Cấm dùng động vật hoang dã trong biểu diễn xiếc: Cần có lộ trình

VOV.VN -Sau khi AfA kêu gọi cấm dùng động vật hoang dã trong biểu diễn xiếc, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã có lộ trình chuyển từ động vật hoang dã sang vật nuôi

Khuyến nghị của Liên minh châu Á vì động vật (AfA) có khả thi hay không trong bối cảnh Việt Nam, đó là một câu hỏi khiến nhiều nghệ sĩ xiếc trăn trở. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với NSƯT Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam về vấn đề này.

PV: Trước khuyến nghị của Liên minh châu Á vì động vật (AfA), khán giả đã có những phản ứng rằng, việc cấm sử dụng động vật hoang dã sẽ gây ảnh hưởng lớn tới tâm lý người xem đúng không, thưa NSƯT Tống Toàn Thắng?

NSƯT Tống Toàn Thắng: Sự phản hồi của khán giả là chính xác bởi hình ảnh xiếc thú xuất hiện trên sân khấu xiếc đã gắn liền với ký ức của những khán giả đã đồng hành với nghệ thuật xiếc Việt Nam. Đó là biểu tượng của xiếc Việt Nam trong hơn 60 năm qua Ngoài ra xiếc thú cũng đã đóng góp rất lớn, khẳng định hình ảnh của xiếc Việt Nam trong nghệ thuật xiếc thế giới. 

Tiết mục xiếc thú luôn hấp dẫn đông đảo khán giả. 

PV: AFA vừa gửi thư đến Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện kêu gọi cấm xiếc thú ở Việt Nam, quan điểm của ông ra sao?

NSƯT Tống Toàn Thắng: Chúng tôi đã tiếp đại diện, đặc biệt là Giám đốc của Liên minh châu Á vì động vật tại rạp xiếc cách đây 2 năm. Chúng tôi tiếp nhận ý kiến của ngài giám đốc và cũng có phản hồi trước những chất vấn về việc sử dụng xiếc thú trong nghệ thuật xiếc Việt Nam. Từ lâu, xiếc thú cũng đã gắn liền với văn hoá thưởng thức nghệ thuật xiếc của khán giả Việt Nam. Chính vì vậy với sự yêu cầu của Liên minh châu Á về động vật, chúng tôi đã trao đổi rất cụ thể, thẳng thắn về vấn đề này. 

Chúng tôi cũng giải thích với ngài Giám đốc rằng, các con thú ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam đang được hưởng sự chăm sóc tốt nhất. Chúng tôi có cơ sở hạ tầng rất tốt đảm bảo cho sức khoẻ của con thú, có bác sĩ thú ý, lực lượng công nhân phụ giúp và chăm nuôi. Chúng tôi có cả bếp đầy đủ, đảm bảo yếu tố về vệ sinh an toàn thực phẩm để phục vụ cho một bộ phận diễn viên xiếc thú. Trong môi trường hiện nay có nhiều loại thú trong Liên đoàn cũng sinh sản rất nhiều. Ví dụ như khỉ, cá sấu,...còn với các cá thể gấu, voi đang biểu diễn, chúng tôi không đầu tư thêm nữa. Tôi nghĩ rằng, khi hoàn thành hết kế hoạch và năm tháng biểu diễn trên sân khấu thì chúng sẽ được quay trở về với thiên nhiên để nghỉ dưỡng. 

PV: Trong lịch sử hơn 60 năm, Liên đoàn xiếc Việt Nam đã có nhiều tiết mục xiếc thú mang tính đặc trưng riêng. Sân khấu tròn đã trở nên quen thuộc với nhiều loại động vật voi gấu, lạc đà, ngựa. Việc dừng biểu diễn xiếc thú hoang dã sẽ có tác động như thế nào đối với các nghệ sĩ và bản thân ngành xiếc, thưa anh?

NSƯT Tống Toàn Thắng: Thực ra khi chúng ta dừng không sử dụng động vật hoang dã trên sân khấu xiếc thì đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất là khán giả. Khán giả luôn suy nghĩ rằng, đến với xiếc Việt Nam, họ sẽ được thưởng thức những tiết mục xiếc thú độc đáo, thể hiện sự phi thường của người diễn viên cũng như sự thông minh của những con thú mà người ta nghĩ rằng không thể thuần hoá được. Cách đây khoảng 1,2 năm, có một số khán giả phản ứng rằng, họ chỉ muốn xem con voi, con gấu đi xe đạp, motor. Nếu không còn nữa thì nghệ thuật xiếc sẽ không còn hấp dẫn với khán giả, đặc biệt là các em nhỏ.

Đặc biệt, ngay từ khi khởi đầu của xiếc Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn của cố NSND Tạ Duy Hiền, ông tổ của ngành xiếc về điểu khiển và dạy xiếc thú. Chính vì vậy, trong suốt quá trình phát triển và kế thừa, Liên đoàn xiếc Việt Nam cũng coi trọng, kế tiếp những kinh nghiệm thế hệ đi trước và nghề huấn luyện thú rất vững mạnh. Chúng tôi cũng đã có kế hoạch, lộ trình để làm sao dần dần chuyển đổi để phù hợp với tâm lý thưởng thức trước đó của khán giả.  

Nghệ sĩ Trần Văn Giang chăm sóc các chú voi trong Liên đoàn Xiếc Việt Nam ( Ảnh: Giang Huy ). 

PV: Sau lời kêu gọi của Liên minh châu Á vì động vật (AFA) thì Liên đoàn đã có những điều chỉnh gì đối với xiếc thú, thưa ông?

NSƯT Tống Toàn Thắng: Liên đoàn quyết định không đầu tư thêm động vật hoang dã mà chỉ sử dụng các cá thể đã có sẵn. Chúng tôi tập trung kế hoạch quy mô và dài hạn để đầu tư vào các tiết mục vật nuôi như xiếc lợn, mèo, xiếc trâu và ngỗng. Những vật nuôi mà chúng ta đưa lên sân khấu mà chúng ta biết sử dụng, dựa trên bản năng có sẵn và khả năng trình diễn của nghệ sĩ sẽ tạo ra sự hấp dẫn. Ngược lại, đối với thói quen của khán giả thì thích xem những gì mạo hiểm hơn, vì vậy điều này đòi hỏi người nghệ sĩ phải nâng tầm phương pháp dàn dựng và luyện tập với vật nuôi. Đó là khi xem một tiết mục phải có nội dung, tình tiết mang sự hấp dẫn. 

PV: Thưa anh, việc huấn luyện thú hoang dã có gì khác không so với huấn luyện thú vật nuôi?

NSƯT Tống Toàn Thắng: Huấn luyện thú hoang dã ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Chính vì có tính mạo hiểm đó mà hấp dẫn khán giả trên sân khấu. Khi đối diện với thú hoang dã nguy hiểm mà chúng ta khuất phục, điều khiển được như những con vật nuôi thì đó là sự phi thường dưới con mắt của khán giả. Hiện nay khi chuyển đổi sang vật nuôi thì yêu cầu người nghệ sĩ phải dành thời gian rất nhiều để luyện tập và hiểu được con thú, tận dụng được những bản năng có sẵn của con thú để tạo ra được tình huống, hấp dẫn cho khán giả. 

Để thuần hoá và huấn luyện các loài thú thì yếu tố quan trọng nhất là tình cảm gần gũi giữa con người và con vật. Nhờ tình cảm đó mà dù là động vật hoang dã hay vật nuôi đều có thể thuần hoá. Thực ra các nghệ sĩ xiếc thú rất vất vả bởi họ gắn bó với con thú thường xuyên, chưa kể luyện tập để đưa ra những phương pháp, bài diễn mới. Hiện nay chúng tôi cũng đã học hỏi cách tiếp cận, thuần hoá khoa học; có sự nghiên cứu và đúc kết kinh nghiệm từ các đoàn xiếc lớn. Các nghệ sĩ cũng nắm bắt được nhiều kĩ năng mới để người và thú có thể trở thành bạn diễn. Khán giả qua tiết mục xiếc thú thì càng thêm yêu động vật và khâm phục tài nghệ của người thuần hoá. 

Tiếc mục xiếc lợn được Liên đoàn giới thiệu trong dịp đầu xuân năm nay. 

PV: Trong quá trình điểu chỉnh đó thì Liên đoàn có gặp nhiều khó khăn không thưa anh?

NSƯT Tống Toàn Thắng: Trong quá trình chuyển đổi dần từ thú hoang dã sang vật nuôi, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất là phải chuẩn bị số lượng vật nuôi, trang thiết bị và xây dựng đề án tiết mục cụ thể để tập luyện. Có nhiều loại thú nuôi mới, chưa bao giờ diễn thì chúng tôi phải nghiên cứu, tìm tòi tập tính của chúng để tạo ra những tiết mục hay. Bên cạnh đó, cũng phải đảm bảo sức khoẻ của số động vật hoang dã để tiếp tục biểu diễn khi chúng tôi không đầu tư nữa. Đối với Liên đoàn xiếc Việt Nam thì sự chuyển đổi này không quá xáo trộn bởi chúng tôi đã có những định hướng và lộ trình để rút dần, thay thế làm sao đáp ứng được chủ trương của Liên minh châu Á vì động vật nhưng không quá bất ngờ đối với khán giả Việt Nam. 

NSND Tống Toàn Thắng với tiết mục xiếc trăn đã trở thành thương hiệu. 

PV: Như anh vừa chia sẻ là không thể dừng ngay việc sử dụng động vật hoang dã trong hoạt động biểu diễn mà cần phải có lộ trình. Vậy lộ trình cụ thể đó là như thế nào thưa anh?

NSƯT Tống Toàn Thắng: Lộ trình chuyển đổi dần thú hoang dã sang thú nuôi vào tiết mục biểu diễn trên sân khấu xiếc thì chúng tôi đã chuẩn bị và thực hiện được trong 2 năm nay. Dự kiến sắp tới, chúng tôi sẽ giới thiệu tiết mục xiếc lạc đà, xiếc trâu và tiếp tục đầu tư tiết mục xiếc lợn với quy mô lớn hơn, mang phong cách dân gian Việt Nam để thay đổi, phong phú thêm hình thức tiết mục thú. Lộ trình này cần có thời gian để vừa chuyển đổi vừa có đội ngũ diễn viên huấn luyện động vật nuôi. Khi chúng ta nuôi số lượng vật nuôi lớn thì đòi hỏi lực lượng hậu cần tốt để bảo đảm công tác chăm sóc cũng như luyện tập biểu diễn. 

PV: Liên đoàn luôn có hoạt động đo lường sự hài lòng của khán giả, vậy khi chuyển đổi như thế này thì các anh đã nhận được sự phản hồi như thế nào từ khán giả?

NSƯT Tống Toàn Thắng: Khi mà có yêu cầu dừng sử dụng động vật hoang dã trên sân khấu thì chúng tôi cũng nhận được phản hồi nhiều chiều. Khán giả phản ứng rất nhanh, có người còn cho rằng điều này sẽ làm mất đi bản sắc của nghệ thuật xiếc Việt Nam. Nhưng sau 2 năm vừa rồi khi chúng tôi giới thiệu xiếc lợn, xiếc vẹt ra sân khấu, nhiều khán giả rất ngạc nhiên. Khó có thể tin rằng những chú lợn ủn ỉn lại có thể ra sân khấu một cách tự nhiên, hào hứng trước công chúng. 

PV: Tiết mục xiếc trăn từ lâu đã trở thành thương hiệu của anh thì việc chuyển đổi như thế này, anh có băn khoăn gì không?

NSƯT Tống Toàn Thắng: Hiện nay ở Việt Nam có hai loại trăn, trăn vàng và trăn đen. Hai loại trăn đó đều có xuất sứ từ hoang dã, thiên nhiên. Đối với tiết mục trăn, chúng tôi không ảnh hưởng nhiều bởi khi biểu diễn trên sân khấu, khán giả không phân biệt được các loại trăn. Trong xu thế hiện nay, chuyển đổi từ trăn hoang dã sang trăn nuôi thì tiết mục xiếc trăn vẫn có thể mang đến những hình ảnh đã thành biểu tượng. Nếu chúng ta khai thác được những loài vật nuôi sinh sản tốt như trăn hay cá sấu đưa trên sân khấu đều vẫn mang đến sự hấp dẫn cho khán giả. Đó là một trong những cách thức sử dụng trên sân khấu để vẫn chiều lòng khán giả và mang lại hình ảnh đã gắn liền với khán giả trong quá trình phát triển của nghệ thuật xiếc Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Liên hoan xiếc toàn quốc: Vì sao 12 năm mới lại được tổ chức?
Liên hoan xiếc toàn quốc: Vì sao 12 năm mới lại được tổ chức?

VOV.VN - Trong khi đó, các loại hình nghệ thuật, giải trí khác luôn hoạt động thường xuyên, sôi nổi và được công chúng quan tâm.

Liên hoan xiếc toàn quốc: Vì sao 12 năm mới lại được tổ chức?

Liên hoan xiếc toàn quốc: Vì sao 12 năm mới lại được tổ chức?

VOV.VN - Trong khi đó, các loại hình nghệ thuật, giải trí khác luôn hoạt động thường xuyên, sôi nổi và được công chúng quan tâm.

Giám đốc Liên đoàn Xiếc: Choáng ngợp về đất nước Triều Tiên từ 25 năm trước
Giám đốc Liên đoàn Xiếc: Choáng ngợp về đất nước Triều Tiên từ 25 năm trước

VOV.VN - NSND Tạ Duy Ánh không giấu được xúc động khi kể về chuyến biểu diễn tại Liên hoan nghệ thuật Mùa xuân Bình Nhưỡng, Triều Tiên cách đây 26 năm.

Giám đốc Liên đoàn Xiếc: Choáng ngợp về đất nước Triều Tiên từ 25 năm trước

Giám đốc Liên đoàn Xiếc: Choáng ngợp về đất nước Triều Tiên từ 25 năm trước

VOV.VN - NSND Tạ Duy Ánh không giấu được xúc động khi kể về chuyến biểu diễn tại Liên hoan nghệ thuật Mùa xuân Bình Nhưỡng, Triều Tiên cách đây 26 năm.

Thót tim với màn trình diễn mạo hiểm ở Cuộc thi tài năng Xiếc 2018
Thót tim với màn trình diễn mạo hiểm ở Cuộc thi tài năng Xiếc 2018

VOV.VN - Trong lễ bế mạc Cuộc thi tài năng diễn viên Xiếc toàn quốc 2018, khán giả một lần nữa được xem lại những tiết mục đặc sắc của các nghệ sĩ trẻ.

Thót tim với màn trình diễn mạo hiểm ở Cuộc thi tài năng Xiếc 2018

Thót tim với màn trình diễn mạo hiểm ở Cuộc thi tài năng Xiếc 2018

VOV.VN - Trong lễ bế mạc Cuộc thi tài năng diễn viên Xiếc toàn quốc 2018, khán giả một lần nữa được xem lại những tiết mục đặc sắc của các nghệ sĩ trẻ.

Cuộc thi diễn viên Xiếc toàn quốc:  Bản giao hưởng đa sắc
Cuộc thi diễn viên Xiếc toàn quốc: Bản giao hưởng đa sắc

VOV.VN - Cuộc thi diễn viên Xiếc toàn quốc 2018 chứng kiến tài năng của nhiều nghệ sĩ trẻ, có rất nhiều tiết mục xiếc có kỹ thuật cao, khổ luyện.

Cuộc thi diễn viên Xiếc toàn quốc:  Bản giao hưởng đa sắc

Cuộc thi diễn viên Xiếc toàn quốc: Bản giao hưởng đa sắc

VOV.VN - Cuộc thi diễn viên Xiếc toàn quốc 2018 chứng kiến tài năng của nhiều nghệ sĩ trẻ, có rất nhiều tiết mục xiếc có kỹ thuật cao, khổ luyện.

Quốc Nghiệp thương con gái, không muốn bé theo nghề xiếc vì cơ bắp quá
Quốc Nghiệp thương con gái, không muốn bé theo nghề xiếc vì cơ bắp quá

VOV.VN - Vợ chồng Quốc Nghiệp – Ngọc Mai có những chia sẻ thú vị về cuộc sống của cả hai sau khi con gái Tâm An ra đời.

Quốc Nghiệp thương con gái, không muốn bé theo nghề xiếc vì cơ bắp quá

Quốc Nghiệp thương con gái, không muốn bé theo nghề xiếc vì cơ bắp quá

VOV.VN - Vợ chồng Quốc Nghiệp – Ngọc Mai có những chia sẻ thú vị về cuộc sống của cả hai sau khi con gái Tâm An ra đời.