“Cô dâu 8 tuổi” tự tử: Tại sao người nổi tiếng né tránh sự trợ giúp
VOV.VN -Việc diễn viên Pratyusha Banerjee tự tử cho thấy một thực tế là những người nổi tiếng khi bị áp lực, trầm cảm thường né tránh sự trợ giúp chuyên nghiệp.
Vụ việc diễn viên Pratyusha Banerjee tự tử một lần nữa cho thấy một thực tế ảm đạm trong ngành công nghiệp giải trí. Có hàng ngàn phụ nữ mang giấc mơ trở thành người nổi tiếng và muốn kiếm được nhiều tiền. Họ đã rời bỏ quê nhà tới Mumbai với hy vọng trở thành một Priyanka Chopra hay Deepika Padukone tiếp theo.
Nữ diễn viên bạc mệnh Pratyusha Banerjee |
Nhưng ngay sau đó, họ bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn dẫn tới chứng trầm cảm. Đối với những người đã làm nên tên tuổi của mình trên truyền hình như Pratyusha, để duy trì phong độ là cả một vấn đề. Hoặc là họ sẽ mờ nhạt dần sau sự thành công hoặc sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để có chỗ đứng ở Bollywood. Cả hai điều này đều có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính và tinh thần đối với họ.
Trầm cảm trở thành một vấn đề nghiêm trọng trong giới giải trí. Tại sao người nổi tiếng lại tránh tìm sự giúp đỡ trong thời gian gặp khủng hoảng. Theo chuyên gia tâm lý học nổi tiếng Seema Hingorani thì có các nguyên nhân sau:
Sự cô đơn thường trực
Người ta nói rằng những nhân vật nổi tiếng thường là những người cô đơn. Mặc dù có thể có rất nhiều fan hâm mộ nhưng họ vẫn cảm thấy cô đơn. "Suy thoái đang tràn lan và nó ảnh hưởng đến rất nhiều người. Người nổi tiếng có rất nhiều bạn bè và người hâm mộ nhưng họ thường phàn nàn về cảm giác cô đơn thường trực dẫn đến trầm cảm", Seema nói.
Chán nản nhưng không thể để cho cả thế giới biết về điều đó
"Người nổi tiếng thường không thể cho người khác thấy là họ đang chán nản vì cuộc sống. Cuộc sống của họ là phải thú vị và đầy quyến rũ, họ không muốn cả thế giới biết rằng thực tế họ đang bị trầm cảm. Khi tôi khuyên họ nên nhờ đến sự trợ giúp thì họ dứt khoát nói không", Seema cho biết.
Nữ diễn viên bạc mệnh Pratyusha Banerjee và bạn trai Rahul Raj |
Sự phụ thuộc vào bạn trai
Cũng theo chuyên gia tâm lý Seema: "Nhiều người trong ngành công nghiệp giải trí bị phụ thuộc quá nhiều vào mối quan hệ tình cảm. Họ nghĩ rằng cần phải có người nào đó ở bên. Mọi người sẽ nói gì nếu họ không có một ai bên cạnh. Sự tan vỡ không thể đến một cách dễ dàng. Bạn phải thực sự mạnh mẽ mới có thể nói rằng bạn vừa chia tay. Điều này cũng có thể là một nguyên nhân dẫn đến trầm cảm".
Né tránh sự trợ giúp chuyên nghiệp vì sợ sự kỳ thị của xã hội
"Nhận sự giúp đỡ không phải là dễ dàng đối với người nổi tiếng. Họ sợ sự soi mói, kỳ thị của xã hội. Khi các diễn viên tới phòng khám của tôi, họ đều muốn chắc chắn là không có ai xung quanh. Họ không muốn các diễn viên khác biết rằng mình đã đến đây. Để nhận được sự giúp đỡ đối với họ cũng là cả một vấn đề", Seema giải thích.
Từ chối kết thúc một mối quan hệ không tốt đẹp
Một mối quan hệ không tốt đẹp hay một sự lạm dụng nào đó cũng là một yếu tố lớn góp vào bệnh trầm cảm. Nó cũng tương đương như việc bị chấn thương. Khi có sự lạm dụng xảy ra trong một mối quan hệ, lời khuyên đầu tiên của tôi là hãy kết thúc nó nhưng nhiều người lại không muốn kết thúc bởi vì họ lo lắng về những gì thế giới sẽ nói", Seema nói.
Tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè, cha mẹ và các chuyên gia
"Tôi chắc chắn Pratyusha đã từng muốn tự tử, đây không phải là một sự bốc đồng và nó đã từng diễn ra trong tâm trí cô ấy. Khi tâm trí bắt đầu xuất hiện các tín hiệu đáng buồn như vậy, điều đầu tiên bạn nên làm là nhờ đến sự giúp đỡ của cha mẹ, bạn bè hoặc các chuyên gia", Seema nói./.
Rơi lệ trước hình ảnh cuối của “Cô dâu 8 tuổi” trong lễ tang
Hình ảnh: “Cô dâu 8 tuổi” Pratyusha Banerjee bên gia đình và bạn trai
Clip: Chuyến đi cuối cùng của Pratyusha Banerjee