Chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa lưu giữ trong các tài liệu số hóa
VOV.VN - Đây là những tài liệu có giá trị về mặt lịch sử, pháp lý, cả ở tầm quốc gia và quốc tế;, khẳng định một cách chắc chắn Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.
Hiện nay, Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế đang nghiên cứu sưu tầm, số hóa tài liệu Hán Nôm làng xã, phủ đệ và tư gia trên địa bàn tỉnh và một số địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh. Các nhà chuyên môn, kỹ thuật đặc biệt chú trọng sưu tầm và số hóa những tài liệu Hán - Nôm – những văn bản, bằng chứng lịch sử quan trọng khẳng định chủ quyền của Việt Nam về hai Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Phóng viên VOV.VN đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Phan Thuận An và ông Phạm Xuân Phượng – Chủ trì đề tài sưu tầm, số hóa tài liệu Hán - Nôm về vấn đề này.
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An, một trong những người tâm huyết với các tư liệu
về đề tài chủ quyền biển, đảo
PV: Thưa nhà nghiên cứu Phan Thuận An, ông có thể cung cấp một số thông tin về các tài liệu quan trọng chứng minh chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa do ông sưu tầm và phát hiện?
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An: Sau khi xảy ra sự việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, tất cả người dân Việt Nam đều trăn trở, băn khoăn, đều muốn làm một điều gì đó vì biển, đảo của Tổ quốc. Đặc biệt là việc công bố các cứ liệu lịch sử để chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Cuối năm 2009, tôi phát hiện ra 2 loại cứ liệu lịch sử để chứng minh vùng biển đó thuộc về chủ quyền nước ta. Thứ nhất là hình ảnh biển đảo Việt Nam được đúc nổi trên Cửu đỉnh bằng đồng ở Huế vào thời vua Minh Mạng (1836). Trên 9 đỉnh đồng là 153 hình ảnh, thể hiện chủ quyền của quốc gia Việt Nam. Trong đó, có một số hình ảnh liên quan đến các hòn đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, đặc biệt là Hoàng Sa, Trường Sa trên Biển Đông. Bộ Cửu đỉnh được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2012. Hiện, Cửu đỉnh vẫn đang được trưng bày trong Hoàng cung Huế.
Loại cứ liệu thứ 2 là hai tờ châu bản được vua Bảo Đại ký năm 1939. Nhà vua đã phê chuẩn đề nghị khen thưởng huân chương cho một người Pháp là Louis Fontan, Chánh cai đội hạng nhất của ngạch lính Khổ Xanh. Louis Fontan đã từng ra công tác ở Hoàng Sa một thời gian, sau đó bị bệnh sốt ác tính, nằm ở bệnh viện Trung ương Huế và từ trần tại đây. Lúc bấy giờ, chính quyền Pháp đề nghị vua Bảo Đại tặng cho ông Fontan huân chương và nhà vua đã chuẩn y.
Còn châu bản thứ 2 là theo lời đề nghị của Tòa Khâm sứ Trung kỳ bấy giờ, đề nghị vua Bảo Đại thông qua Ngự tiền Văn phòng, thưởng huân chương Ngũ hạng Long tinh cho đội binh đã có công lập đồn phòng thủ ở đảo Hoàng Sa.
Đây là những tài liệu có giá trị về mặt lịch sử pháp lý, cả ở tầm quốc gia và quốc tế. Tất cả hoàn toàn là tư liệu gốc, không phải sao chép, mà còn là tư liệu bậc 1 (tư liệu cấp Nhà nước) nên vô cùng quý hiếm, khẳng định một cách chắc chắn Hoàng Sa và Trường Sa là của nước ta.
Xét thấy giá trị của các tài liệu này rất quý nên tôi đã tặng cho Bộ Ngoại giao vào năm 2009, để làm dày thêm cho các căn cứ pháp lý trong việc đấu tranh trên mặt trận Ngoại giao trong tình hình căng thẳng tại Biển Đông.
Tờ châu bản được vua Bảo Đại ký năm 1939, phê chuẩn đề nghị khen thưởng
huân chương cho Louis Fontan
PV: Thưa ông, đề tài nghiên cứu sưu tầm, số hóa tài liệu Hán Nôm đã được thực hiện từ bao giờ và hiện đã đạt được những thành quả gì?
Ông Phạm Xuân Phượng: Chúng tôi bắt đầu chương trình sưu tầm, số hóa tài liệu Hán Nôm làng xã và tư gia ở Thừa Thiên - Huế từ năm 2009 đến nay. Chương trình do Thư viện tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM thực hiện. Cụ thể, chúng tôi đã số hóa tại 13 phủ đệ, 52 làng, đền thờ và nhà vườn với 248 họ tộc. Tổng số tài liệu Hán Nôm sưu tầm, số hóa là 142.835 ngàn trang.
Các tài liệu Hán Nôm được sưu tầm, số hóa chủ yếu là trên chất liệu giấy dó. Trong đó, đặc biệt là giấy sắc vàng, giấy long đằng để viết sắc phong, chế phong của các triều đại vua Nguyễn cho những người có công với quê hương, đất nước. Chất liệu thứ hai là bằng đồng, chủ yếu là các tài liệu Hán – Nôm được in trên sách đồng của các hoàng thân quốc thích triều Nguyễn. Thứ 3 là chất liệu vải được tìm thấy ở 2 nhà thờ dòng họ Tống, là những sắc phong dưới thời vua Gia Long.
Tài liệu Hán – Nôm sưu tầm số hóa phong phú và đa dạng, bảo đảm yêu cầu về nội dung. Tài liệu quý hiếm được sao chụp trực tiếp từ văn bản gốc lưu trữ tại các dòng họ, làng có niên đại từ đời Cảnh Hưng, Cảnh Thịnh đời Lê, thời Tây Sơn và các triều đại nhà Nguyễn. Trong đó, có nhiều sách thuốc quý hiếm của Ngự Y triều Nguyễn, văn bản khế ước mua, bán đất đai có niên đại từ đời Lê, Tây Sơn, Nguyễn; nhiều văn bản, sắc chỉ phong chức, tước cho quan lại triều Nguyễn...
Đặc biệt, chúng tôi số hóa được trọn bộ luật thời Gia Long (Hoàng Việt Luật lệ) in ấn và phát hành năm Gia Long thứ 12 (1814). Tháng 4/2014, chúng tôi sưu tầm và số hóa được tài liệu sắc phong, chế phong rất quý của thời vua Hàm Nghi.
PV: Trong quá trình thực hiện đề tài này, ông gặp những thuận lợi và khó khăn gì?
Ông Phạm Xuân Phượng: Các loại tài liệu Hán – Nôm đang còn nằm rải rác trong các họ tộc thuộc nhiều địa phương vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng bởi cách thức bảo quản, thiên tai và thất lạc trong quá trình di chuyển nơi ở.
Nguy cơ lớn nhất là do thiên nhiên khắc nghiệt với sự tác động liên tục của các điều kiện điện hóa tự nhiên, mối mọt, lũ lụt… sẽ làm cho các loại tài liệu Hán – Nôm bị hư hỏng, mất mát. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi phải lập riêng bộ phận kỹ thuật bảo quản, làm phẳng tài liệu. Thậm chí, có những hòm bộ ở một số làng không còn một tài liệu nào sử dụng được nữa do mưa bão và lụt lội làm hỏng.
Tình trạng người dân đưa giấy cũ ra bán và đốt, làm giấy quấn thuốc rê do không hiểu biết đầy đủ về giá trị khoa học, lịch sử, văn hóa của những tập sách chữ Hán – Nôm “cũ nát” vẫn còn.
Đáng báo động là hiện tượng một số nhà sưu tập hiểu biết về giá trị lịch sử, văn hóa và kinh tế của các loại tài liệu Hán – Nôm quý hiếm đã sưu tầm, ngoài mục đích lưu trữ, nghiên cứu có mục đích buôn bán đồ cổ. 5 năm vừa qua, chúng tôi cũng phát hiện có một số sắc phong và chế phong của một số làng ở TT. Huế bị mua bán vào trong miền Nam. Với sự phối hợp của Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM, chúng tôi đã mua và làm lễ trao tặng cho 6 làng trên địa bàn thành phố Huế.
Rất may mắn và đáng trân trọng là những người cao niên ở các phủ, các chức sắc như trưởng làng, trưởng họ luân phiên, những người hiểu biết về chữ Hán, chữ Nôm ở các làng có ý thức gìn giữ, quý trọng các loại văn bản Hán – Nôm, đặc biệt là sắc phong các loại, chế, họ coi đó là “báu vật” của làng, của họ.
Hình ảnh về chủ quyền biển, đảo trên Cửu đỉnh ở kinh thành Huế
PV: Ông đánh giá như thế nào về giá trị, cũng như ý nghĩa của việc số hóa những tài liệu này đối với công tác nghiên cứu, văn hóa?
Ông Phạm Xuân Phượng: Có thể nói, di sản Hán Nôm là một đối tượng quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc, chứa đựng tất cả những thông tin quan trọng trên nhiều lĩnh vực khoa học lịch sử, văn hóa, kinh tế và nhiều vấn đề quan trọng phản ánh về đời sống của xã hội ở các thời kỳ lịch sử.
Khai thác những thông tin từ các loại tài liệu Hán – Nôm sẽ giúp bổ sung nhiều chỗ trống trong lịch sử, nhiều chỗ không cụ thể hoặc thiếu sót trong nghiên cứu lịch sử, văn hoá, xã hội, kinh tế, chính trị của địa phương, vùng và cả nước dưới các triều chúa Nguyễn, Tây Sơn và vua Nguyễn
Ví dụ, qua những sắc phong, chúng ta biết được những nhân vật có công với đất nước, những văn bản như hương ước, địa bạ, gia phả, giúp chúng ta nghiên cứu sâu về quá trình mở rộng cương vực về phía Nam. Đặc biệt, trong đó có những tài liệu số hóa khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa do nhà nghiên cứu Phan Thuận An phát hiện và cung cấp.
PV: Xin cảm ơn ông Phan Thuận An và Phạm Xuân Phượng./.
Hiện tại, cơ sở dữ liệu Hán – Nôm đã phục vụ cho việc tra cứu tại Thư viện tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế và Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM. Sắp tới sẽ phục vụ trên mạng Internet, nhằm truyền bá một cách rất rộng rãi cho các nhà nghiên cứu, thư viện các địa phương có thể truy cập và trao đổi thông tin.
Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn kinh phí nên toàn bộ các văn bản chưa thể được tiến hành dịch thuật, mà mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp các thông tin cơ bản về nguồn gốc, địa điểm và tóm tắt nội dung tài liệu./.
Bài 1: Bản đồ cổ và chính sử Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa
Bài 2: Châu bản triều Nguyễn: Minh chứng về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa
Bài 3: Bản đồ cổ Việt Nam – chứng cứ “thép” về chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa
Bài 4: Sử liệu cổ Việt Nam khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa
Bài 5: Thế giới đã thừa nhận Hoàng Sa, Trường là của Việt Nam ra sao?
Bài 6: SGK Trung Quốc thừa nhận biên giới chỉ đến đảo Hải Nam
Bài 7: Nhà nước Phong kiến Việt Nam đã đưa Hoàng Sa vào SKG dạy cho trẻ nhỏ
Bài 8: Clip: Nhà nước Phong kiến Việt Nam dạy trẻ nhỏ về chủ quyền Hoàng Sa thế nào?
Bài 9: Đội Hoàng Sa thời phong kiến đã xác lập chủ quyền biển đảo ra sao?
Bài 10: Bài học về chủ quyền biên giới lãnh thổ từ cách dạy sử của cha ông