Cần tạo thị trường trong nước để mỹ thuật Việt Nam phát triển
VOV.VN - Thị trường mỹ thuật trong nước vừa là mục tiêu vừa là động lực cho mỹ thuật Việt Nam phát triển trong những năm tới.
Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 diễn ra từ ngày 9 đến ngày 23 tháng 12 năm 2015 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa, Nghệ thuật Việt Nam, số 2 Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm, Trưởng Ban tổ chức Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 cho biết triển lãm lần này được tổ chức quy mô, chất lượng, các công tác đều được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm nắm bắt, điều tiết kịp thời. Đây là sự nỗ lực của toàn bộ thành viên Ban Tổ chức để mang đến một kì Triển lãm đáng nhớ, lưu dấu ấn trong đời sống Nghệ thuật của Việt Nam.
Ông Vi Kiến Thành |
PV: Qua Triển lãm lần này ông thấy Mỹ thuật Việt Nam trong những năm qua đã có những bước đi như thế nào?
Ông Vi Kiến Thành: Để nhìn nhận được sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam ngoài Triển lãm của Bộ, chúng ta cần phải nhìn rộng ra các triển lãm của Hội Mỹ thuật, triển lãm ở địa phương, triển lãm của nhóm, cá nhân nghệ sĩ. Cá nhân tôi cho rằng trong 5 năm vừa qua mỹ thuật đang ở xu hướng đi lên, nhưng bên cạnh đó nó cũng có đầy đủ yếu tố của các sự biến động, thay đổi trong đời sống mỹ thuật Việt Nam.
Nền mỹ thuật của chúng ta bước vào Đổi mới cùng đất nước từ năm 1986. Những năm đó là sự sôi nổi, nhiệt huyết của một lớp nghệ sĩ với những tìm tòi, sáng tạo, thể nghiệm. Đó cũng là thời kì sôi động của thị trường mỹ thuật, tác giả được ghi nhận và tác phẩm tiêu thụ được. Tiếp theo đó là thời kì công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, sự giao lưu Văn hóa được đẩy mạnh với nhiều trường phái nghệ thuật du nhập vào Việt Nam với sự tiếp nhận nồng nhiệt từ các nghệ sĩ trẻ. Tuy nhiên trải qua thời gian và tác động xã hội, các nhân tố mới cũng sẽ dần trở nên quen thuộc, trong khi các nhân tố trẻ chưa thực sự được định hình, chính điều đó làm cho những năm gần đây, nền Mỹ thuật nước ta có vẻ như đang tĩnh lại. Tôi nói tĩnh lại vì nó vẫn chuyển động phát triển nhưng chậm hơn, bản thân người nghệ sĩ có độ lùi cần thiết để nhìn lại con đường và có sự tĩnh tâm để sáng tác, theo tôi đó cũng là một cái hay. Với nghệ thuật sự tĩnh tâm luôn là điều cần thiết để tạo nên những tác phẩm có giá trị.
Tôi có thể khái quát đánh giá của Hội đồng nghệ thuật như sau: Về hội họa có vẻ như đang lúng túng trong việc tìm tòi hình thức biểu cảm mới. Còn Đồ họa thì khẳng định được các giá trị và có những thành công đáng ghi nhận. Điêu khắc thì ở Triển lãm này không bộc lộ hết sự phát triển bởi số lượng tham gia không nhiều, tuy nhiên điêu khắc ở Việt Nam cũng là một lĩnh vực đang phát triển tốt, hướng tới cộng đồng, không gian sống, môi trường sống của con người. Các thể loại Video art, sắp đặt.. tuy có tham gia nhưng còn hạn chế về số lượng và chất lượng.
Tác phẩm Lời ru, tác giả guyễn Văn Chước |
PV: Triển lãm Mỹ thuật năm nay, trong công tác tổ chức có cái gì mới so với những năm trước thưa ông?
Ông Vi Kiến Thành: Đầu tiên về tên gọi thay đổi từ Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc thành Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam, đây là một động thái thể hiện mặt bằng sự phát triển và khẳng định vị thế của Triển lãm này đối với đời sống mỹ thuật của cả nước, đại diện cho Quốc gia. Lần này khai mạc Triễn lãm mỹ thuật Việt Nam 2015 có Đoàn đại biểu mỹ thuật nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Đoàn đại biểu mỹ thuật Vương quốc Campuchia sang dự.
Bên cạnh đó năm nay Hội đồng nghệ thuật có các thành viên mới, trẻ như các anh Nguyễn Nghĩa Phương, Vũ Đình Tuấn, Đào Quốc Huy, Lê Lạng Lương và sự tham gia của đại diện giới Phê bình mỹ thuật có uy tín – anh Phan Cẩm Thượng. Nhà lý luận có vai trò như cầu nối giữa khán giả với tác phẩm, rất cần thiết cho Hội đồng nghệ thuật. Các Hội đồng Nghệ thuật trước đây thì ít khi có thành viên lý luận phê bình, lần này dứt khoát có một thành viên.
Một điểm mới quan trọng đó là năm nay có sự tham gia của tất cả các loại hình, từ video art, trình diễn, sắp đặt, body art, body painting, tất cả các loại hình đều được mời tham gia không có loại trừ một hình thức nào cả. Các loại hình bình đẳng với nhau hoàn toàn trong đánh giá và nhận xét. Tuy vậy số lượng tác phẩm thuộc nghệ thuật đương đại năm nay tham gia ít, chưa thực sự có tiếng nói riêng, bản thân các nghệ sĩ cũng vẫn còn mặc cảm, e dè chưa tham gia Triển lãm do có quan niệm đây là một sân chơi truyền thống.
Thay vì tổ chức Hội thảo, năm nay chúng tôi sẽ tổ chức 4 cuộc tọa đàm. Các buổi tọa đàm sẽ cởi mở với công chúng và truyền thông hơn. Mặt khác sự tương tác với xã hội, sự cởi mở với các nghệ sĩ trong các tọa đàm cũng là cầu nối để khán giả hiểu hơn về mỹ thuật nước nhà. Năm nay có điểm đặc biệt là kinh phí giải thưởng đã bước đầu được xã hội hóa với sự tài trợ một phần của tập đoàn SunGroup. Toàn bộ những đổi mới đó đều xuất phát từ mong muốn của Cục, của Ban tổ chức tạo một sân chơi đổi mới cho mỹ thuật nước nhà.
Tác phẩm Lên đồng, tác giả: Trần Quốc Giang |
PV: Như ông chia sẻ, năm nay chúng ta siết chặt hơn về lựa chọn tác phẩm. Vậy tiêu chí cho việc lựa chọn là gì, và việc chọn ít tác phẩm hơn kì trước có dẫn đến khiếu nại hoặc là có phản hồi gì với Ban tổ chức không?
Ông Vi Kiến Thành: Tất cả các tác phẩm thuộc mọi thể loại của mỹ thuật không vi phạm bản quyền tác giả, được sáng tác từ năm 2011 đến 2015 đều có thể tham gia Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam lần này. Các tác phẩm được Hội đồng nghệ thuật lựa chọn đều phải là tác phẩm có nội dung tư tưởng tốt; phản ánh sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc; có tinh thần nhân văn, hướng thiện; mang hơi thở của cuộc sống đương đại, không vi phạm những điều cấm quy định tại Điều 8, Nghị định số 113/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Hoạt động Mỹ thuật. Ngoài ra các tác phẩm phải có tìm tòi, sáng tạo trong ngôn ngữ, kĩ thuật thể hiện, có tính thẩm mỹ cao và tạo được ấn tượng thị giác mới.
Hội đồng nghệ thuật đã chọn từ 4076 tác phẩm tham dự lấy 409 tác phẩm trưng bày và trong đó trao giải cho 38 tác phẩm xuất sắc, ngoài ra có 13 tác phẩm được Nhà nước đặt hàng trong đề án 844 của Chính phủ về 2 cuộc kháng chiến. Quy trình chọn lựa được tiến hành nghiêm túc và chặt chẽ với sự công tâm, khách quan của Hội đồng Nghệ thuật. Tất nhiên không thể tránh khỏi có các cá nhân không được lựa chọn tác phẩm để triển lãm họ có tâm lý không vui, thắc mắc, đã có cả đơn thư gửi về Cục, về Bộ. Tuy nhiên chúng tôi tin tưởng vào sự làm việc minh bạch, công tâm và khách quan, dân chủ của Hội đồng Nghệ thuật.
PV: Ở góc độ quản lí nhà nước, theo ông, hiện nay mỹ thuật Việt Nam đang gặp vấn đề gì lớn? Và chúng ta nên có những giải pháp gì?
Ông Vi Kiến Thành: Vấn đề thì nhiều, nhưng ở thời điểm này theo tôi có 2 vấn đề lớn, mà để giải quyết thì không đơn giản mà phải gỡ từng bước.
Vấn đề đầu tiên là mỹ thuật Việt Nam chưa thật sự được sự ủng hộ và tạo điều kiện phát triển của xã hội. Qua dư luận, qua những thông tin báo chí thì có thể nói mỹ thuật là 1 trong những ngành nghệ thuật bị hiểu, bị đánh giá không đúng nhất, thiếu sự ủng hộ nhất.
Khó khăn thứ hai, đó là hệ lụy từ khó khăn trên, chúng ta chưa có được thị trường mỹ thuật ở trong nước. Đấy là 2 vấn đề khó khăn lớn của mỹ thuật Việt Nam hiện nay.
Nội lực, lực lượng nghệ sĩ, sức sáng tạo, tài năng của anh em mỹ thuật VN tôi cho là đầy triển vọng. Nhưng chúng ta bị 2 vấn đề cản trở lớn là sự ủng hộ của xã hội, sự quan tâm và tạo điều kiện là thiếu và yếu. Thứ hai, thị trường trong nước của chúng ta không có. Việc không quan tâm không ủng hộ góp phần khiến thị trường không phát triển được. Thị trường mỹ thuật trong nước vừa là mục tiêu vừa là động lực cho mỹ thuật Việt Nam phát triển trong những năm tới. Làm sao phải có thị trường mỹ thuật trong nước. Theo tôi đó là 2 điểm đáng lưu tâm để có một nền mỹ thuật thực sự phát triển.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 có gì mới?