Cảm xúc ở những vùng đất thiêng của Tổ quốc

(VOV) - Trong cuộc đời của mỗi người, được đặt chân đến những vùng đất thiêng của Tổ quốc là một niềm hạnh phúc lớn lao.

Đó có thể là đỉnh Lũng Cú - điểm cao nhất của cực Bắc Việt Nam, là Mũi Cà Mau - mũi tàu đất nước, hoặc những hòn đảo trên quần đảo Trường Sa. Và chỉ khi ở đó, chúng ta mới thực sự cảm nhận sâu sắc nhất sự thiêng liêng và niềm kiêu hãnh của hai tiếng: Tổ quốc.

Đỉnh Lũng Cú - Đất Rồng linh thiêng

Đứng ở ngọn núi cao nhất của khu vực hình chóp nón trên bản đồ Việt Nam, dưới chân cột cờ Lũng Cú, thấy mỗi làn gió đều tràn đầy niềm kiêu hãnh về đất mẹ Việt Nam, thấy mỗi ngọn núi đều tấu vang giai điệu tráng ca về lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc với biết bao huyền thoại...

Đỉnh Lũng Cú, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Ngọn núi này có độ cao khoảng 1.700m so với mực nước biển. Đây là một điểm nhỏ nằm trên đường biên giới Việt Nam- Trung Quốc. Nếu mô phỏng một cách tương đối hình dạng đường biên giới Việt Nam- Trung Quốc thành một chóp nón thì hai điểm thấp nhất theo kinh độ là Tây Trang, Điện Biên và Sa Vĩ, Móng Cái, còn Lũng Cú là đỉnh của chóp nón này cũng là điểm cao nhất của cực Bắc Việt Nam.

Cột cờ Lũng Cú

Ngước mắt nhìn lá cờ rộng 54 mét vuông (chiều dài 9 mét, chiều rộng 6 mét), tượng trưng cho 54 dân tộc anh em tung bay phần phật trong nắng gió biên cương thấy như khí núi, hồn sông hội tụ về đây. Đứng dưới dân cột cờ quốc gia, nghe những cách lý giải về hai chữ Lũng Cú cũng đã thấy bao điều thú vị. Có người nói đó là cách gọi theo tiếng quan hỏa của hai chữ Long Cư, có nghĩa là nơi rồng ở.

Cũng có người kể rằng tại địa điểm dựng đồn biên phòng Lũng Cú, từ thời Tây Sơn sau khi đại thắng quân xâm lược phương Bắc, hoàng đế Quang Trung đã cho đặt một chiếc trống đồng rất lớn và cứ mỗi canh giờ trống lại được gióng lên ba hồi vang xa như để khẳng định chủ quyền đất nước. Chính vì thế, Lũng Cú khi đọc chệch âm sang âm tiếng H'Mông là Long Cổ, tức trống của vua, và người H'Mông tại nơi đây hầu như đều biết đánh trống đồng.

Một cách lý giải khác Lũng Cú là cách đọc chệch của từ Lũng Cừu, theo ngôn ngữ của người H'Mông thì có nghĩa là Lũng Ngô, bởi cánh đồng Thèn Pả lớn nhất ở Lũng Cú có rất nhiều ngô, quanh năm xanh tốt. Có người nói Lũng Cú là tên người đứng đầu một dòng họ dân tộc Lô Lô, có công khẩn hoang, gìn giữ và phát triển vùng đất này.

Lũng Cú nhìn từ trên cao.

Vùng đất Lũng Cú từ xa xưa vẫn luôn được các triều đại phong kiến coi là một trong những vùng đất tiền đồn có vai trò quan trọng ở phía Bắc. Dấu ấn của những cặp trống đồng Đông Sơn được lưu giữ như bảo vật trong các gia đình dân tộc Lô Lô, Mông, Dao. Cũng có sử liệu chép rằng Thái úy Lý Thường Kiệt đã có lần lội quân lớn ở địa điểm này, nhằm biểu dương sức mạnh và ý chí bảo vệ bờ cõi và ông là người đầu tiên cho dựng cột cờ bằng cây sa mộc ở khu vực này. Câu chuyện Hoàng đế Quang Trung đặt trống ở đây cũng là một cách khẳng định chủ quyền đất nước. Năm 1997, triều đình Mãn Thanh (Trung Quốc) và thực dân Pháp dựng cột môc 17 ở thôn Séo Lùng để phân định biên giới Việt- Trung. Tháng 3 năm 1961, khi cuộc tiễu phỉ ở Đồng Văn vừa kết thúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm và làm việc tại Hà Giang. Gần đây nhất, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ngày 12/12/2011 cũng đã thăm cột cờ Lũng Cú ở nơi cực Bắc của Tổ quốc này.

Câu chuyện dựng cột cờ Tổ quốc ở Lũng Cú cũng đầy hào sảng. Vào dịp Tết năm 1977, nhân dân 19 xã trong huyện Đồng Văn nô nức ra quân làm 13 km đường, bắt đầu từ xã Ma Lé. Nhằm đảm bảo tiến độ thi công, huyện giao định mức cho mỗi xã làm 800 mét đường, xã lại giao định mức cho mỗi hộ dân làm từ hai đến bốn mét. Vậy là toàn dân Đồng Văn đổ lên Ma Lé. Mỗi gia đình chỉ để lại người già và trẻ con ở lại giữ nhà, còn tất cả đều gùi cuốc xẻng, quần áo, lương thực ra bám đường. Từng nhà dựng một chòi canh ngay sát khu vực làm đường mà mình được phân công, làm ngày làm đêm không nghỉ. Đoạn đường của nhà này dần nối với đoạn đường nhà kế bên. Nhà nhà thi đua miệt mài suốt gần hai tháng ròng như thế để thông xe vào ngày 14/8/1978.

Trước đây trên đỉnh núi Rồng có cắm một lá cờ, nhưng nhỏ. Để bà con khắp nơi về dự lễ thông xe có thể nhìn thấy lá cờ. Huyện chỉ đạo xã Lũng Cú chọn ra 20 thanh niên khỏe mạnh nhất vào rừng tìm chặt một cây thông cao gần 20 mét, đường kính 20 phân để làm cột cờ. Lá cờ chiều dài 9 mét, rộng 8 mét theo một tỷ lệ hết sức phù hợp trong hội họa, khi kéo lên rất đẹp, lại có diên tích 54 mét, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em sống trên dải đất hình chữ S càng thêm ý nghĩa thiêng liêng. Ngày ấy, người dân Đồng Văn coi lá cờ là nơi gửi gắm niềm tin của đồng bào tới Đảng, tới Bác Hồ. Hiện nay tại đồn biên phòng Lũng Cú có một trạm chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ lá cờ trên Cột cờ Lũng Cú này và hầu như cứ khoảng 1 tuần hoặc lâu nhất là 10 ngày cờ lại phải được thay mới, do sức gió trên đỉnh Lũng Cú rất mạnh khiến cờ dễ hư hỏng. Theo cán bộ của trạm, lúc nào trong trạm cũng có hàng chục lá cờ lớn cỡ 54m2 để dự phòng.

Vào những năm 1992, 2000 và 2002 cột cờ tiếp tục được trùng tu hoặc xây dựng lại nhiều lần với kích thước, quy mô lớn dần theo thời gian. Gần đây nhất, để cột cờ Lũng Cú xứng đáng là niềm kiêu hãnh của quân và dân cả nước, năm 2010 đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Hà Giang đã khởi công xây dựng và nâng cấp cột cờ Lũng Cú với kinh phí đầu tư gần 21 tỷ đồng, mô phỏng theo cột cờ Hà Nội. Ngày 25/9/2010, sau 7 tháng thi công, cột cờ Lũng Cú mới đã được hoàn thành. Cột cờ mới có chiều cao 33,15m (hơn cột cờ cũ 10m), trong đó phần chân cột cao 20,25m, đường kính ngoài thân cột rộng 3,8m. Cột cờ được thiết kế hình bát giác, chân, bệ cột cờ có 8 mặt phù điêu bằng đá xanh mô phỏng hoa văn mặt của trống đồng Đông Sơn và những họa tiết minh họa các giai đoạn qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước, cũng như con người, tập quán của các dân tộc ở Hà Giang. Đường lên đỉnh núi cột cờ được xây lại gồm 283 bậc lên theo lối cũ, đồng thời xây mới thêm 283 bậc đi xuống (trước đây chỉ có một đường lên). Thân cột cờ mới có hệ thống thang bộ lên đỉnh.

Đứng ở chân cột cờ, phóng tầm mắt bao quát ra một vùng biên cương rộng lớn của Tổ quốc Việt Nam. Con sông Nho Quế uốn lượn phân chia ranh giới Việt – Trung, núi non trùng điệp xen kẽ bởi những khoảnh ruộng bậc thang tạo nên một vẻ đẹp rất hoang sơ, đặc trưng của vùng Tây Bắc địa đầu của Việt Nam. Dưới thung lũng, bản làng người Mông, Lô Lô, Tày, Pu Péo… ấm áp tỏa khói lam chiều.  Đặc biệt, giữa miền khô khát bậc nhất cực Bắc của Tổ quốc, nằm giữa những nếp nhà bình yên của hai thôn Lô Lô Chải và Thèn Tả có hai hồ nước trong xanh, quanh năm không bao giờ cạn. Hai hồ nước cách nhau khoảng 200 mét ngay dưới dân núi được ví như đôi mắt rồng với diện tích mặt hồ lên đến hàng nghìn mét vuông, từ lâu đã được coi là nguồn sống và một biểu tượng của Cao nguyên đá. Đây cũng là nguồn nước chính cung cấp cho 86 hộ, 411 nhân khẩu đồng bào Lô Lô ở Làng văn hóa Lô Lô Chải, và gần 100 hộ dân thôn Thèn Tả. Điều khó tin nhất là tại sao ở độ cao khoảng 1.400m so với mực nước biển mà hai hồ nước không bao giờ cạn. Ngay cả con sông Nho Quế nước cuồn cuộn chảy cũng gần như cạn kiệt vào mùa khô. Theo các cụ cao niên trong Làng văn hóa Lô Lô Chải và thôn Thèn Tả thì sở dĩ hai hồ nước không bao giờ cạn vì đây là đôi mắt của rồng tiên để lại, khi hồ nước vơi đi ít nhiều thì lại có những trận mưa cấp nước cho hồ.

Đôi mắt Rồng huyền thoại là một trong những nét độc đáo của Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn- công viên địa chất đầu tiên của Việt Nam, thứ hai ở khu vực Đông Nam Á. Công viên có diện tích khoảng 2.300 km², gồm 4 huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, nằm cách trung tâm thị xã Hà Giang khoảng 150km, tập trung nhiều loại hình di sản, nổi bật là di sản địa chất và di sản văn hóa. Điều đặc biệt là trên đường leo lên Cột cờ Lũng Cú có một tảng đá lớn lưu giữ lại hoá thạch Bọ Ba Thuỳ, có niên đại trên 5 triệu năm, được phát hiện trong đá vôi hệ tầng Chang Pung. Đây là hoá thạch cổ nhất của công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn. Điều này minh chứng về một quá trình kiến tạo kéo dài hàng triệu triệu năm của thổ nhưỡng cao nguyên đá độc đáo này.

Ơi Đất Mũi Cà Mau nên thơ và đẹp giàu

Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau. Những câu thơ tuyệt vời đó của nhà thơ Xuân Diệu đã thúc giục biết bao người từ khắp mọi miền đất nước và từ những châu lục xa xôi đến với Đất mũi Cà Mau- nơi tận cùng cực Nam của Tổ quốc. Chỉ khi đứng ở nơi này, chúng ta mới thực sự cảm nhận sâu sắc về sự thiêng liêng của mỗi tấc đất cha ông từ "thuở mang gươm đi mở cõi".

Gió Trường Sa. Ảnh Vũ Anh Tuấn.

Anh đến quê em đất biển Cà Mau/ Có thấy xanh tươi đước rừng bát ngát /Dòng sông Tam Giang nắng chải đưa người/Về thăm quê hương đất mũi xa xôi/ Trời xanh năm căn gió lộng bốn bề/ Biển bao la sóng tung cánh chim hải âu ....

Những câu hát thiết tha ấy của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn cho người ta hình dung về một vùng đất bao la sóng nước, nơi duy nhất trên đất liền Việt Nam du khách thấy mặt trời mọc trên biển Đông và lặn ở biển phía Tây. Sau chừng một tiếng ngồi trên canô từ Năm Căn là chúng ta đặt chân đến Đất Mũi (thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau). Con đường lát đá mát bóng cây dẫn du khách bên tấm đá lớn màu đỏ ghi dòng chữ: Mốc toạ độ Quốc gia- điểm toạ độ GPS 001. Ai cũng cố có một tấm ảnh chụp lưu niệm ở đây. Đi thêm một chút nữa là tới biểu tượng Mũi Cà Mau đã được xây dựng dựa trên câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu: Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó- Mũi Cà Mau. Đây Mũi Cà Mau, nơi tận cùng cực Nam của Tổ quốc ở toạ độ:  8 độ 37'30” vĩ Bắc, 104 độ 43′ kinh Đông. Và những du khách có mặt ở đây, người từ Hà Nội vào, người từ Miền Trung tới, người ở các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long sang, đều chung một nỗi bồi hồi, xúc động vì được đặt chân tới mảnh đất tận cùng của Tổ quốc.

Đất Mũi Cà Mau là vùng đất cực Nam của Tổ quốc, được khai phá vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18. Ta đứng đây nghe tiếng sóng vỗ vào bờ hoà nhịp với nhịp đập trái tim. Xung quanh là bao la biển, trời, để hình dung ra những bước chân cha ông thuở cầm gươm đi mở cõi, đầu đội trời chân đạp đất, nghe lặng thầm điệu ru đất nước dầu dãi 300 năm, lớp lớp con Rồng cháu Lạc.... Ta đứng trên Vọng hải đài cao chừng 20 mét, giữa đất và trời hoang sơ, ngắm nhìn những cánh hải âu chao liệng trên những vùng đất phù sa mầu mỡ có những khu rừng ngập nước quanh năm; những gốc cây đước rễ chùm gân guốc như những chiếc nơm nhỏ, như những bàn tay đan lấy bàn tay ôm bám lấy đất mẹ, để giữ cho đất nở, để mũi thuyền đất nước mãi tiến xa thêm vào lòng biển...

Để tạo dấu ấn về hình ảnh Đất Mũi Cà Mau trong du khách trong và ngoài nước, thời gian qua, Trung tâm Thông tin và Quảng bá Du lịch Cà Mau đã tích cực quảng bá hình ảnh cho vùng Đất Mũi bằng các tập gấp, tờ rơi, đĩa CD và các hội thảo chuyên đề về du lịch. Công viên văn hoá du lịch Cà Mau được tỉnh triển khai mở rộng từ 100 ha hiện nay lên 150 ha để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du khách tốt hơn trong những năm tới.

Trung tâm Thông tin và Quảng bá Du lịch Cà Mau đang xây dựng một số mô hình tiêu biểu lưu trú, ăn uống, để đưa du khách vào những nơi còn giữ nguyên sơ ở rừng, rồi trải nghiệm ở bãi bò đưa du khách chứng kiến, trải nghiệm ở nhà dân. Tỉnh cũng khởi công xây dựng Đền Đất Mũi và biểu tượng Mũi Cà Mau mới tại Công viên văn hóa du lịch Cà Mau, góp phần tạo sự phong phú, hấp dẫn hơn cho điểm du lịch ở cực Nam của Tổ quốc này.

Hiện có 2 đơn vị đầu tư vào là Công ty cổ phần du lịch Minh Hải và Công ty TNHH Công Lý. Trung tâm Trung tâm Thông tin và Quảng bá Du lịch Cà Mau đang xúc tiến thu hút nhiều doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước mở các tour du lịch đến Cà Mau.

Biển ở đây “có bồi có lở”, đặc biệt là khu vực phía đông mũi Cà Mau. Nhưng những năm gần đây do triều cường đột ngột tăng cao, rừng phòng hộ ven biển bị xâm phạm, rồi khi xây dựng khu du lịch, người ta đã đưa cơ giới vào đào xới, lấy cát từ các bãi bồi lắng. Điều này đã tác động xấu vào tiến trình diễn thế của tự nhiên, nên mức xói lở ngày càng nghiêm trọng... Tỉnh Cà Mau vừa lập dự án xây dựng hệ thống kè kiên cố chống sạt lở ở khu vực mũi Cà Mau, với nguồn kinh phí gần 200 tỷ đồng, nhằm tạo bãi bồi, khôi phục và trồng mới rừng phòng hộ. Trong đó, có giải pháp “sống chung với sóng” vừa thúc đẩy sự bồi lắng, vừa giữ đất...

Đất Mũi mời gọi du khách và con đường về với Đất Mũi giờ đây đã thuận tiện hơn, khi 6 cây cầu trên tuyến quốc lộ 1A đoạn Đầm Cùng - Năm Căn và Tuyến đường bộ Khai Long- Đất Mũi đã hoàn thành. Giao thông thông suốt sẽ góp phần tạo nên diện mạo mới cho vùng đất mũi Cà Mau, tạo động lực lớn cho Cà Mau và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long cất cánh, vươn mình phát triển ra biển...

Trường Sa yêu dấu mãi trong tim mỗi chúng ta

Với mỗi người ở đất liền từng đặt chân tới những hòn đảo giữa bốn bề sóng gió ở quần đảo Trường Sa, cảm nhận về những âm thanh của cuộc sống nơi đây thật đặc biệt. Đó là những âm thanh của bình dị mà thân thương, đượm nghĩa tình quê hương, là âm thanh của Tổ quốc thân yêu trong trái tim mỗi cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi đây.

Rưng rưng, xúc động, đợi chờ, vui mừng, trái tim đập những nhịp rộn ràng hơn. Đó là những cảm giác khó có thể diễn tả bằng lời của cán bộ chiến sĩ hiện đang công tác trên các đảo ở quần đảo Trường Sa mỗi khi nghe tiếng còi tàu từ đất liền ra rúc lên chào đảo. Với các anh, mỗi chuyến tàu ra đảo là một ngày hội lớn, ngày hội của sự gặp gỡ với những người từ đất liền.

Những người lính trên đảo Trường Sa chào cở mỗi ngày. Ảnh Vũ Anh Tuấn.

Mỗi văn công ra với những người lính đảo đều quên đi những mệt nhọc vì mấy ngày say sóng, mỗi diễn viên hát tặng các chiến sĩ ở đảo bằng tất cả trái tim và tình cảm yêu mến.     Giữa biển khơi, nơi quanh năm chỉ nghe tiếng sóng và gió biển, các anh khao khát hơn bao giờ hết lời ca, tiếng hát. Các đảo nổi còn có sân khấu, còn ở đảo chìm và nhà giàn, thì văn công hát ngay bên hành lang hoặc sàn dưới của nhà giàn. Tôi đã dự rất nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật, nhưng hình như chỉ các buổi biểu diễn ở các đảo ở Trường Sa mới có một sự giao hoà lạ kỳ đến thế. Người biểu diễn và người nghe cùng hoà chung giọng hát, quây quần bên nhau, tay trong tay, mắt giao mắt, hát cho nhau nghe bằng tất cả trái tim mình, để hát tiếng sóng, để át tiếng gió, để đất liền luôn gần gũi và ấm áp bên các anh.

Nơi đảo xa, mỗi khi hoàng hôn buông xuống mờ dần những con sóng cũng là lúc lính đảo nhớ nhà nhất. Nhớ nôn nao khói bếp lam chiều, nhớ dáng lưng còn của mẹ, nhớ bước đi vội vã của vợ cho kịp đón con lúc tan trường, nhớ hương tóc, giọng nói của người yêu... Những bức thư đọc đến thuộc lòng, các anh vẫn mang ra đọc cho vơi đi cảm giác nhớ nhà.

Với nhiều cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa, mỗi năm chỉ được về thăm nhà một lần, "gặp nhau lần nào cũng vội, chẳng đủ để mà giận dỗi", nên chỉ có niềm thương, nỗi nhớ dâng tràn. Sự thuỷ chung, giành trọn cho nhau niềm tin yêu đã giúp nhưng vợ chồng Ngâu ấy có sức mạnh vượt qua mọi cách xa, trống vắng. Và không biết tự lúc nào, chúng tôi đã thuộc ngay câu thơ của lính: “Ôi cái nhớ sao mà da diết quá/ Ôi cái thương sao mà khắp mặn mà/ Có thể xa nhau ta mới hiểu/ Hết lòng người trong những tháng năm qua”.

Tiếng chó sủa, tiếng lợn kêu, tiếng gà trống gáy, tiếng gà mẹ cục tác gọi con.v.v... Những âm thanh ấy giữa đất liền có thể bị chìm lấp giữa biết bao âm thanh ồn ã khác. Nhưng ở những hòn đảo giữa biển khơi, những âm thanh ấy sao thân thương đến lạ kỳ, gợi cảm giác như đất liền đang ở gần kề với những "làng Việt trên đảo".

Nhưng có lẽ xúc động nhất đối với những người từ đất liền đến với Trường Sa, đó chính là tiếng cười đùa, tiếng đọc bài của những em nhỏ- những mầm sống non tươi trên các đảo đầy cát và nắng gió giữa bốn về sóng nước. Tiếng đọc bài của các em nhỏ, tiếng giảng bài của cô giáo... như làm dịu đi cái khô khát của những hòn đảo quanh năm chỉ có nắng và gió, sóng và cát trắng này. Thế hệ công dân nhỏ tuổi trên Trường Sa như những mầm xanh của cây phong ba, bão táp, tăng thêm nhựa sống cho quần đảo thân yêu này của Tổ quốc.

Hoàng hôn dần buông, các em nhỏ ở đảo Trường Sa rủ nhau chơi đùa trên cát. Tiếng sóng biển dào dạt hoà cùng tiếng nô đùa của các em. Tiếng cười đùa của các em làm dịu đi cái khô khát của những hòn đảo quanh năm chỉ có nắng và gió, sóng và cát trắng này. Thế hệ công dân nhỏ tuổi trên Trường Sa như những mầm xanh của cây phong ba, bão táp, tăng thêm nhựa sống cho quần đảo thân yêu này của Tổ quốc.

Những lớp lớp sóng cứ vỗ mãi vào bờ đảo ào ạt. Những con sóng vượt qua hàng nghìn cây số đến với các chiến sĩ Trường Sa, chở nặng tình yêu thương từ đất liền đến với các anh, để mùa Xuân nơi đây mãi tràn đầy nhựa sống, bởi vì Trường Sa không xa, Trường Sa rất gần.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sống ở đảo chìm Trường Sa
Sống ở đảo chìm Trường Sa

(VOV) - Tuy sống ở nơi khắc nghiệt nhưng các chiến sỹ đảo chìm vẫn kiên cường bám đảo, bám biển bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Sống ở đảo chìm Trường Sa

Sống ở đảo chìm Trường Sa

(VOV) - Tuy sống ở nơi khắc nghiệt nhưng các chiến sỹ đảo chìm vẫn kiên cường bám đảo, bám biển bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Trưng bày bản đồ khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa
Trưng bày bản đồ khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

Khánh Hòa đã trưng bày 4 phiên bản bản đồ tư liệu cổ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.

Trưng bày bản đồ khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

Trưng bày bản đồ khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

Khánh Hòa đã trưng bày 4 phiên bản bản đồ tư liệu cổ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.

Tết của những người vợ lính đảo Trường Sa
Tết của những người vợ lính đảo Trường Sa

(VOV) -Có những người chưa từng được ăn Tết cùng chồng, nhưng họ luôn tươi cười và ủng hộ, vì đơn giản các anh là người lính.

Tết của những người vợ lính đảo Trường Sa

Tết của những người vợ lính đảo Trường Sa

(VOV) -Có những người chưa từng được ăn Tết cùng chồng, nhưng họ luôn tươi cười và ủng hộ, vì đơn giản các anh là người lính.