Cảnh sát chơi đàn ghita để ngăn chặn bạo lực học đường
Trung úy cảnh sát Song Jun-han ở Seoul đã chơi đàn ghita mỗi khi tham gia các chương trình ngăn chặn bạo lực học đường.
Mấy năm nay, kể từ năm 2012, Trung úy cảnh sát Song Jun-han ở Seoul (Hàn Quốc) đã dùng tài năng chơi đàn ghita của mình để ngăn chặn bạo lực học đường và tư vấn giúp những trẻ “có vấn đề” đi đúng hướng.
"Một trong những đồng nghiệp của tôi đã đề nghị tôi đóng góp khả năng chơi đàn ghita khi thực hiện một chiến dịch ngăn chặn bạo lực học đường, và tôi sẵn sàng đồng ý”, Trung úy Song, 49 tuổi, ở đồn cảnh sát Seoul Mapo cho biết.
Trung úy cảnh sát Song Jun-han chơi ghita trên một đường phố gần Trường đại học Hongik (Seoul, Hàn Quốc). (Ảnh: Yonhap). |
Kể từ đó, Trung úy Song chơi đàn ghita mỗi khi tham gia các chương trình ngăn chặn bạo lực học đường, và anh đã tạo được kết nối với học sinh, sinh viên.
Song cho biết: "Điều này thực sự có tác dụng tích cực vì các em học sinh, sinh viên bắt đầu cởi mở trò chuyện với chúng tôi".
Không chỉ biểu diễn ghita trong các chương trình, Trung úy Song còn dạy ghita mỗi tuần một buổi cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và yêu thích âm nhạc. Đến nay anh đã dạy đàn ghita cho hơn 70 em nhỏ.
"Tôi nhớ có một học sinh cấp hai là nạn nhân của bạo lực gia đình và bạo lực học đường. Sau khi em ấy học nhạc với tôi, em đã không gây ra vấn đề gì ở trường nữa”, Song kể.
Đồn cảnh sát nơi Song công tác đã hợp tác với một trường âm nhạc, qua đó hỗ trợ các em có thêm cơ hội học các nhạc cụ bao gồm cả trống và đàn piano.
Được biết, Trung úy Song bắt đầu chơi đàn ghita khi học cấp hai. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, anh chơi đàn trong nhiều ban nhạc và đôi khi biểu diễn trên sân khấu với các ca sĩ được yêu mến như Patti Kim và Na Hoon-a.
Tuy nhiên, khi sắp bước vào độ tuổi 30, Song phải kiếm sống và quyết định trở thành cảnh sát.
Năm ngoái, Song đã chuyển sang làm cảnh sát phụ trách trường học để tập trung vào việc giúp học sinh bằng âm nhạc.
"Tôi cảm thấy những cố gắng của mình được đền đáp khi bọn trẻ có những thay đổi dù rất nhỏ", Song tâm sự.
Tháng trước, Trung úy Song bắt đầu thực hiện một chiến dịch mới ngăn chặn bạo lực học đường. Theo đó, anh sẽ chơi đàn ghita hai lần mỗi tháng ở một đường phố gần Trường đại học Hongik (tây bắc Seoul). Trong khi chơi đàn, anh còn đưa ra các câu hỏi về bạo lực học đường để khán giả trả lời.
"Tôi tin rằng âm nhạc kết nối tôi với bọn trẻ và tôi hy vọng mình có thể giúp được các em nhiều hơn nữa", Song nói./.