Chiến tranh, phụ nữ và tranh Phạm Lực
VOV.VN - Họa sĩ Phạm Lực vẽ nhiều thể loại, đề tài đa dạng nhưng hai mảng nội dung xuyên suốt tạo nên "thương hiệu" cho tranh của ông là chiến tranh và phụ nữ.
Trong giới mỹ thuật Việt Nam, Phạm Lực là một trong những gương mặt họa sĩ đặc biệt. Với số lượng tranh lên tới hàng nghìn bức cùng hơn 40 triển lãm cá nhân trong nước và nước ngoài đã nói lên niềm đam mê và sức sáng tạo dồi dào của ông. Phạm Lực vẽ nhiều thể loại, đề tài đa dạng, gần gũi với đời sống nhưng hai mảng nội dung xuyên suốt tạo nên thương hiệu trong tranh của ông là phụ nữ và chiến tranh.
Hoạ sĩ Phạm Lực. |
Là thế hệ họa sĩ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với 35 năm làm việc trong quân ngũ nên họa sĩ Phạm lực vẽ nhiều về đề tài chiến tranh. Các nơi ông đã đi qua, các mặt trận mà ông đã tham gia là chất liệu sống vô cùng phong phú để ông sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng.
Thời ấy cùng với công việc đào tạo các thế hệ hoạ sĩ cho quân đội, bên cạnh vẽ tranh ký họa, tranh cổ động cổ vũ tinh thần chiến đấu cho bộ đội ở chiến trường và hậu phương nơi tiền tuyến, ông còn vẽ để thể hiện niềm đam mê và cảm nhận của mình về cuộc sống con người. Ông không nhìn cuộc chiến bằng cái nhìn đáng thương không vẽ về chiến tranh bằng súng ống, đạn dược mà bằng cách nhìn sâu sắc từ phía sau cuộc chiến.
Hoạ sĩ Phạm Lực chia sẻ: “Tranh về đề tài quân đội của tôi nhẹ nhàng lắm. Chỉ nói về tình yêu tình quân dân không nói về sự chết chóc khốc liệt của chiến tranh. Đề tài tôi thích nhất có lẽ là về hậu phương, nơi những vùng quê chỉ có người phụ nữ, người già, trẻ con. Hình ảnh đẹp nhất chính là phong trào ba đảm đang. Người phụ nữ phải lo mọi việc, vừa lo chiến đấu vừa lo dạy con học”.
Xem các tác phẩm về chiến tranh của hoạ sĩ Phạm Lực, chúng ta thấy đó là những nét vẽ của cảm xúc bất chợt rất mộc mạc và phóng khoáng. Thời chiến tranh do bom đạn liên miên vì thế nhiều lúc ông phải vừa chạy vừa vẽ với chiếc balo và cặp vẽ trên vai. Điển hình như bức tranh Nữ dân quân chở con bằng xe đạp rất đẹp của ông được với vẽ tại Hàm Rồng, Thanh Hóa năm 1966.
Tranh của Phạm Lực tràn đầy tình yêu thương, tôn vinh sự sống và mong ước khao khát hoà bình. (Ảnh: Zing) |
Nhiều bức ông chỉ kịp phác thảo ở chiến trường sau đó có điều kiện mới chau chuốt hoàn chỉnh. Một điều đặc biệt ở Phạm Lực đó là trong thời chiến khốn khó ấy, chất liệu màu vẽ đều khan hiếm. Nhưng vì mê vẽ nên ông có thể vẽ với mọi chất liệu như trên bìa xi măng, bao tải, còn màu vẽ thì có khi tận dụng từ vôi quét tường đến đến sơn ô tô. Với sự sáng tạo như thế mà tranh vẽ trên chất liệu bao tải đã trở thành một đặc sản riêng của họa sĩ Phạm Lực.
Theo ông Ngô Quang Thuấn, một nhà sưu tập tranh thì ông thích các tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng của họa sĩ Phạm Lực bởi trong tranh khó có thể tìm thấy cái dữ dội bạo liệt của chiến tranh mà ở đó tràn đầy tình yêu thương, tôn vinh sự sống và cả sự mong ước khao khát hòa bình.
Tranh trên giấy của họa sĩ Phạm Lực về đề tài thời chiến. |
“Trong đề tài chiến tranh của Phạm Lực, anh cũng chỉ vẽ những người lính đi trong rừng, không thấy bom đạn, súng ống ác liệt nhưng người xem lại thấy được tình yêu, tình thương đồng đội của những con người trong chiến tranh”, ông Thuấn cho biết.
Về đề tài chiến tranh cách mạng, hình ảnh người phụ nữ xuất hiện khá nhiều trong các tác phẩm của họa sĩ Phạm Lực. Ở đó người xem có thể bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ trong một khu chợ không có bóng dáng đàn ông, những lần địu con cày cấy trên đồng hay người phụ nữ nằm ngủ sau trực chiến. Người phụ nữ là hình ảnh ông gửi gắm thông điệp của mình về chiến tranh. Ngoài vẽ về phụ nữ trong lao động chiến đấu ngay từ những năm 70 của thế kỉ trướ khi đất nước vẫn đang trong thời kỳ chiến tranh, họa sĩ Phạm Lực đã có những bức vẽ táo bạo về đề tài phụ nữ khỏa thân. Dưới con mắt nghệ thuật của ông, hình ảnh người phụ nữ được thể hiện rất gợi cảm mà ý nhị.
Bức tranh về những người phụ nữ trong một khu chợ không có bóng dáng đàn ông được trưng bày trong triển lãm "Bút Lực" (Ảnh: Zing). |
Theo họa sĩ Nguyễn Bằng Lâm, Nguyên Phó chủ tịch hội mỹ thuật Việt Nam thì với cá tính trong hội hoạ mà họa sĩ Phạm Lực đã có những triển lãm về hình ảnh người phụ nữ hết sức đa dạng, giàu giá trị về nghệ thuật.
Tại các triển lãm “Phụ nữ và hoa”, “Bút Lực”, “Năm tháng khó quên”, những người phụ nữ trong tranh của họa sĩ Phạm lực có một sự cuốn hút đặc biệt ở chỗ nếu chỉ nhìn thoáng qua thì sẽ khó có thể cảm nhận được nhưng nếu càng nhìn càng thấy được vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam hiện lên một cách cụ thể với vẻ đẹp khỏe khoắn và sự thành thản trong tâm hồn như cảm nhận của họa sĩ Lê Thế Anh.
“Tất cả các triển lãm của họa sĩ Phạm Lực tôi đều có xem. Thực sự, với sức sáng tạo của họa sĩ Phạm Lực cũng như số lượng tranh và phong cách vẽ thể hiện đúng là một con người vẽ bằng tất cả những cái năng lượng sôi trào nhất. Hoạ sĩ Phạm Lực là tấm gương để tất cả những người trẻ chúng tôi cần phải học tập từ bút pháp, màu sắc và cả con người nữa. Nghệ thuật của Phạm Lực có được con đường riêng, dài, mạnh mẽ khỏe khoắn và rất ấn tượng.
Tôi rất ấn tượng với mảng vẽ tranh về phụ nữ của Phạm Lực. Nó gói trọn được tất cả những cá tính của người phụ nữ, dịu dàng nhưng cũng mãnh liệt ở trong đó”, hoạ sĩ Lê Thế Anh chia sẻ.
Bức tranh "Cô gái bán hoa" (Ảnh: H.Đ.N) |
Một điều đáng ghi nhận là với sức sáng tạo đáng kinh ngạc và đều tay suốt hơn nửa thế kỷ qua, tranh Phạm Lực vẫn không bị lặp lại. Mỗi tác phẩm của ông có cá tính riêng dù là ở đề tài nào hay thể hiện bằng chất liệu gì, sơn dầu, sơn mài hay khắc gỗ. Đến bây giờ ở tuổi 76 mặc dù sức khỏe giảm sút do bệnh tim nhưng ông vẫn cầm cọ vẽ và sáng tác đều. Bởi nếu một ngày không vẽ ông sẽ bị ốm. Vẽ là cái nghiệp của ông, còn sức khỏe ông còn sáng tác và cống hiến. Hiện nay ông đang tiến hành lập quỹ từ thiện Phạm Lực nhằm hỗ trợ cho các hoạ sĩ nghèo, không may bị bệnh tật ốm đau hay các sinh viên mỹ thuật vượt khó. Đây là ước nguyện và việc làm ý nghĩa để ông tiếp tục được cống hiến cho tình yêu nghệ thuật của mình.
Với cách tạo hình vừa mộc mạc, vừa phóng khoáng và sử dụng chất liệu đa dạng, ông được đánh giá là một trong những họa sĩ có cá tính hội họa rõ nét. Phạm Lực cũng là một trong số ít họa sĩ có riêng một câu lạc bộ những nhà sưu tập tranh của mình. Điều đó cho thấy tranh của ông được nhiều người yêu thích và đánh giá cao./.