Chuyện thân phụ thái sư Trần Thủ Độ: “Cần trả lại sự thật cho lịch sử“
VOV.VN - Đền Nhà Ông đổi tên thành Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam; ai là thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ?
Sự thật liên quan tới Đền Nhà Ông đổi tên thành Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam; ai là thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ? là những vấn đề lịch sử cần có câu trả lời thỏa đáng từ phía các nhà quản lý, các nhà khoa học nghiên cứu lịch sử.
Những việc làm “lạ lùng”
Dù nhân vật Trần Hoằng Nghị còn nhiều tồn nghi, nhưng đến tháng 9/2018, PGS.TS Nguyễn Minh Tường vẫn đưa nhân vật này vào cuốn “Lịch sử Việt Nam phổ thông - tập 3” do chính ông chủ biên. Chẳng nhẽ ông Tường không biết nhân vật Trần Hoằng Nghị còn nhiều tồn nghi?
Và nếu như không có bản kiến nghị của Thiếu tướng, PGS Đào Trần Quang Cát, Chủ tịch Hội đồng họ Trần Việt Nam gửi Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam - Viện Sử học; Không có văn bản tạm dừng phát hành sách “Lịch sử Việt Nam phổ thông - tập 3” thì nhân vật Trần Hoằng Nghị đã nghiễm nhiên đi vào sử sách.
Bức tượng Trần Hoằng Nghị mạ vàng trên ban thờ chính trong Đền thờ họ Trần Việt Nam tại thôn Phương La. |
Trong văn bản trả lời Thiếu tướng, PGS Đào Trần Quang Cát về việc phát sóng phim tài liệu ngắn “Đức Hoằng Nghị Đại vương” gây bức xúc cho con cháu dòng họ Trần Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, nêu: “Về nhân vật Trần Hoằng Nghị trong phim tài liệu “Đức Hoằng Nghị Đại vương”, ngoài những thông tin thu thập từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân… nhóm làm phim đã căn cứ vào kết quả nghiên cứu của hơn 30 nhà khoa học công bố tại hội thảo khoa học “Hoằng Nghị Đại vương và việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử - văn hóa Phương La” do UBND tỉnh Thái Bình phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức ngày 9/1/2007. Tại hội thảo này, ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã kết luận: Trên cơ sở nguồn tư liệu hiện có, nhiều nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận, thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ là Đại vương Trần Hoằng Nghị…”.
Ông Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin (VH-TT) tỉnh Thái Bình xác nhận, chính xác nhà sử học Dương Trung Quốc kết luận là: “Trong khi chưa có tài liệu xác đáng, chúng ta cứ tạm thời chấp nhận Trần Hoằng Nghị là thân phụ Trần Thủ Độ”. Trao đổi với phóng viên, nhiều nhà nghiên cứu khoa học lịch sử không đồng tình với quan điểm này. Các nhà nghiên cứu cho rằng, khi “chưa có tài liệu xác đáng” thì tại sao lại tạm chấp nhận nhân vật lịch sử?. Việc “tạm chấp nhận” nhân vật lịch sử như vậy liệu có đúng?
Cũng cần phải nhắc lại, trong hội thảo “Hoằng Nghị Đại vương và việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử - văn hóa Phương La” năm 2007, nhiều tham luận đã chỉ ra những điểm còn chưa minh bạch, tiền hậu bất nhất trong nghiên cứu của ông Dương Quảng Châu mà nhiều nhà khoa học sau này dùng làm căn cứ để viết nhân vật Trần Hoằng Nghị là thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ.
Cụ thể, nhà nghiên cứu Đặng Hùng, hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã chỉ ra: Trong bài “Trần Thủ Độ với Thái Bình” in năm 1995, ông Châu viết, Trần Hấp là bố của Trần Hoằng Nghị. Trần Hoằng Nghị sinh ra ba người con trai là Trần An Quốc, Trần An Hạ, Trần Thủ Độ. Nhưng trong bài “Đất và người Long Hưng trong sự nghiệp phù Trần” in năm 2004, ông Châu lại viết, Trần Kinh sinh ra Trần Hấp, Trần Mẽ, Trần Quả… Người em trai Trần Hấp là Trần Quả dời Tức Mặc về Bến Trấn, đem lòng yêu thương cô gái nơi đây và sinh ra Trần Hoằng Nghị. Những thông tin này khiến nhiều người không khỏi thắc mắc, vậy ai thực sự là thân phụ của nhân vật Trần Hoằng Nghị?
Và cũng tại hội thảo này, GS. Vũ Khiêu từng kết luận: Nhân vật Trần Hoằng Nghị còn nhiều tồn nghi.
Hơn thế, việc sử dụng nguồn tài liệu từ kỷ yếu của một cuộc hội thảo về một nhân vật lịch sử chưa rõ ràng, nhiều thông tin tồn nghi còn chưa được xác minh làm căn cứ khoa học để đưa nhân vật vào sách sử, tuyên truyền không minh bạch về nhân vật còn tồn nghi, liệu có đúng?
“Hô biến” Đền Nhà Ông thành Đền thờ họ Trần Việt Nam
Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần ở xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã quá quen thuộc với nhiều người dân, du khách. Thế nhưng vài năm nay, tại thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà lại có một đền nằm trên khuôn viên đất rộng khoảng 5ha, đền cao 41m, gồm 3 tầng với diện tích khoảng 800m2 có kiến trúc đồ sộ và cũng không kém phần lạ lẫm, bên trên có tấm biển lớn đề “Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam”. Ông Trần Bình Trọng, thành viên Ban quản lý đền thờ Tổ họ Trần tại thôn Phương La cho biết: “Người được thờ chính tại đền là ngài Trần Hoằng Nghị, là thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ”.
Đền Nhà Ông đã bị hô biến thành Đền thờ họ Trần Việt Nam. |
Theo Quyết định số 618/UB-VX ngày 13/5/2002 của UBND tỉnh Thái Bình (Phó Chủ tịch Hoàng Đình Thạch ký) có nội dung: “Cho phép Hội đồng gia tộc họ Trần xã Thái Phương, huyện Hưng Hà được phục hồi ngôi Đền Nhà Ông trên nền móng cũ (có bản vẽ kèm theo). Kinh phí xây dựng do sự đóng góp của dòng họ”. Vậy tại sao từ Đền Nhà Ông lại đổi tên thành Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam?.
Trả lời phóng viên về sự đổi tên ngôi đền này, ông Nguyễn Công Khanh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hưng Hà, cho biết: “Đền Nhà Ông không phải là di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh. Đến nay, họ Trần ở Thái Phương cũng không có hồ sơ xin đổi tên đền”.
Nguyên Trưởng phòng Quản lý di tích (Bảo tàng tỉnh Thái Bình) tại thời điểm Đền Nhà Ông được xây dựng, ông Đào Hồng cho biết: “Qua 3 đợt kiểm kê di tích ở xã Thái Phương, huyện Hưng Hà đều không có Đền Nhà Ông, vì đó chỉ là ngôi miếu cạnh gốc đa, mỗi chiều khoảng một mét. Khi công trình xây dựng Đền Nhà Ông được triển khai có quy mô quá lớn, xây dựng đến tầng 2 thì ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thái Bình có chỉ đạo ông Vũ Đức Thơm, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh và tôi đến lập biên bản vi phạm, căn cứ theo Quyết định cho phép xây dựng của UBND tỉnh Thái Bình”.
Cần làm rõ sự thật
Trước sự xuất hiện của quá nhiều ấn phẩm, bài viết, phóng sự truyền hình… với nội dung không nêu rõ những tồn nghi về nhân vật Trần Hoằng Nghị; sự xuất hiện của “ngôi đền lạ” mang tên “Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam” đã gây ra không ít hiểu lầm, ngộ nhận cho người dân cả nước khi về dự Hội Đền Trần Thái Bình và con cháu dòng họ Trần Việt Nam.
Đại tá, PGS.TS Trần Văn Luyện, Chánh văn phòng Hội đồng họ Trần Việt Nam (HĐHTVN) cho rằng, việc nghiên cứu các nhân vật lịch sử, các sự kiện lịch sử phải dựa trên phương pháp khoa học lịch sử, dựa trên những tài liệu chứng cứ lịch sử xác đáng. Nếu các nhà nghiên cứu tìm được bằng các con đường khảo cổ, văn bia, sắc phong, thần tích… có sức thuyết phục thì con cháu họ Trần rất mừng và tin tưởng. Đằng này, các bài viết về Trần Hoằng Nghị của ông Dương Quảng Châu đều sử dụng lối điền dã, không có căn cứ mà lại dựng lên một nhân vật lịch sử không có thật thì quả là liều.
Thiếu tướng, PGS Đào Trần Quang Cát cho rằng, việc bịa ra nhân vật Trần Hoằng Nghị là lừa đảo. Đề nghị các cơ quan chức năng phải xử lý việc này, đề nghị các NXB, các cơ quan báo chí không đưa tin về Đền thờ Trần Hoằng Nghị nữa để tránh gây nhầm lẫn.
Theo PGS.TS Trần Đình Nhã, hướng xử lý ngôi đền tại Phương La là: Nếu việc cấp phép xây dựng ghi rõ là Đền Nhà Ông thì phải có trách nhiệm trả lại tên ngôi đền là Đền Nhà Ông, không phải Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam. Các cơ quan chuyên môn cũng cần làm rõ để tránh làm mất uy tín của giới khoa học Việt Nam.
Tranh cãi liên quan đến Đền Nhà Ông được đổi tên thành Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam; ai là thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ là những vấn đề lịch sử cần có câu trả lời thỏa đáng từ phía các nhà quản lý, các nhà khoa học nghiên cứu lịch sử. Hy vọng rằng, thời gian tới sẽ có nhiều nghiên cứu công phu, dựa trên những tư liệu đáng tin cậy để tiếp tục làm rõ câu hỏi: Ai là thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ?./.
“Các nhà nghiên cứu lịch sử từng viết về nhân vật Trần Hoằng Nghị thì phải có trách nhiệm trả lời rõ trước công luận và cơ quan chức năng về việc này, tránh tạo mâu thuẫn mất đoàn kết trong họ Trần toàn quốc”. PGS.TS Trần Đình Nhã, Phó Chủ tịch HĐHTVN.