“Cung thanh, cung trầm rung lòng người sâu thẳm…”

Vượt ra khỏi mọi quy phạm, miễn là mang lại mỹ cảm cao nhất cho người nghe, “Tiếng đàn bầu” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc phổ thơ Lữ Giang đã làm được điều này

Là người Việt Nam, hiếm người không biết đến cây đàn bầu. Đó là một nhạc cụ vô cùng độc đáo, chỉ Việt Nam mới có. Nó độc đáo vì chỉ có 1 dây (nên còn gọi là độc huyền cầm) nhưng âm sắc rất quyến rũ: da diết, nỉ non, thống thiết, ai oán, có sức lay động lòng người mãnh liệt. Nhà thơ Lữ Giang đã có một bài thơ rất thành công về đàn bầu với ý tứ độc đáo và sâu sắc tạo điều kiện cho nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc phổ thành một bài hát thật hay, bài “Tiếng đàn bầu”.

Ngay câu mở đầu của bài hát đã rất ấn tượng, gieo vào người nghe âm sắc rõ nét, riêng biệt của tiếng đàn bầu: “Lắng tai nghe đàn bầu, thánh thót trong đêm thâu”. Hai tiếng nghe và đêm được hát luyến tới 4 và 5 nốt nhạc, cộng với những nốt hoa mĩ (luyến phụ) khác, khiến ta hình dung cái cần đàn bầu (tay trái) uốn lượn, nhấn nhá tạo nên âm thanh rất độc đáo. Tất cả hồn, vía của người chơi đàn dồn hết vào cái tay trái thần diệu.

Hai tác giả khai thác cái hồn sâu thẳm ẩn chứa, vùi lấp trong tiếng đàn bầu bằng những lời gan ruột. Phải cảm xúc lắm, sâu sắc lắm, phải trải nghiệm cuộc đời lắm mới có thể viết: “Tiếng đàn bầu của ta, cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha. Ngân nga em vẫn hát...”. Bao nhiêu trong trẻo, mềm mại, thanh thoát thuộc về mẹ, bao nhiêu thâm trầm, lắng đọng, phong trần thuộc về cha. Và em đã hát về tất cả những điều đó. Nhưng tiếng đàn đâu phải chỉ nói về mẹ, về cha? Bởi đây là những tình cảm thiêng liêng muôn thuở đối với bất cứ ai. Điều nhà thơ muốn nói có tầm cao, khái quát, lớn lao hơn, nó thuộc về cái ta, chứ không chỉ dừng ở cái tôi.

Nghe bài hát Tiếng đàn bầu
Nghệ sĩ Kiều Hưng thể hiện

Ca sĩ Trọng Tấn

Ca sĩ Quang Hào

Còn nhạc sĩ, khi phổ thành bài hát cũng đã đẩy lên đúng vị trí âm thanh cần thiết nhất: “Tiếng đàn bầu Việt Nam ngân tiếng vàng trong sáng”. Tiếng sáng đã ứng với nốt nhạc cao nhất của bài và được ngân rất dài tạo một dáng vóc, tư thế thật đàng hoàng, đĩnh đạc, bề thế cho Việt Nam. Hai từ này đã được vang lên trong rất nhiều bài hát, nhưng riêng ở bài "Tiếng đàn bầu" có một thần thái riêng. Đó chính là lúc thì cung thanh, lúc lại cung trầm. Hai cung bậc âm thanh đối tỷ ấy chính là những thăng trầm, biến động của lịch sử đất nước trải mấy ngàn năm, đã chứng kiến những cuộc biến thiên dâu bể. Và tất cả những điều đó đã in dấu ấn trong mỗi con người khiến họ gắn bó bền chặt số phận mình với số phận của đất nước.

Tôi cho rằng câu hay nhất trong bài chính là “Ôi! Cung thanh, cung trầm rung lòng người sâu thẳm”. Đến đây, mọi cảm xúc về đất nước, dân tộc dồn lại ở 5 tiếng Việt Nam! Hồ Chí Minh! Nhà thơ đã viết nên 5 chữ thật tự nhiên, không một chút khiên cưỡng, cứ như là đến đó ắt phải thế, không thể khác. Và nhạc sĩ dẫn dắt giai điệu phát triển cũng rất “logic”, thoải mái, tự nhiên để dẫn đến kết bài.

Ở lời 2, quả là tiếng đàn bầu đã rất đắc địa để chuyển tải một nội dung thật sâu sắc mà nếu diễn tả không khéo giữa nhạc và lời dễ bị gượng ép. Nhưng Nguyễn Đình Phúc đã không thể lựa chọn được đường nét âm nhạc nào đắt, đích đáng hơn: “Tiếng đàn bầu thuở xưa, cung thương Kiều nức nở. Than mình chẳng tự do. Bi ai dân mất nước. Não nuột từng đường tơ...”.

Không lấy bất cứ một làn điệu dân ca cụ thể nào làm chất liệu, nhưng nhạc sĩ đã tạo nên một giai điệu đậm đà hơi thở dân gian. Điều đó chứng tỏ vốn liếng dân ca của Nguyễn Đình Phúc rất phong phú, đã ngấm vào máu thịt ông để khi cần ông có thể tạo ra một thứ đặc sản dân tộc riêng của mình, (ta còn bắt gặp cách sáng tạo giai điệu kiểu này trong bài Gửi anh đi đầu quân - một ca khúc nổi tiếng ông viết trong cuộc kháng chiến chống Mỹ với bút danh Nguyễn Thơ).

Sinh thời, được hỏi về kết cấu, bố cục của “Tiếng đàn bầu”, Nguyễn Đình Phúc nói: “Khi viết, mình đâu có để ý bài hát ở thể mấy đoạn. Chỉ biết thơ anh Lữ Giang như thế, hàm súc và cô đọng, ý tứ rất sâu sắc, mình cần chuyển nó thành bài hát, sao cho không để mất những ý quan trọng của anh ấy và khi hát lên, thấy ổn, mọi người dễ nhập tâm. Vậy thôi”. Đối chiếu với lý thuyết tác khúc, thì phân tích "Tiếng đàn bầu" là 1 đoạn hay 2 đoạn đều được, nhưng có lẽ xem xét bài này thuộc hình thức 1 đoạn có mở rộng thì có lẽ ổn hơn. Nhưng nghệ thuật luôn có quy luật riêng. Đó chính là nhiều khi nó chẳng theo một khuôn mẫu, kiểu cách (mode) nào, mà biến hóa khôn lường, vượt ra khỏi mọi quy phạm, miễn là mang lại mỹ cảm cao nhất cho người nghe. “Tiếng đàn bầu” chính là tác phẩm nằm trong trường hợp này.

Từ khi ra đời (1972), “Tiếng đàn bầu” đã khẳng định sức sống trong đời sống tinh thần của công chúng. Bài hát hay nhưng để hát thành công không dễ. Ca khúc này đòi hỏi một giọng hát mềm mại, ngọt ngào, nuột nà, nhấn nhá, rõ lời thay vì những giọng hát chỉ quan tâm đến độ vang, độ dày, phô bày những kỹ thuật thanh nhạc đơn thuần.

Cả hai tác giả đã vĩnh biệt chúng ta. Nhưng “Tiếng đàn bầu” thì vẫn luôn vang vọng ngọt ngào, tha thiết trong tâm khảm những người Việt luôn đau đáu một tình yêu đất nước nồng nàn, cháy bỏng mà bình dị, đơn sơ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên