NSND Y Brơm:

Bác như vẫn đang còn đâu đây

Đối với Nghệ sĩ nhân dân Y Brơm (dân tộc Ba Na) ở Gia Lai, hình tượng Bác Hồ như một vị thần, mà theo tiếng địa phương gọi là Yàng.

Những lời nói, việc làm của Bác đã trở thành động lực mạnh mẽ đối với cá nhân ông cũng như đồng bào Tây Nguyên, là luôn giữ vững khối đại đoàn kết, lao động, sáng tạo để xây dựng Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp.

Nhân dịp kỷ niệm 64 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh nước 2/9 và 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghệ sĩ Nhân dân Y Brơm chia sẻ những cảm xúc của mình qua cuộc trao đổi với phóng viên VOVNews.

PV: Thưa nghệ sĩ nhân dân Y Brơm, xin ông có thể chia sẻ những cảm xúc, ấn tượng của mình trong những lần vinh dự được gặp Bác Hồ?

NSND Y Brơm: Tôi đã 6 lần gặp Bác. Ấn tượng sâu sắc nhất là thấy một vị lãnh tụ như Yàng (tức là Thần) nhưng rất giản dị, mặc quần áo kaki 4 túi, đi dép cao su. Bác hỏi: Muốn đoàn kết phải như thế nào? Vì Bác biết hầu hết anh em dân tộc chưa biết tiếng phổ thông, thì từ đoàn kết thì làm sao biết được! Vì thế để giải thích câu này Bác dùng hình tượng, tức là chuẩn bị sẵn một bó đũa. Bác nói: Nếu không đoàn kết thì thế này, Bác rút một chiếc đũa ra và bẻ gãy; còn muốn đoàn kết thì Bác cầm cả bó đũa bẻ thì không gãy.

Lúc đó cả hội trường ào lên: Đúng rồi! Đúng rồi! Bác nói là muốn làm ăn tốt, xây dựng quê hương, đất nước tốt thì các cháu phải học văn hóa. Từ đó tự xây dựng quê hương, xây dựng đất nước, phục vụ nhân dân nhiều hơn. Lời Bác nói cái gì cũng có ý nghĩa thiết thực trước mắt và lâu dài.

PV:  Di chúc Bác Hồ, cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, và những lần được gặp Bác đã có tác động như thế nào đến bản thân ông nói riêng, đồng bào Tây Nguyên nói chung?

NSND Y Brơm

NSND Y Brơm: Quả thật là việc phát động học tập tấm gương của Bác, càng học càng thấy thấm thía. Ngày 19/4/1946, Bác gửi thư cho Đại hội Đại đoàn kết các dân tộc, trong đó Bác viết: đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Ê Đê hay Jarai, Bana hay Sê đăng... đều là con cháu Việt Nam, là anh em một nhà, phải thương yêu nhau, giúp đỡ nhau, cùng nhau tiến bộ. Bác chưa lần nào đến Tây Nguyên, Bác mong được đến lắm, nhưng chưa đến được thì đã đi xa. Từ đó khiến tôi suy nghĩ: phải học nhiều hơn, sưu tầm, nắm bắt nhiều hơn nền văn hóa dân tộc, nhất là ở Tây Nguyên.

Những câu nói của Bác luôn văng vẳng bên tai, luôn thúc giục tôi, là động lực cho tôi sáng tác nên những tác phẩm, góp phần vào việc huấn luyện múa xoang và cồng chiêng Tây Nguyên nói chung và ở Gia Lai, Kon Tum nói riêng. Được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, trong 140 tác phẩm thì có 40 tác phầm được Nhà nước công nhận, trong đó có một chùm tác phẩm đạt Giải thưởng Nhà nước.

Hiện nay trở thành nghệ sĩ Nhân dân, đó là vinh dự lớn lao mà mình không dám nghĩ tới. Cảm ơn Đảng, cảm ơn Bác, mình càng suy nghĩ là phải đáp ứng phần nào mong muốn của Bác. Mong muốn của đồng bào Tây Nguyên là xây dựng nền văn hóa Tây Nguyên đậm đà bản sắc dân tộc dưới  sự lãnh đạo của Đảng. Thực sự, mình đã thấm nhuần lời dạy của Bác. Bây giờ nghĩ lại, hình dung lại, Bác như đang còn đâu đây”.

PV:  Xin cảm ơn nghệ sĩ!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên