Bảo tồn Quan họ theo đúng bản chất nội tại và qui luật khách quan

Đây là quan điểm đạt được sự thống nhất cao của các nhà nghiên cứu văn hoá nghệ thuật của Trung ương và địa phương trong quá trình nghiên cứu về văn hoá Quan họ

Loại hình ca nhạc dân gian đặc sắc này được lập hồ sơ đệ trình tổ chức Văn hoá và giáo dục của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) xét công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại vào thời điểm cuối tháng 9/2008.

Quan điểm trên chỉ rõ sinh hoạt văn hoá Quan họ xưa nay vẫn tồn tại dưới dạng tổng thể hoàn chỉnh bao gồm các mặt: Dân ca Quan họ, lễ hội Quan họ, tín ngưỡng Quan họ, tục kết bạn Quan họ và Văn hoá hành vi Quan họ. Các mặt hoà hợp, thống nhất và chi phối lẫn nhau, trong đó Dân ca Quan họ là mặt hoạt động trọng tâm, là phương tiện để người Quan họ thực hiện các nhu cầu văn hoá tinh thần.

Lễ hội, đặc biệt là lễ hội mùa xuân được xem như là "môi trường" tồn tại của văn hoá Quan họ, không có lễ hội thì không có Quan họ. Ngược lại các hoạt động về văn hoá Quan họ tạo cho lễ hội vùng Quan họ mang đặc điểm và sắc thái riêng, biểu hiện rất rõ về tính cộng đồng, hướng vào tín ngưỡng dân gian, mang nhiều tính chất trữ tình, vì vậy có sức cuốn hút, lôi cuốn mạnh mẽ. Tục kết bạn từ xưa coi như là điều kiện để người Quan họ sinh hoạt và tồn tại nên những ai muốn chơi Quan họ thì trước hết phải kết bạn Quan họ.

Hành vi văn hoá Quan họ được xem như là chất xúc tác, biểu hiện về tình người trong sáng, thuỷ chung để cho sinh hoạt văn hoá Quan họ được thực hiện một cách tự nguyện, tự giác với niềm say mê, hào hứng và cuốn hút lòng người. Chính vì vậy, muốn bảo tồn Quan họ tất yếu phải bảo tồn dưới dạng tổng thể mới đem lại hiệu quả toàn diện. Quan họ tồn tại và luôn có sự đào thải, lựa chọn để hoàn thiện về hai mặt âm nhạc và lời ca, vì thế việc bảo tồn phải ở "dạng động" mới đảm bảo được qui luật tất yếu khách quan của loại hình dân ca này trong đời sống xã hội hôm nay...

Quan điểm trên cũng chỉ rõ sự cần thiết phải bảo tồn Dân ca Quan họ, sinh hoạt văn hoá Quan họ ở ngay chính nơi sản sinh ra nó bởi lẽ mỗi làn điệu, lời ca, hình thức sinh hoạt đều bắt nguồn từ một địa phương, một làng sau đó mới được nhân rộng, hoàn thiện và nâng cao trở thành những làn điệu, lề lối ca hát, sinh hoạt văn hoá mang tính xã hội rộng lớn của cả cộng đồng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên