Bộ VHTT&DL khẳng định du lịch tâm linh Lũng Cú “không đúng quy hoạch"
VOV.VN - Theo Bộ VHTT&DL, dù nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ của di tích quốc gia Cột cờ Lũng Cú nhưng dự án nằm trong khu vực cảnh quan chung của di tích.
Ngày 5/11, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Trịnh Thị Thủy ký văn bản số 4470 gửi UBND tỉnh Hà Giang về 2 dự án tại Hà Giang: Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú và Thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao, thị trấn Đồng Văn. Trong đó chỉ rõ dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú không đúng với quy hoạch.
Theo đó, văn bản của Bộ VHTT&DL ghi rõ: Trong văn bản gửi bộ ngày 1/11, UBND tỉnh Hà Giang khẳng định dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh này nằm ngoài khu vực bảo vệ II của di tích quốc gia Cột cờ Lũng Cú, đồng thời “phù hợp các quy hoạch liên quan” của Thủ tướng.
Toàn cảnh dự án khu du lịch tâm linh Lũng Cú. |
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ VHTT&DL khẳng định: dự án này mặc dù nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ của di tích quốc gia Cột cờ Lũng Cú, nhưng nằm trong khu vực cảnh quan chung của di tích. Đồng thời, vị trí xây dựng của dự án nằm trong lòng Công viên Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO ghi danh trong danh mục Công viên địa chất toàn cầu năm 2010, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại 2 quy hoạch.
Do đó, quá trình triển khai dự án có yếu tố tâm linh này, ngoài việc thực hiện theo các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, du lịch, tín ngưỡng, tôn giáo, các quy định của pháp luật liên quan, còn phải tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa và 2 quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Văn bản này cũng chỉ rõ, trong quy hoạch phát triển du lịch, về phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo, Thủ tướng xác định rõ các loại hình: “Du lịch địa chất: Phát triển trên cơ sở khai thác giá trị di sản địa chất và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn. Du lịch cộng đồng: Phát triển trên cơ sở khai thác giá trị di sản văn hóa dân tộc. Du lịch thiên nhiên: Phát triển trên cơ sở khai thác các đặc trưng đa dạng sinh học và trải nghiệm thiên nhiên”.
Tại quy hoạch xây dựng được phê duyệt khu vực này cũng đã xác định: “Khu bảo vệ cảnh quan di tích Cột cờ Lũng Cú, diện tích 101,5ha bao gồm phạm vi di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh cấp quốc gia Cột cờ Lũng Cú và khu vực phụ cận. Bảo vệ hệ sinh thái trên núi đá vôi kết hợp bảo tồn di tích Cột cờ Lũng Cú, cột mốc biên giới phía Bắc, phát triển du lịch tham quan, dã ngoại”.
Như vậy, dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú không thuộc các loại hình đã được xác định tại quy hoạch phát triển du lịch và quy hoạch xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngoài ra, trên thực tế, Dự án đã được triển khai thực hiện từ năm 2016, nhưng đến tháng 3/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang mới có văn bản gửi Bộ VHTT&DL để xin ý kiến đối với Dự án này (trong hồ sơ, Dự án còn đề xuất một số hạng mục dự kiến triển khai trong khu vực khoanh vùng bảo vệ của di tích quốc gia Cột cờ Lũng Cú).
Dự án đã bị tạm đình chỉ thi công. |
Bộ đã 2 lần có ý kiến bằng văn bản gửi UBND tỉnh Hà Giang để góp ý, hướng dẫn chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ Dự án gửi Bộ xem xét, thẩm định. “Nhưng cho đến nay, Bộ VHTT&DL chưa nhận được văn bản đề nghị của UBND tỉnh Hà Giang về hồ sơ Dự án đã hoàn chỉnh theo các ý kiến của Bộ để có thể thẩm định theo Khoản 1 Điều 36 Luật Di sản văn hóa và Điều 15 Nghị định số 98. Bộ VHTT&DL đề nghị UBND tỉnh Hà Giang tuân thủ đúng các nội dung tại hai quy hoạch nêu trên; các quy định của pháp luật hiện hành trong việc thực hiện Dự án này và các Dự án có liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Hà Giang nói chung”, văn bản của Bộ VHTT&DL đề nghị.
Về dự án Thang máy ngắm cảnh ở Đồn Cao (huyện Đồng Văn), văn bản của Bộ VHTT&DL yêu cầu xử lý dứt điểm dự án. Bộ đề nghị UBND tỉnh kiên quyết chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra toàn diện dự án để có phương án xử lý dứt điểm sai phạm, đảm bảo tuân thủ nghiêm pháp luật về di sản văn hóa, các văn bản pháp luật khác có liên quan và định hướng quy hoạch tại khu vực này./.
Hiện, doanh nghiệp đã hoàn tất quá trình khoét núi tạo mặt bằng và đang xây dựng các gian chùa, bậc thang và các công trình lưu trú.
Theo người dân địa phương, quá trình giải tỏa đất để xây chùa đã phát sinh một số kiện cáo về đất đai. Với các chuyên gia về văn hóa, việc xây công trình Phật giáo bề thế cũng tạo ra những khác biệt với văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở đây.