Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không:

“Bản hùng ca một thời kiêu hãnh”

(VOV) - Ca khúc như một lời tri ân của những người con được sinh ra và lớn lên tại Hà Nội đối với các thế hệ cha anh đi trước.

Đó là một ca khúc mới sáng tác của nhà báo, nhạc sĩ Trần Nhật Dương với phần lời của nhà báo Trần Nhật Minh dành tặng cho Thủ đô thân yêu của mình nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không.

Phóng viên VOV có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Trần Nhật Dương và nhà báo Trần Nhật Minh về bài hát mới này.

PV: Xin chào tới nhà báo - nhạc sĩ Trần Nhật Dương và nhà báo Trần Nhật Minh. Trước hết, nhà báo nhạc sĩ Trần Nhật Dương có thể cho biết hoàn cảnh ra đời của ca khúc “Bản hùng ca một thời kiêu hãnh"?

NS Trần Nhật Dương: Là một nhạc sĩ của Đài TNVN một trong những cơ quan truyền thông lớn của đất nước đã hai lần đón nhận danh hiệu anh hùng. Và chúng tôi là những thế hệ các nhạc sĩ ngày hôm nay của Đài TNVN luôn luôn kế thừa phát huy truyền thống của các thế hệ lớp nhạc sĩ đi trước. Rất là nhanh nhậy sâu sắc phản ánh kịp thời những bước đi thăng trầm của lịch sử cách mạng Việt Nam.

Cách đây 40 năm khi giặc Mỹ đem pháo đài bay B52 vào đánh phá Hà Nội và các tỉnh thành khác. Lúc đó cùng với cán bộ công nhân viên thì các nhạc sĩ các nghệ sĩ của Đài TNVN vẫn ở lại Hà Nội bám trụ bảo vệ Đài TNVN. Trong những căn hầm, những nét giai điệu những lời ca đã vang lên trở thành những bản hùng ca rất hoành tráng như Hà Nội những đêm không ngủ, Hà Nội điện biên phủ của nhạc sĩ Phạm Tuyên, Hà Nội niềm tin và hy vọng của nhạc sĩ Phan Nhân, Trong vườn bách thảo một ca khúc thiếu nhi của nhạc sĩ Thanh Phúc…. và còn rất nhiều những bài hát được ra đời trong hoàn cảnh đất nước đang chiến tranh như vậy.

Hơn nữa tôi cũng là một người con được sinh ra và lớn lên tại Thủ đô Hà Nội. Trong những năm tháng kháng chiến ác liệt lúc đó tôi mới 12, 13 tuổi nhưng cũng đã hiểu biết đã chứng kiến những cảnh khốc liệt của máy bay giặc Mỹ đánh phá Miền Bắc và Thủ đô Hà Nội.

Cũng trong dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không tôi được NSƯT Lê Thụy của Đài Truyền hình TP.HCM, tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật “Huyền thoại Hà Nội Điện Biên Phủ trên không” mời tham dự và viết một tác phẩm. Từ những thôi thúc của một người con được sinh ra và lớn lên tại Hà Nội lại nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không tôi đã “thai nghén” và viết nên tác phẩm “Bản hùng ca một thời kiêu hãnh” với phần lời của nhà báo Trần Nhật Minh.

Nhà báo Trần Nhật Minh và nhà báo - nhạc sỹ Trần Nhật Dương

PV: Với nhà báo - nhạc sĩ Trần Nhật Dương thì cảm xúc để viết nên những giai điệu của "Bản hùng ca một thời kiêu hãnh" được bắt nguồn từ ký ức tuổi thơ, vậy còn nhà báo Trần Nhật Minh thì sao?

Nhà báo Trần Nhật Minh: Cảm xúc đối với sự kiện kỷ niệm 40 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" đối với các phóng viên như chúng ta ập đến từ rất nhiều hướng. Khi nhạc sĩ Trần Nhật Dương mời tôi tham gia cùng viết một tác phẩm âm nhạc nhân sự kiện này thì tôi thấy đây cũng là một cơ hội để được thể hiện cảm xúc của mình về Hà Nội. Bởi tôi cũng được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Mặc dù những năm 1972 tôi còn nhỏ nhưng bố tôi đã từng là phóng viên ở chiến trường nên tôi cũng thường được nghe bố kể cho nghe những câu chuyện những kỷ niệm của những năm tháng ác liệt này. Đặc biệt là những hình ảnh thời đó như căn hầm trú ẩn ở trước cửa nhà tôi thì mãi sau này nó vẫn còn.

Nhìn ở góc độ nhân văn thì những căn hầm như thế chính là sức sống của Hà Nội. Mặc dù về mặt hình ảnh thì rất tương phản, trong căn hầm là bóng tối nhưng ánh sáng chính là sức mạnh của những lớp thế hệ người Hà Nội rất hào hoa, phong nhã nhưng cũng rất anh dũng, kiên cường. Và tất cả những điều đó tạo cho tôi xúc cảm khi tham gia viết phần lời cho ca khúc này.

PV: Vậy mất bao lâu để nhà báo Trần Nhật Minh viết xong phần lời của ca khúc?

Nhà báo Trần Nhật Minh: Thời gian chính xác tôi không nhớ nhưng từ khi mà nhạc sĩ Trần Nhật Dương nói ý tưởng đó thì chúng tôi cũng thường xuyên trao đổi, đưa ra chủ đề và hướng tiếp cận. Tôi muốn nhấn mạnh rằng: "Tại sao Hà Nội của chúng ta lại chiến thắng?", ở một góc nhìn không phải quân sự, không phải sự kiện chính trị vì những vấn đề đó các nhà thơ, nhạc sĩ đi trước cũng đã viết nhiều rồi mà chúng tôi chỉ muốn nhìn ở một góc nhỏ thôi. Sở dĩ Hà Nội chiến thắng là vì Hà Nội có một truyền thống, có bề dày lịch sử văn hóa, sự lạc quan, bình dị nét hào hoa, thanh lịch nhưng rất kiên trun, bất khuất.

PV: Xin được hỏi nhạc sĩ Trần Nhật Dương, khi phổ nhạc cho phần lời của nhà báo Trần Nhật Minh hình ảnh nào khiến anh thấy xúc động nhất?

Nhạc sĩ Trần Nhật Dương: Trong phần lời của nhà báo Trần Nhật Minh có những hình ảnh rất ấn tượng tạo thành điểm nhấn trong ca khúc như: “lửa soi sáng những câu thơ viết vội…những câu thơ như hoa nở điệp trùng” hoặc là “Mẹ sinh con trong bóng tối căn hầm giữa bom thù hủy diệt quê mình ”…đã tạo nên những nét giai điệu, tạo nên phần âm nhạc trong tôi.

Bởi tôi còn nhớ, mỗi khi máy bay giặc Mỹ đánh phá vào ban đêm, thời đó tôi còn nhỏ không biết sợ nên không xuống hầm mà lại trèo lên gác 2 xem vì lửa đạn bắn sáng rực trời như pháo hoa. Rồi khi máy bay Mỹ đánh phá bệnh viện Bạch Mai có những bà mẹ phải sinh con trong hầm tối bất chấp sự hy sinh, bom đạn để che chở cho đứa con của mình...Từ những hình ảnh đó trong ký ức của tôi và hình ảnh lời thơ của nhà báo Trần Nhật Minh đã tạo nên mạch nguồn, cảm xúc âm nhạc cho ca khúc.

PV: Nhạc sĩ Trần Nhật Dương có thể chia sẻ kỹ hơn về âm nhạc của ca khúc?

Nhạc sĩ Trần Nhật Dương: Bài hát này với phần âm nhạc bên cạnh những nét giai điệu trữ tình, da diết phản ánh được ký ức của một thời chiến tranh, một thời anh dũng tiếp đó là những nét nhạc mạnh mẽ, hào sảng thể hiện lòng quyết tâm, tinh thần chiến đấu anh dũng ngoan cường của quân và dân Thủ đô những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ cũng như 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".

Nghe ca khúc "Bản hùng ca một thời kiêu hãnh" do ca sỹ Hoàng Tùng, Thu Lan và hợp xướng Nhà hát Đài TNVN trình bày

PV: Thưa nhà báo Trần Nhật Minh, là một nhà báo cũng là tác giả phần lời của ca khúc “Bản hùng ca một thời kiêu hãnh”, anh thấy ca khúc đã thể hiện được đầy đủ hình tượng nghệ thuật của "Bản hùng ca một thời kiêu hãnh” chưa?

Nhà báo Trần Nhật Minh: Ngay từ đầu chúng tôi cũng muốn nhìn từ một góc độ nhẹ nhàng, bình dị thôi nhưng phần nào đó mong muốn khái quát lại chân dung ký ức về Hà Nội một thời quả cảm anh dũng chiến thắng giặc Mỹ. Trong phần lời tôi có viết một câu là: “Nước mắt Sông Hồng, trầm tích phù sa”, đó là dòng chảy tự nhiên của cuộc sống còn lắng lại đến ngày hôm nay. Đấy là những giá trị trầm tích văn hóa mà tất cả chúng ta không được phép quên lãng, không được phép làm cho nó vẩn đục đi.

Nhạc sĩ Trần Nhật Dương: “Bản hùng ca một thời kiêu hãnh” được viết ra và đã được công diễn. Ca khúc cũng như một lời tri ân của những người con được sinh ra và lớn lên tại Hà Nội đối với các thế hệ cha anh đi trước đã chiến đấu bảo vệ Thủ đô, bảo vệ sự sống của chúng ta. Cho chúng ta một tương lai tươi sáng.

PV: Xin cảm ơn nhà báo - nhạc sĩ Trần Nhật Dương và nhà báo Trần Nhật Minh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

"Điện Biên Phủ trên không" qua tư liệu trong và ngoài nước
"Điện Biên Phủ trên không" qua tư liệu trong và ngoài nước

(VOV) - Những hình ảnh, tư liệu tái hiện rõ nét về lịch sử Hà Nội 12 ngày đêm với chiến thắng hào hùng "Điện Biên Phủ trên không".

"Điện Biên Phủ trên không" qua tư liệu trong và ngoài nước

"Điện Biên Phủ trên không" qua tư liệu trong và ngoài nước

(VOV) - Những hình ảnh, tư liệu tái hiện rõ nét về lịch sử Hà Nội 12 ngày đêm với chiến thắng hào hùng "Điện Biên Phủ trên không".

Triển lãm ảnh về Trường Sa, Hoàng Sa từ thế kỷ XV
Triển lãm ảnh về Trường Sa, Hoàng Sa từ thế kỷ XV

(VOV) - Đây là những hình ảnh, tư liệu, thư tịch, đặc biệt là các bản đồ cổ và ghi chép trong các tác phẩm lưu ký, sử ký.

Triển lãm ảnh về Trường Sa, Hoàng Sa từ thế kỷ XV

Triển lãm ảnh về Trường Sa, Hoàng Sa từ thế kỷ XV

(VOV) - Đây là những hình ảnh, tư liệu, thư tịch, đặc biệt là các bản đồ cổ và ghi chép trong các tác phẩm lưu ký, sử ký.

"Điện Biên Phủ trên không" qua góc nhìn của nhạc sỹ 8X
"Điện Biên Phủ trên không" qua góc nhìn của nhạc sỹ 8X

(VOV) - Bài hát kỷ niệm 40 năm chiến thắng "Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không" của nhạc sỹ thế hệ 8X đầy sức trẻ, mạnh mẽ.

"Điện Biên Phủ trên không" qua góc nhìn của nhạc sỹ 8X

"Điện Biên Phủ trên không" qua góc nhìn của nhạc sỹ 8X

(VOV) - Bài hát kỷ niệm 40 năm chiến thắng "Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không" của nhạc sỹ thế hệ 8X đầy sức trẻ, mạnh mẽ.