Loạt bài Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa từ cứ liệu lịch sử:

Các tư liệu về chủ quyền biển, đảo phải sớm được đưa vào SGK

VOV.VN - GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, các tư liệu là một phần quan trọng trong việc đấu tranh bằng lý lẽ và biện pháp hòa bình.

Cùng trong loạt bài:
Bài 1: Bản đồ cổ và chính sử Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa
Bài 2: Châu bản triều Nguyễn: Minh chứng về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa
Bài 3: Bản đồ cổ Việt Nam – chứng cứ “thép” về chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa
Bài 4: Sử liệu cổ Việt Nam khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa
Bài 5: Thế giới đã thừa nhận Hoàng Sa, Trường là của Việt Nam ra sao? 
Bài 6: SGK Trung Quốc thừa nhận biên giới chỉ đến đảo Hải Nam
Bài 7: Nhà nước Phong kiến Việt Nam đã đưa Hoàng Sa vào SKG dạy cho trẻ nhỏ
Bài 8: Clip: Nhà nước Phong kiến Việt Nam dạy trẻ nhỏ về chủ quyền Hoàng Sa thế nào?

Từ trước tới nay, ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài, đã có nhiều đề tài, công trình của các học giả nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển của nước ta ở biển Đông. Mỗi công trình, đề tài được tiếp cận từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau và các phương pháp nghiên cứu khác nhau, nhưng tựu trung đều minh chứng hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc vùng biển của Việt Nam, do Nhà nước ta khai thác, quản lý từ nhiều thế kỷ trong lịch sử.

Những tài liệu Hán Nôm quý và bản đồ lịch sử được Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam công bố vừa qua càng trở thành những bằng chứng cụ thể hơn, khẳng định mạnh mẽ thêm cho địa phận chủ quyền của Việt Nam đối với vùng biển hợp pháp theo quy định quốc tế.

Một ghi chép về Bãi Cát Vàng - tức Hoàng Sa nằm trong các tư liệu Hán Nôm được công bố

Đấu tranh bằng lý lẽ là cần thiết

“Các tư liệu Hán Nôm đều chứng tỏ rằng, trong lịch sử Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, trong khi Nhà nước Trung Quốc mới chiếm đoạt trái phép nơi này bằng vũ lực từ năm 1974. Chính các bản đồ của Trung Quốc và phương Tây cũng minh chứng điều đó. Sự thật lịch sử cần phải được tôn trọng, gìn giữ, chứ không thể có thái độ gian lận và trắng trợn như các nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam nói.

Theo ông Thắng, những tư liệu lịch sử không chỉ có ý nghĩa là bằng chứng cụ thể mà còn có giá trị pháp lý. Cùng với những bằng chứng lịch sử, cộng thêm căn cứ dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật biển năm 1982, chúng ta hình thành nên những lý luận xác thực để đấu tranh.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho biết: “Tôi nghĩ chính nghĩa sẽ luôn thuộc về chân lý, thuộc về thực tế lịch sử, chứ không thể thuộc về sự áp đặt hay ngụy tạo, xuyên tạc như nhà cầm quyền Trung Quốc. Hơn nữa, Việt Nam chủ trương đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, bằng lý lẽ. Do đó, những tư liệu Hán Nôm được công bố đúng thời điểm để góp phần vào lý lẽ, đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của chúng ta trong vấn đề chủ quyền hiện tại”.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam (ảnh: Trà Xanh)

Hiện, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam vẫn tiếp tục chương trình nghiên cứu các tư liệu để xây dựng luận cứ cho các cơ quan có trách nhiệm, nhằm đưa được những vấn đề ra kiện với quốc tế. “Khi chúng ta đưa được những tư liệu này ra kiện, đó sẽ là những bằng chứng mang tính lịch sử, kết hợp với tính pháp lý, trở thành hai căn cứ quan trọng. Tôi thấy hai căn cứ lịch sử và pháp lý này cần được phối hợp chặt chẽ với nhau để có được những bằng chứng đấu tranh một cách rõ ràng, mãnh liệt và chính đáng, để không ai có thể bác bỏ được lý lẽ của chúng ta”, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định.

Phổ cập tư liệu chứng cứ quyền biển đảo qua SGK

Để các tư liệu được phổ cập rộng rãi tới người dân trong nước, giúp họ hiểu rõ về vấn đề chủ quyền hiện tại, để có hướng đấu tranh một cách đúng đắn là một việc làm cấp thiết. Đặc biệt, với những tư liệu Hán Nôm quý, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam sẽ không chỉ có nhiệm vụ truyền bá bằng tiếng Việt trong nước, mà còn cả bằng ngôn ngữ nước ngoài.

Đề cập về nhiệm vụ này, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ: “Nói về ghi chép địa lý của đất nước, từ thời Lê Sơ, chúng ta đã có tác phẩm Việt Nam dư địa chí của Nguyễn Trãi. Thời Mạc Cảnh có tác phẩm Ô châu cận lục. Thời Lê Trung Hưng thì có Phủ biên tạp lục do Lê Quý Đôn biên soạn. Sau đó, đến thời nhà Nguyễn, các tư liệu được thể hiện một cách chi tiết, cụ thể hơn. Chứng tỏ ngay từ thời Lý, thời Nguyễn, Nhà nước đã quan tâm đến cương giới lãnh thổ ở cả đất liền và hải đảo. Vì thế, chúng tôi dự kiến trước hết sẽ dịch các tài liệu này sang tiếng Anh, là ngôn ngữ chung được sử dụng rộng rãi để truyền bá trên thế giới. Tiếp theo mới dịch sang nhiều thứ tiếng khác”.

Bãi Cát Vàng tức Hoàng Sa trong bản đồ ở cuốn "Phủ biên tạp lục" do Lê Quý Đôn biên soạn năm 1776, nằm trong số các tư liệu dự kiến được đưa vào SGK

Đồng thời, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam cũng dự kiến sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, đưa dần những tư liệu này vào chương trình giảng dạy trong SGK hiện nay. GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhận thấy, đây là việc làm có tầm quan trọng, không chỉ giáo dục cho các học sinh cũng như thế hệ trẻ nói chung về vấn đề chủ quyền quốc gia mà còn khơi gợi lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý thức về tinh thần, trách nhiệm của các em với các vấn đề chính trị - xã hội ngay từ khi còn trên ghế nhà trường./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên