Bảo tồn giá trị của không gian văn hóa đình làng
VOV.VN - Từ xưa, đình làng không chỉ là trung tâm sinh hoạt văn hóa, đình làng còn là một thành phần có tính độc lập về cơ cấu hành chính.
Sáng 10/12, tại Hà Nội, diễn ra hội thảo “Không gian văn hóa đình làng - vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị di sản”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “Nghiên cứu, sưu tầm, quảng bá và phát huy những giá trị đặc sắc của di sản văn hóa đình làng vùng châu thổ Bắc Bộ, Việt Nam” do trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam thực hiện từ năm 2012 đến năm 2013.
Đình làng là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, nơi các hoạt động văn hóa cộng đồng được tổ chức và cũng là nơi tạo nguồn cảm hứng cho người dân sáng tạo nên các giá trị văn hóa làng. Với ý nghĩa đó, đình làng là trung tâm văn hóa, là bảo tàng sống về văn hóa làng của người Việt Nam.
Đình làng là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, nơi các hoạt động văn hóa cộng đồng được tổ chức... Ảnh: Huy Phương |
Bên cạnh đó, đình làng còn là nơi nhận diện một cách sống động mô hình chính trị đặc thù với tính chất tự trị dân chủ làng xã, một thiết chế văn hóa tín ngưỡng tổng hợp, một không gian văn hóa tiêu biểu trong đó có những giá trị đặc sắc về nghệ thuật tạo hình, biểu diễn. Tuy nhiên, hiện nay làng xã Việt Nam, đặc biệt là ở Bắc Bộ có nhiều thay đổi, xu hướng đô thị hóa nông thôn diễn ra nhanh chóng, các giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc dần mai một, vị thế và diện mạo của đình làng đang có nguy cơ không còn vai trò của nó với cộng đồng.
Đề xuất một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản đình làng, nhà nghiên cứu Bùi Thị Thanh Mai, giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Về vấn đề bảo tồn, phát huy, tôi nghĩ rằng đó là công việc của tất cả chúng ta, từ cộng đồng, người dân – chủ thể sở hữu di tích, từ những nhà quản lý văn hóa. Nhà quản lý văn hóa phải có những chính sách, quy định, quy chế phù hợp trong việc bảo tồn phát huy di sản.
Còn ở góc độ những người làm công tác nghiên cứu, sáng tác nghệ thuật thì có quan niệm đúng đắn trong việc kế thừa và phát huy di sản. Nếu tất cả mỗi cá nhân làm đúng vai trò của mình thì những giá trị tốt đẹp của không gian văn hóa đình làng vùng châu thổ Bắc Bộ, di sản đặc sắc của người Việt sẽ được lưu truyền và phát huy trong cuộc sống hiện đại”./.