Chấm dứt tình trạng mượn văn hóa tuyên truyền về “đường lưỡi bò“

VOV.VN - Tại Việt Nam, chỉ trong tháng 10/2019, ít nhất 3 sự kiện liên quan “đường lưỡi bò” phi pháp lọt vào Việt Nam do người dân phát hiện.

Trung Quốc luôn nuôi tham vọng độc chiếm Biển Đông và trong những năm gần đây đã công khai tham vọng này bằng việc công bố yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp bao trùm gần 90% diện tích Biển Đông. Trên thực tế, Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016 đã ra phán quyết khẳng định tuyên bố của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý. Dù vậy, Trung Quốc từ lâu đã tận dụng mọi cơ hội để tuyên truyền về "đường lưỡi bò" và ngày càng thực hiện tinh vi hơn thông qua hình thức lồng ghép trong văn hóa để truyền bá trong nước và ra thế giới. Làm thế nào để chấm dứt tình trạng mượn văn hóa tuyên truyền về đường lưỡi bò phi pháp?

Tại Việt Nam, chỉ trong tháng 10/2019, ít nhất 3 sự kiện liên quan “đường lưỡi bò” phi pháp lọt vào Việt Nam do người dân phát hiện. Điều đáng nói, những ấn phẩm, sản phẩm này đều đã vào Việt Nam theo con đường “chính thống”. Bắt đầu từ việc phim “Everest - Người tuyết bé nhỏ” chứa hình ảnh bản đồ có "đường lưỡi bò" bị cơ quan duyệt phim bỏ sót và được chiếu tại các rạp phim trên cả nước ngày 14/10 vừa qua.

Hình ảnh "đường lưỡi bò" xuất hiện trong phim hoạt hình "Người tuyết bé nhỏ".

4 giây xuất hiện của "đường lưỡi bò" trong bộ phim hoạt hình có thể không dài, nhưng đó lại là cách thức tuyên truyền tinh vi của Trung Quốc. Đến việc bản đồ "đường lưỡi bò" xuất hiện trong tài liệu giới thiệu của hãng lữ hành Saigontourist ngày 18/10. Mới đây nhất là hơn 1.000 cuốn giáo trình Đọc - Viết và Nghe sơ cấp tiếng Trung trong bộ "Developing Chinese" của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phải thu hồi vì có in bản đồ "đường lưỡi bò".  

GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận định: "Đây là chiêu thức vô cùng nguy hiểm, nằm trong tính toán của Trung Quốc. Ăn là ăn ở chỗ nhỏ, chỗ ta không coi là gì thì họ thực hiện mưu đồ chủ quyền. Người làm thông tin tuyên truyền phải lưu ý không thì vô tình ta đã tiếp tay họ".

Ngày càng nhiều vụ việc liên quan đến bản đồ “đường lưỡi bò” trong các ấn phẩm văn hóa, du lịch, hay phim ảnh, truyện tranh. Sau các vụ việc đáng tiếc xảy ra, các cơ quan chức năng Việt Nam đã tiêu hủy, đề nghị tiêu hủy những sản phẩm có “đường lưỡi bò”, chấm dứt hợp tác với các đối tác cung cấp ấn phẩm, thậm chí kỷ luật những cá nhân có liên quan… Tuy nhiên, để tránh các trường hợp tương tự xảy ra, đại biểu Quốc Hội Lê Thanh Vân, đoàn Cà Mau cho rằng, các đơn vị, cá nhân cần siết chặt quản lý, đồng thời nâng cao trách nhiệm trong thực hiện quy định kiểm duyệt các ấn phẩm văn hóa và giáo dục.

Đại biểu Lê Thanh Vân cho biết: "Việc để lọt hình ảnh "đường lưỡi bò" cho thấy kiểm duyệt của chúng ta còn nới lỏng chưa chặt chẽ, trách nhiệm thuộc về cơ quan chức năng. Chúng ta đã xử lý khá tốt khi phát hiện vi phạm, đấy là cách thức để bảo vệ chủ quyền của chúng ta. Hành vi đó xâm thực về văn hóa và lớn hơn nữa đó là xâm lược về tâm lý. Cần phải tăng cường quản lý chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng này."

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân. 

Những chiến dịch “mềm” cài tư tưởng sai lệch về biên giới, lãnh thổ là một kế hoạch lâu dài, bài bản, quy mô lớn của Trung Quốc. Rất mừng là nhận thức của người dân về vấn đề này đã có những chuyển biến tích cực. Các nghị quyết chuyên đề về văn hóa của Đảng từ năm 1998 đến nay đều nhấn mạnh việc mỗi con người cũng như cả xã hội cần nâng cao nội lực văn hóa để có thể tự đề kháng trước những tư tưởng, khuynh hướng xấu. Ít nhất, trong lĩnh vực liên quan đến chủ quyền, chúng ta đã bước đầu làm được điều đó.

GS.TS. Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc Gia, Hà Nội đưa ra giải pháp: "Mỗi cán bộ, sinh viên, học viên phải nâng cao cảnh giác, đề phòng hoạt động tinh vi. Đấy là điều quan trọng nhất. Chúng ta cũng nên đưa vào các chương trình đào tạo".

Còn Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng, cảnh giác mới chỉ là bước đầu. Điều quan trọng hơn là truyền bá sự thật lịch sử một cách mạnh mẽ cho toàn dân, trên trường quốc tế phải đấu tranh thẳng thắn và rõ ràng, ở trên mọi diễn đàn. Muốn để người dân Trung Quốc hiểu được thì chúng ta phải nói trên các diễn đàn quốc tế, trên chính đất nước Trung Quốc như nghệ sĩ Trần Lương lên án “đường lưỡi bò” và kêu gọi các nghệ sĩ Đông Nam Á ủng hộ vào đầu tháng 11 vừa qua tại Triển lãm Polyphony: Southeast Asia.

Trước đó, với tinh thần luôn song hành cùng các sự kiện thời sự, cùng hơi thở cuộc sống, nhóm Xẩm Hà Thành viết bài xẩm “Đường lưỡi bò”. Nghệ sĩ Nguyễn Quang Long nói rằng, anh muốn đóng góp tiếng nói để bảo vệ chủ quyền quốc gia: "Tất cả tổ chức, cá nhân đứng lên phản đối vấn đề này, là nghệ sĩ làm nghệ thuật chúng tôi cũng phải góp tiếng nói. Chính vì vậy, tôi sáng tác “Xẩm đường lưỡi bò” đầy châm biếm mỉa mai để phản đối đường lưỡi bò phi pháp. Nếu quan tâm đến đất nước, cộng đồng, quyền lợi quốc gia phải góp tiếng nói của mình".

Không có sức mạnh nào mạnh bằng sự đoàn kết của toàn dân và cộng đồng quốc tế yêu chuộng sự thật, sự công bằng dựa trên luật pháp quốc tế. Từng người dân Việt Nam cần thức tỉnh để nhận rõ sự nguy hại của “đường lưỡi bò”, không tiếp tay hay tạo điều kiện để Trung Quốc dùng văn hóa tuyên truyền phi pháp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên