Âm vang những bài ca cách mạng

Trong biên niên sử bằng âm thanh của dòng âm nhạc cách mạng lấp lánh nhiều ca khúc của nhiều thế hệ nhạc sĩ đã trực tiếp hoặc gián tiếp ca ngợi cách mạng, ca ngợi chính quyền nhân dân, như một tiếng kèn xung trận.

Ngay từ những ngày đầu của cách mạng, tiếng hát đầy hào khí đã vang lên khắp nơi. Từ “Diệt phát xít” (Nguyễn Đình Thi), “Tiếng gọi sinh viên” (Lưu Hữu Phước), “Du kích ca” (Đỗ Nhuận), “Ba Đình nắng” (Bùi Công Kỳ)… đến một loạt bài của Văn Cao như: Bắc Sơn, Chiến sĩ Việt Nam và nhất là Tiến quân ca đã trở thành Quốc ca hùng tráng.

Lên đường kháng chiến

Dưới cờ cách mạng, biết bao nhạc sĩ trẻ đầy tài năng của thời kỳ đó cũng đã lao vào cơn lốc của cách mạng và lên đường kháng chiến. Đó là một thời đẹp của những tâm hồn chiến sĩ và nghệ sĩ. Những bài hát, những giọng ca dần dà đã quen thuộc với đồng bào, đồng chí như các nhạc sĩ ở phía Bắc Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Đức Toàn, Lê Yên, Nguyễn Đình Phúc, Xuân Oanh, Tô Hải, Văn Chung… Nếu ở miền Trung, những tên tuổi khá quen thuộc như Nguyễn Văn Thương, Trần Hoàn, Nguyễn Văn Túy… thì ở miền Nam, ai cũng biết đến các nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Ngô Huỳnh, Dương Minh Ninh, Vân Đông, Trần Kiết Tường…

Các nhạc sĩ xung trận với ba lô trên vai, một cuốn vở, một cây sáo và cây đàn cùng với tấm lòng và tâm hồn nghệ sĩ. Biết bao gian nan của buổi đầu đi theo cách mạng, một loạt những bài hát vẫn ra đời làm lay động bao con tim: “Trường ca sông Lô” (Văn Cao), “Người Hà Nội” (Nguyễn Đình Thi), “Du kích sông Thao” (Đỗ Nhuận) là những minh chứng cho thời kỳ đó. Nó mang dáng dấp của ba con sông lớn, một không gian nơi Bác Hồ và Bộ Chính trị chỉ huy toàn Đảng, toàn quân, toàn dân kháng chiến - sông Lô, sông Thao và sông Hồng.

Nghe một số bài hát

Mười chín tháng Tám

Người Hà Nội

Bài ca Hà Nội

Câu hò bên bến Hiền Lương

Cô thợ hàn

Đất nước trọn niềm vui

Em có nghe âm thanh ngày mới

Đảng là cuộc sống của tôi

Những tác phẩm “Tiểu đoàn 307” (Nguyễn Hữu Trí và Nguyễn Bính), “Bình Trị Thiên khói lửa” (Nguyễn Văn Thương), “Đoàn vệ quốc quân” (Phan Huỳnh Điểu), “Trường Chinh ca” (Lương Ngọc Trác), “Đường lên Tây Bắc” (Văn An), “Hò kéo pháo” (Hoàng Vân), “Sẽ về Thủ đô” (Huy Du)… góp phần trong “Chín năm làm một Điện Biên” thì niềm vui như được nhân đôi, khi bước chân của quân và dân ta “Tiến về Hà Nội” (Văn Cao) mừng Thủ đô giải phóng.

Sau năm 1954, trong hòa bình và xây dựng, các nhạc sĩ hai miền hội tụ về Hà Nội góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng họ vẫn không quên một nửa đất nước còn bị chia cắt. Thời gian này đã nở rộ rất nhiều làn điệu dân ca từ miền ngược đến miền xuôi. Dấu ấn của các nhạc sĩ đi sưu tầm dân ca như “ùa” vào trong những giai điệu vui mà đậm đà dân tộc. Hàng loạt nhạc sĩ mới xuất hiện - một thế hệ nhạc sĩ may mắn thuận lợi hơn thế hệ trước bởi được học tập một cách chính quy và đầy đủ. Hàng loạt tác phẩm mới của lớp già cũng như lớp trẻ được nhanh chóng ra đời như “Bài ca người thợ rừng” (Phạm Tuyên), “Ánh đèn sáng trên cầu Việt Trì” (Hoàng Hà), “Cô thợ hàn” (Thịnh Trường), “Câu hò bên bến Hiền Lương” (Hoàng Hiệp và Đằng Giao), “Tình trong lá thiếp” (Phan Huỳnh Điểu), “Bài ca hy vọng” (Văn Ký), “Tình ca” (Hoàng Việt)…

Ở những căn cứ miền Nam, dần dà cũng đã vang lên những giai điệu hào hùng kêu gọi như “Giải phóng miền Nam” (Huỳnh Minh Siêng - tức Lưu Hữu Phước), “Trên đường Thiên Lý” (Phan Thế), “Xuân chiến khu” (Xuân Hồng)… Ngay giữa các thành thị miền Nam, bằng tài năng của mình, các nhạc sĩ Tôn Thấp Lập, Trần Long Ẩn, Trương Quốc Khánh… và cả Trịnh Công Sơn với chùm tình khúc phản chiến gây một chấn động lớn và một phản xạ tích cực trong mọi tầng lớp nhân dân, được xã hội ghi nhận.

Đồng hành với bước trưởng thành của cách mạng, từ ngày đất nước thống nhất, đội ngũ nhạc sĩ ngày càng đông đảo hơn. Nhiều tác phẩm hay từ ca khúc nghệ thuật, hợp xướng và nhạc không lời đã nở rộ. Tuy nhiên, giữa những tháng năm này, gặp gỡ một số nhạc sĩ thế hệ trước và kể cả những quần chúng hâm mộ ca hát đã có tuổi, họ đều nhớ và kể được rành rẽ tên ca khúc, còn hát được những bài ca quen thuộc trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Từ “Chiếc gậy Trường Sơn” (Phạm Tuyên); Quảng Bình quê ta” (Hoàng Vân); “Hà Tây quê lụa” (Nhật Lai); “Bài ca Hà Nội” (Vũ Thanh) đến “Đất nước trọn niềm vui” (Hoàng Hà), “Bài ca thống nhất” (Võ Văn Di), “Hát mừng non nước hôm nay” (Trần Chung), “Việt Nam ơi, ta bước tiếp” (Huy Du)… Rồi những bài hát viết về Đảng, về Bác Hồ kính yêu, họ cũng không quên nhắc đến để mà ngưỡng mộ, để mà chiêm nghiệm và cả để nhớ về một thời sôi nổi vượt mọi thời gian.

Bởi lẽ khi “Người về đem tới niềm vui, mùa thu nắng tỏa Ba Đình” (Văn Cao) thì mỗi chúng ta cùng hát lên “Đảng là cuộc sống của tôi, mãi mãi ơn Người” (Nguyễn Đức Toàn) và hòa nhịp đi lên cùng “Âm thanh mới ngân vang trong dòng tên Tổ Quốc” (Nguyễn An) của kỷ nguyên mới vẻ vang và hội nhập.

Những ca khúc về cách mạng 65 năm qua đã đầy ắp phẩm chất của nền âm nhạc tiến bộ. Nó có đầy đủ tính hiện thực, tính thẩm mỹ và tính nhân văn. Những bước đi khổng lồ của cách mạng đã giúp cho chúng ta có một kho tàng lớn trong âm nhạc vừa dân tộc vừa hiện đại. Điểm gặp gỡ đầy ý nghĩa của những ca khúc này là cùng ánh lên tình cảm, niềm tin yêu sâu nặng của toàn dân, toàn quân nói chung và của giới nhạc sĩ nói riêng với Đảng và Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Để rồi, với tư duy mới, với hàm lượng chất xám được nâng cao và sáng tạo của mỗi nhạc sĩ, sẽ còn có nhiều giai điệu đẹp, với lời ca hay, quyến rũ được mọi lứa tuổi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên