quân ca” là bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh. Ngày 13/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt “Tiến quân ca” làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 17/8/1945, trong cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội trước Nhà hát lớn, bài “Tiến quân ca” đã được cất lên lần đầu tiên trước đông đảo dân chúng.
Cũng tại Quảng trường Nhà hát Lớn, ngày 19/8/1945, trong cuộc mít tinh lớn, dàn đồng ca của Đội Thiếu niên Tiền phong đã hát bài “Tiến quân ca”. Ngày 2/9/1945, “Tiến quân ca” chính thức được cử hành trong ngày Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình bởi Ban nhạc Giải phóng quân do Đinh Ngọc Liên chỉ huy. Trước ngày biểu diễn, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên và nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu đã bàn với Văn Cao thống nhất sửa hai chữ trong “Tiến quân ca”, cụ thể là rút ngắn độ dài của nốt rê đầu tiên ở chữ "Đoàn" và nốt mi ở giữa chữ "xác" làm cho bản nhạc khỏe khoắn hơn.
Năm 1946, Quốc hội khóa I đã quyết định chọn “Tiến quân ca” làm Quốc ca. Trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam, tại điều 3 ghi rõ: "Quốc ca là bài Tiến quân ca".
Từ khi chính thức được công nhận là Quốc ca Việt Nam, “Tiến quân ca” đã thấm vào tim mỗi người Việt Nam để tiếp tục gìn giữ ca khúc này trường tồn cùng dân tộc./.