Bảo tồn cầu Long Biên: Thiếu cả tâm và tầm?
VOV.VN - Tại sao người ta có thể tuỳ tiện đối xử với một cây cầu đặc biệt như vậy là câu hỏi nhiều người đặt ra.
Hình ảnh cây cầu Long Biên vốn đã in đậm trong tâm trí biết bao thế hệ người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung. Bởi vậy khi Bộ GTVT đưa ra 3 phương án xây cầu vượt sông Hồng tại vị trí tim cầu Long Biên nhằm tăng tải trọng cho cây cầu để nó tiếp tục gánh vác công năng giao thông thông thường đã vấp phải sự phản đối của dư luận.
Thực ra trước đó, Bộ GTVT đã từng đưa ra 4 phương án khác theo đó xây cầu mới ở vị trí cách xa nhằm bảo tồn cầu Long Biên. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông trong cuộc trao đổi với báo chí đã cho biết 3 phương án mới được đưa ra gần đây là theo yêu cầu của thành phố Hà Nội để tránh khỏi rắc rối về giải phóng mặt bằng.
Tại sao người ta có thể tuỳ tiện đối xử với một cây cầu đặc biệt như vậy là câu hỏi nhiều người đặt ra.
Cầu Long Biên-một cây cầu lịch sử lưu giữ ký ức hào hùng của Hà Nội. Ảnh: Hà Thành |
Thiếu căn cứ pháp lý để bảo vệ cầu Long Biên?
Chuyên gia bảo tồn văn hoá, bà Hoàng Thị Hoa, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cho biết: “Mặc dù rất nhiều ý kiến của công chúng cũng như các chuyên gia đều cho rằng cầu Long Biên là một công trình tiêu biểu, có thể coi là di sản kiến trúc đô thị, là một trong những biểu tượng của Hà Nội, là di tích lịch sử văn hoá cần bảo vệ…Tuy vậy cho đến nay chưa có văn bản nào chính thức ghi nhận”.
Vì thế cầu Long Biên không phải di tích được xếp hạng. Bà Hoàng Thị Hoa thừa nhận “đây là vấn đề hạn chế trong công tác bảo vệ các công trình kiến trúc đô thị tại Hà Nội”.
Bà Hoàng Thị Hoa cũng cho biết, nếu cầu Long Biên được ghi nhận là một di tích lịch sử văn hoá cần được bảo vệ thì căn cứ vào Luật di sản văn hoá, cả 3 phương án do Bộ GTVT đề xuất chưa đạt yêu cầu về những nguyên tắc bảo vệ. Đó là: 1. Phải đảm bảo địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học; 2. Không làm thay đổi những yếu tố nguyên gốc vốn có của di tích lịch sử-văn hoá; 3. Không được cải tạo làm mới không giống như bản gốc về hình dáng, kích thước, chất liệu, mầu sắc, trang trí và những đặc điểm khác.
Cầu Long Biên lưu giữ tình cảm, kỷ niệm của nhiều thế hệ. Ảnh: Hà Thành |
Hiện cầu Long Biên có một “bảo trợ pháp luật” từ phía Hà Nội: Cây cầu này nằm trong danh sách các công trình kiến trúc trước năm 1954 được bảo tồn, vừa được HĐND TP.Hà Nội thông qua ngày 4.12.2013.
Điều đáng nói là trong khi những chính sách cụ thể với công trình này hiện vẫn còn bỏ ngỏ thì chính Hà Nội đã đưa ra yêu cầu với Bộ GTVT là xây cầu vượt sông Hồng qua tim cầu Long Biên!!!
Tuy nhiên, theo nhiều nhà văn hoá, kiến trúc sư và các chuyên gia về quy hoạch và phát triển đô thị, cầu Long Biên có thể được bảo vệ theo Luật Thủ đô. Quy định của Luật Thủ đô là phải tuân thủ theo Quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là phải bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên ngay tại vị trí hiện nay và nên làm cây cầu mới về phía thượng lưu.
“Cụ thể là năm 2000, chúng ta đã thống nhất với Chính phủ Pháp bảo tồn tại chỗ, trên cơ sở giữ nguyên trạng cầu Long Biên. Khi chúng ta đưa ra tuyến đường sắt đô thị số 1, từ năm 2008 cũng đã đặt ra vấn đề tôn tạo cầu Long Biên ở đúng vị trí cũ và làm một cây cầu mới cách cầu hiện nay 180m về phía thượng lưu”- Ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội - nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội đã khẳng định như vậy trên Dân trí.
Ông Đào Ngọc Khiêm cũng nhấn mạnh: “Điều đầu tiên đề cập đến trong Luật Thủ đô, việc phát triển phải tuân thủ theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vì vậy, anh phải tuân thủ theo Luật Thủ đô, theo Quy hoạch chung đã được xây dựng. Đây không phải là ý chí của một nhóm quản lý mà thể hiện trách nhiệm đối với Quốc hội, với nhân dân đã giao”.
Dù cầu Long Biên không phải di tích được xếp hạng nhưng không thiếu căn cứ pháp lý để bảo vệ. Vậy chúng ta đang thiếu điều gì?
Thiếu tầm nhìn và cái tâm
“Thời gian qua đi để lại những công trình đã tồn tại đến ngày nay, vượt qua chiến tranh và cả sự tàn phá do sự ngu ngốc của con người. Một công trình cổ chỉ còn giá trị khi cái gốc của nó được bảo tồn. Phá đi xây lại như quá nhiều công trình được trùng tu, cải tạo thời gian qua là một sự lãng phí tiền của và không tôn trọng lịch sử” - Ông Nguyễn Đình Thành, tốt nghiệp thạc sỹ quản trị văn hóa tại đại học Paris Dauphine (Paris 9), Cộng Hòa Pháp khẳng định.
Ông Nguyễn Đình Thành cho rằng chuyện của cầu Long Biên nên được nhìn rộng ra là cách Việt Nam ngày nay nên ứng xử với di sản như thế nào. Cầu Long Biên hoàn toàn có thể biến thành một bảo tàng mở mang phong cách đầu thế kỷ 20, thành những nhà hàng, cà phê, thậm chí khách sạn nhỏ để phục vụ du lịch và người dân Hà Nội. Cầu hoàn toàn có thể thành nơi triển lãm các tác phẩm nghệ thuật đương đại, trình diễn; biểu diễn âm nhạc nhân ngày hội âm nhạc, bắn pháo hoa mỗi dịp quan trọng, là điểm dừng chân cho du thuyền trên sông Hồng, thành chợ nổi…
Tương tự, Zone 9 hoàn toàn có thể trở thành một khu văn hoá đương đại hay một bảo tàng thời bao cấp của Hà Nội. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thành phòng triển lãm. Nhà cổ Mã Mây thành địa điểm văn hoá.
Một di sản vẫn có thể giữ điểm đặc sắc của nó đồng thời có thể biến đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại.
“Cái cần thay đổi không phải là cây cầu, toà nhà, công trình văn hoá tôn giáo mà là tư duy sử dụng các công trình ấy” – ông Nguyễn Đình Thành nhấn mạnh./.
>>Cầu Long Biên, tháp Eiffel và cú lừa siêu đẳng
>>Lùm xùm số phận cầu Long Biên: Trăm dâu đổ đầu…Hà Nội?