Cần hiểu đúng về xã hội hóa các hoạt động Văn học- Nghệ thuật
VOV.VN - Do hiểu sai, hiểu chưa đúng, việc xã hội hóa văn học nghệ thuật khi đi vào cuộc sống vẫn còn vướng mắc và nảy sinh không ít vấn đề.
Sáng 19/12 tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề "Nhìn lại quá trình xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay".
Đến dự Hội thảo có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cùng hơn 250 đại biểu.
Các đại biểu tham dự Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết: “Hội thảo là một trong những hoạt động chuyên môn, trọng tâm trong năm 2018 của Hội đồng, được tổ chức vào thời điểm ý nghĩa khi Ban Tuyên giáo Trung ương vừa được Ban Bí thư giao tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) đồng thời chuẩn bị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI).
Trên cơ sở phân tích đúng và trúng thực trạng hiện nay, Hội thảo tập trung đưa ra các kiến nghị, giải pháp trọng tâm, có tính khả thi để thúc đẩy, nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật”.
Hội thảo nhận được 70 tham luận của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, các chuyên gia khoa học, nhà báo và văn nghệ sĩ từ các cơ quan, tỉnh, thành, các lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong cả nước.
PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Tổng Giám đốc VOV. |
Trong khoảng thời gian ngắn, các đại biểu chỉ tập trung đề xuất ý kiến về 3 vấn đề chính: Hiểu đúng việc xã hội hóa; Phân tích thực tiễn, chỉ ra những thành công và hạn chế, tổng kết và đúc rút các bài học kinh nghiệm; Đề xuất các kiến nghị, giải pháp tiếp tục hoàn thiện chủ trương, cơ chế chính sách xã hội hóa và dự báo xu hướng, vận động, phát triển VH-NT trong thời kỳ tiếp theo.
Xã hội hóa hoạt động văn học, nghệ thuật đang tạo ra những giá trị ảo
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS. TS Phan Trọng Thưởng chia sẻ ý kiến về việc có rất nhiều tham luận chỉ ra còn cách hiểu khác nhau về xã hội hóa. Sau 21 năm thực hiện đến nay, tình hình vẫn không khả quan hơn. Hiểu khác nhau nên làm khác nhau, dẫn đến việc xã hội hóa văn học nghệ thuật khi đi vào cuộc sống vẫn còn vướng mắc và nảy sinh không ít vấn đề trong tất cả các lĩnh vực như điện ảnh, âm nhạc, sân khấu, văn học, xuất bản…
Một trong những vấn đề nhận được nhiều ý kiến tại hội thảo là việc xã hội hóa đang tạo ra những giá trị ảo, những "hàng chợ" không có tính nghệ thuật, chỉ chạy theo tính giải trí, vì vài đồng tiền mà bỏ qua giá trị tác phẩm.
TS. Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc-Tổng biên tập NXB Văn học cho biết: "Trong nền kinh tế thị trường, việc xã hội hóa đã biến tác phẩm văn hóa thành một loại hàng hóa - một loại hàng hóa đặc biệt. Đồng thời, vì áp lực của lợi nhuận mà xuất hiện rất nhiều "hàng chợ" chỉ mang tính giải trí".
Nhà thơ Hữu Thỉnh tâm huyết: “Xã hội hóa với văn nghệ sĩ là tài năng được thừa nhận, tác phẩm được thừa nhận, tạo được tiếng vang với công chúng và có sức sống lâu dài. Xã hội hóa làm ra cả nghìn CLB thơ, nhưng tôi đọc thì không có bài thơ nào hay, có sức sống lâu dài. Nhà xuất bản Hội nhà văn có 1125 đầu sách được phát hành trong 1 năm nhưng chất lượng thì như thế nào? Chúng ta có cả 1 vườn sản phẩm được gọi là văn hóa nhưng thực chất văn hóa được bao nhiêu? Tôi hoan nghênh xã hội hóa nhưng không thể vì vài đồng tiền mà quên đi giá trị tác phẩm. Tác phẩm phải đi vào lòng người, đấy mới là xã hội hóa cao nhất”.
Nhà thơ Hữu Thỉnh trình bày tham luận. |
Xã hội hóa không đồng nghĩa với việc Nhà nước buông lơi về lãnh đạo và đầu tư
Đồng ý với ý kiến của nhà thơ Hữu Thỉnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Việc xã hội hóa không phải Nhà nước buông lơi về lãnh đạo và đầu tư mà là nhằm huy động nguồn vốn của xã hội, tăng mức hưởng thụ của người dân. Chúng ta đều nhận thấy, văn hóa là nền tảng tinh thần, nhưng có nhiều nơi, nhiều lúc bị sức ép kinh tế lấn át. Xã hội hóa văn hóa ngắn hạn không làm ra tiền nhưng về lâu dài mới tạo ra được nền tảng văn hóa, tránh suy thoái đạo đức"
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhận định, khi thực hiện xã hội hóa vẫn còn có nhiều bất cập như: các chính sách về ưu đãi đầu tư không được như mong muốn, sử dụng ngân sách Nhà nước khó khăn; khi làm Nghị định, Thông tư thì không chú ý đến tầm quan trọng của văn hóa tinh thần nên việc thực hiện vướng mắc…
"Việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trong quá trình cổ phần hóa mà Hãng phim truyện Việt Nam là 1 ví dụ cho việc chúng ta không chú ý đúng mực đến tầm quan trọng của các thiết chế văn hóa. Cho đến bây giờ, khi đã có chuyện mà đến 1 năm rồi vẫn còn chưa giải quyết được", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. |
Phó Thủ tướng nhận định, Hội thảo đã đánh một tiếng chuông rất lớn để cảnh tỉnh về việc cần nhận thức đúng tầm quan trọng của Văn hóa.
Tổng kết Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, đã có nhiều ý kiến đa dạng, nhiều chiều và mang tính đóng góp cho việc xã hội hóa văn học nghệ thuật.
Sau Hội thảo, BTC sẽ in các tham luận thành Kỷ yếu, lược trích những ý kiến nổi bật, những giải pháp kiến nghị. Kết quả của hội thảo sẽ là một tham chiếu cho Đảng và Chính phủ để có những điều chỉnh trong việc phát triển văn hóa tương lai nói chung và việc xã hội hóa văn học-nghệ thuật nói riêng./.