Ấn phẩm Truyện Kiều mới ra mắt được biên soạn và chỉnh lý thế nào?

VOV.VN -PV VOV đã phỏng vấn Giáo sư Trần Đình Sử, một trong những nhà nghiên cứu tham gia biên soạn và chỉnh lý bản Truyện Kiều lần này.

Nhà xuất bản Trẻ và hội Kiều học Việt Nam vừa cho ra mắt ấn phẩm Truyện Kiều nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du. Nếu mỗi dân tộc có một tấm căn cước chung bằng văn chương để giới thiệu với thế giới thì người Việt có Truyện Kiều. Lời tựa cuối thế kỷ 19 của Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ đã gọi đây là một khúc Nam âm tuyệt xướng. Vài thập niên sau, các học giả đều nhấn mạnh tầm vóc của Truyện Kiều thông qua vị thế đại diện cho tiếng nói dân tộc: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn. Đồng nhất Truyện Kiều với bản sắc dân tộc hẳn là một lời xưng tụng cao quý nhất cho một tác phẩm văn học. Nguyễn Du trong bài Độc tiểu thanh ký có câu thơ để lại nhiều suy tư cho hậu thế “Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Thiên hạ ai còn khóc Tố Như”. Tố Như là tên tựa của Đại thi hào Nguyễn Du và 250 năm sau ngày sinh của ông, Truyện Kiều không những đang được nhiều thế hệ tìm tòi nghiên cứu mà còn được nhiều quốc gia trên thế giới trân trọng. PV VOV đã phỏng vấn Giáo sư Trần Đình Sử, một trong những nhà nghiên cứu tham gia biên soạn và chỉnh lý bản Truyện Kiều.



PV:  Thưa GS, khi được chứng kiến buổi ra mắt Truyện Kiều, tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam sau hơn 200 năm lại được tái bản, ông có thể chia sẻ cảm giác của mình?

GS. Trần Đình Sử: Tôi cảm thấy rất vui vì từ trước tới nay, tôi rất yêu mến Truyện Kiều và tôi vẫn đang nghiên cứu Truyện Kiều. Có thêm một Truyện Kiều mới được dị khảo, chú thích công phu, tôi nghĩ rằng đó không chỉ là niềm vui của cá nhân tôi mà là niềm vui chung của tất cả mọi người.

PV: Cá nhân ông đánh giá thế nào về sự chỉnh lý và bổ sung Truyện Kiều lần này. Sự thay đổi đó mang ý nghĩa thế nào?

GS. Trần Đình Sử: Chúng ta đã có rất nhiều bản Truyện Kiều chữ quốc ngữ được soạn công phu và rất có giá trị. Nếu mang các bản Kiều hiện nay ra so với các bản Kiều chữ Nôm thì có rất nhiều sự sai khác về câu chữ. Ví dụ câu Kiều mà ta rất quen: “Cỏ non xanh rợn chân trời” so lại với bản Nôm thì không có chữ “rợn” mà là “Cỏ non xanh tận chân trời”. Hay câu “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” thì ở bản cổ là “Trời xanh quen với má hồng đánh ghen”. Do đó, ở lần biên soạn này, chúng tôi đối chiếu lại với bản chữ Nôm và sửa lại cho đúng với bản chữ Nôm để gần với nguyên tác của Nguyễn Du hơn. Ngoài ra, phần chú thích cũng được làm sáng tỏ hơn.

PV: Thưa GS, hiện nay qua hơn 200 năm, người trẻ hiện nay không còn mặn mà với những câu Kiều như thế hệ xưa, vậy thì các nhà nghiên cứu có sự kỳ vọng gì ở việc ra mắt tác phẩm Truyện Kiều lần này?

GS. Trần Đình Sử: Tôi thấy nhân dân ta từ xưa tới nay vốn rất yêu mến Truyện Kiều. Truyện Kiều được tái bản rất nhiều lần, lần nào cũng bán hết. Điều đó chứng tỏ Truyện Kiều vẫn luôn nhận được sự yêu chuộng, hâm mộ của công chúng, có sức hút, đi vào đời sống nhân dân. Trong nhà trường, Truyện Kiều có một vị trí quan trọng, có mặt trong sách giáo khoa của tiểu học đến trung học cơ sở, trung học phổ thông. Một số em có thể chưa mặn mà với Truyện Kiều có thể thuộc số những em không yêu thích môn Văn. Để cho hiệu quả, để học sinh yêu mến Truyện Kiều hơn, tôi cho rằng điều đó gắn liền với việc đổi mới giáo dục, đổi mới phương pháp, đổi mới cách học để các em có thể thích thú với những áng văn hay.

PV: Việc nhớ được Truyện Kiều đối với người dân Việt Nam hiện nay quả thật là rất khó. Ngày nay, người Việt thích đọc những áng văn nhẹ nhàng hơn, dễ nhớ hơn, không liên quan đến điển cố điển tích phải tra cứu. Với con mắt của một nhà nghiên cứu, theo GS chúng ta có nên phổ cập Truyện Kiều hay không?

GS. Trần Đình Sử: Tôi cho rằng không ai dám kết luận là người Việt Nam thờ ơ với văn học cổ điển. Không ai chứng minh được điều đó bởi chứng cứ là những tác phẩm cổ điển ấy vẫn được in, vẫn được bán, có người mua. Bây giờ, người đọc được tiếp xúc với rất nhiều thể loại văn học, phim ảnh…đương nhiên thời lượng để tiếp xúc với văn học cổ điển sẽ giảm đi, đấy là do sự giao lưu hội nhập văn học thời hiện đại. Nhưng tôi tin rằng đến một độ tuổi nào đó, người đọc sẽ quan tâm đến văn học cổ điển.

PV: Hiện nay, so với những truyện ngôn tình thì những áng văn cổ ngày xưa vẫn được ít công ty chọn in?

GS. Trần Đình Sử: Truyện ngôn tình hay những tác phẩm văn học giải trí cũng đều có tác dụng với nhu cầu của mọi người, trừ những tác phẩm mang tính tiêu cực sẽ mang đến những ảnh hưởng xấu, đồng thời chiếm thời lượng tiếp xúc của người đọc, khiến người đọc xao lãng những áng văn hay của dân tộc. Đây là vấn đề quản lý, vấn đề tổ chức giáo dục, phong trào đọc sách trong nhà trường, gia đình. Làm tốt những việc đó sẽ có lợi cho việc đào tạo nhân cách, có điều kiện hướng thế hệ trẻ vào việc thưởng thức các tác phẩm ưu tú của văn học dân tộc.

PV: Xin cảm ơn GS về cuộc trao đổi. 

Trải qua hơn 2 thế kỷ, Truyện Kiều có một sức hút mãnh liệt trong đời sống người dân Việt Nam bởi đây không chỉ là câu chuyện về văn chương Việt mà còn là ý thức về bản ngã, về văn hóa Việt, bản sắc Việt, bản lĩnh Việt và tâm hồn Việt. Trong mọi ngõ ngách đời thường, sức sống của Truyện Kiều đối với đời sống của người dân Việt Nam được thể hiện ở nhiều khía cạnh như nhiều câu thơ trong Truyện Kiều được nhân dân truyền miệng và dần trở thành lối hành văn mang ý nghĩa sâu sắc. Nhiều nhân vật trong Truyện Kiều trở thành nhân vật điển hình, mang tính biểu tượng cao. Truyện Kiều được chuyển thể qua nhiều loại hình nghệ thuật, đã và đang trở thành tác phẩm kinh điển, là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên