Chất lượng nhân sự làm phim Việt Nam: Có thật “yếu như lời đồn”?

VOV.VN - Lâu nay chúng ta hay nghe mệnh đề "nhân sự ngành phim Việt Nam còn yếu, vì thế mà chưa có phim hay". Sự thật có phải vậy không?

Cuối năm 2021, siêu phẩm truyền hình Hàn Quốc "Squid Game" làm mưa làm gió trên nền tảng phim trực tuyến Netflix, phá các kỷ lục về số giờ xem, đoạt liên tiếp các giải thưởng. VOV là một trong những cơ quan báo chí đầu tiên phát hiện ra thông tin: Có một ê-kíp người Việt đóng góp vào thành công của Squid Game. Cụ thể, trong phần credit chiếu sau khi phim kết thúc, một loạt những cái tên người Việt xuất hiện ở mục Digital Artists (tạm dịch: nghệ sỹ thực hiện kỹ thuật số). Quản lý dự án VFX (viết tắt của Visual Effects - kỹ xảo, hiệu ứng hình ảnh) là 2 người Việt có tên Mai Vân và Thanh Thắng. Ở hạng mục sản xuất, cái tên Nguyễn Trân xuất hiện bên cạnh một tên người Hàn Quốc.

Đơn vị thực hiện các hạng mục công việc này cho Squid Game là OPIM Digital, một công ty chuyên thực hiện giai đoạn xử lý hậu kỳ VFX cho phim, TVC (phim quảng cáo), MV (video ca nhạc) và các chương trình truyền hình của Hàn Quốc, Trung Quốc; có trụ sở tại cả TP.HCM và Seoul (Hàn Quốc). 

Mới đây, "'Maika – Cô bé từ hành tinh khác", 1 trong 2 phim điện ảnh đề tài gia đình, đã vượt qua hàng trăm phim cùng chủ đề từ khắp nơi trên thế giới, được LHP danh tiếng Sundance chọn trình chiếu. Đạo diễn Hàm Trần chia sẻ, anh thực hiện bộ phim đúng giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, gặp rất nhiều khó khăn, không thể gửi phim đi đâu để thực hiện.

Nhưng “cái khó ló cái khôn”, chính điều đó khiến Hàm Trần phải tìm cách thực hiện toàn bộ các công đoạn sản xuất – hậu kỳ tại Việt Nam, từ đó anh khám phá ra rằng, tiêu chuẩn kỹ thuật trong nước hoàn toàn đủ để thực hiện một phim chuẩn Hollywood: “Rất tự hào là phim này hoàn toàn làm ở Việt Nam: âm thanh - chỉnh màu - hậu kỳ - kỹ xảo hoàn toàn thực hiện ở Việt Nam chứ không phải nước ngoài, mà lại trong thời kỳ Covid nữa. Đây là điều khiến cho mình rất tự hào”.

Đạo diễn Hàm Trần cho biết anh mang quốc tịch Mỹ, trải qua quá trình học làm phim ở Hollywood, có nhiều va đập với nhân sự làm phim đủ các quốc tịch ở khắp nơi. Nhưng đến khi trở về Việt Nam anh đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác vì trình độ kỹ thuật trong nước khá cao, chẳng kém gì tiêu chuẩn chung của thế giới. “Mình thấy là không chỉ có người nước ngoài mới giỏi đâu! Người Việt Nam cũng rất giỏi mà. Khi mình nhìn vào lĩnh vực công nghệ thì nhiều thứ người Việt Nam là số 1 đó chứ! Nhiều app do người Việt sáng tạo được đánh giá rất cao. Đâu phải muốn làm hay, làm giỏi là cứ phải nhờ người nước ngoài giúp mình”, đạo diễn gốc Việt nói.

Cùng chung nhận định với Hàm Trần, đạo diễn người Mỹ Aaron Toronto bày tỏ sự thán phục trước ê-kíp dàn dựng hiện trường, âm thanh, ánh sáng, đạo diễn hình ảnh (D.O.P) của phim điện ảnh "Đêm tối rực rỡ" mà anh vừa thực hiện. Học điện ảnh tại UCLA (Đại học California ở Los Angeles), cái nôi đào tạo nhiều nhà làm phim giỏi ở Hollywood, Aaron Toronto nhận xét rằng, đạo diễn hình ảnh của "Đêm tối rực rỡ" Nguyễn Khắc Nhật đã thực hiện công việc rất xuất sắc. Phần màu sắc trong phim vừa ấn tượng, vừa có độ tương phản cao, đóng góp hiệu quả vào nội dung (mỗi màu đại diện cho tính cách tiêu biểu của nhân vật).

“Đối với mình phần hình ảnh trong phim rất đẹp", đạo diễn Aaron Toronto nói. "Phải hiểu được nguyên tắc sáng tạo. Khi làm việc cùng nhau, mình phải cho phép sự sáng tạo của nhau hỗ trợ trong công việc chung. Miễn sao mình được làm việc với những người xuất sắc thì mình có thể tạo ra sản phẩm chất lượng quốc tế”.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, từng thực hiện những bom tấn của điện ảnh Việt Nam như "Em là bà nội của anh", "Trạng Tý", sắp tới đây là "Em và Trịnh", cũng luôn bày tỏ sự trân trọng đối với tài năng của các đạo diễn – nhà làm phim, đội ngũ sản xuất trong nước, dù bản thân anh cũng trải qua nhiều năm "dùi mài kinh sử" trong môi trường đạo tạo điện ảnh ở Hollywood: “Mình không bao giờ có suy nghĩ là, tôi ở Mỹ về tôi sẽ giỏi hơn mọi người, hay là ở Mỹ người ta làm như thế thì mình phải làm theo người ta. Quá trình đi học ở Mỹ cho mình hiểu một điều, có những cách ở Mỹ người ta thực hiện một cách hiệu quả nhưng ở mình thì chưa chắc. Cái gì ở Việt Nam đang thực hiện hiệu quả thì mình đừng có mất công thay đổi nó làm gì”.

Nhận xét trên của những con người có quá trình “thực chiến”, trải nghiệm và va đập làm phim ở Việt Nam cho chúng ta thấy một điều: Chất lượng nhân sự kỹ thuật của chúng ta chẳng hề kém cạnh thế giới chút nào. Nhưng tại sao chúng ta vẫn ít (hoặc chưa có) phim hay?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, người có hơn 10 năm hoạt động trong ngành phim, từng trải qua cả công việc làm phim lẫn đào tạo nhân sự nội bộ cho các đoàn phim giải thích: “Nếu nói hoạt động đào tạo nhân sự của chúng ta chưa tốt thì chắc chắn không đúng, nhưng nếu nói hoạt động đào tạo của chúng ta đã tốt rồi thì cũng không đúng luôn! Tại sao lại như thế?

Vì theo thuật ngữ quốc tế, nhân sự trong ngành điện ảnh chia làm 2 mảng: mảng thứ nhất là thành phần nhân sự Below the line - những người thực hiện các tác vụ nhỏ, tác vụ kỹ thuật. Trong việc đào tạo nhân sự của mảng này phải nói chúng ta làm rất tốt. Có rất nhiều cơ sở đào tạo cũng như các cá nhân liên tục thực hiện những khóa đào tạo để tạo ra nguồn nhân lực mạnh mẽ. Kết quả là, hoạt động sản xuất – gia công cho cả các nhà sản xuất Việt Nam lẫn làm thuê cho nước ngoài, hay làm phim quảng cáo (TVC) đều luôn có nguồn nhân sự rất tốt”.

Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, hiện nay vẫn chưa có khái niệm tiếng Việt tương ứng để nói khái niệm "Below the line". Chỉ có thể hiểu rằng, Below the line chỉ các vị trí chịu trách nhiệm về công việc hàng ngày của đoàn phim như: Sản xuất hiện trường, soạn nhạc, quay phim, thiết kế sản xuất, tổ âm thanh, tổ ánh sáng, phục trang, hóa trang, dựng phim, hòa âm, trợ lý đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật... Và như anh Hữu Tuấn đánh giá, chất lượng nhân sự của Việt Nam ở mảng này vô cùng tốt, cộng với lợi thế giá thành, độ tuổi nhân sự... biến chúng ta thành trung tâm gia công cho điện ảnh thế giới, cũng là lí do mà Netflix và nhiều hãng phim lớn đang muốn thâm nhập thị trường Việt Nam để khai thác lực lượng này.

Nhưng điều khiến chúng ta vẫn thiếu những bộ phim Việt hay mang tầm quốc tế nằm ở sự thiếu hụt nhân sự mảng còn lại: Above the line. Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn phân tích tiếp: “Cái chúng ta làm chưa tốt chính là việc đào tạo nhân sự ở mảng Above the line – những nhân sự mang tính quyết định trong việc làm phim. Những người này là những người đưa ra các quyết định về mặt sáng tạo, quyết định quan trọng... Đây mới chính là những người quyết định được bộ phim hay hay không?”.

Nhân sự Above the line (còn được gọi là ATL) trong ngành công nghiệp diện ảnh bao gồm: Đạo diễn, giám đốc sản xuất, nhà sản xuất, Biên kịch, giám đốc casting, D.O.P (đạo diễn hình ảnh). Các vị trí Above the line không chỉ đóng vai trò quan trọng trong sản xuất mà còn là bảo chứng quyết định dự án phim đó có kêu gọi được nhiều vốn hay không? Nếu các nhà đầu tư nhìn thấy những tên tuổi lớn ở các vị trí này, họ có thể quyết định đầu tư nhiều tiền hơn bởi điều đó đảm bảo cho sự thành công. Những gương mặt này ở Việt Nam hiện chưa có nhiều. Ngay cả một vài tên tuổi được coi là "bảo chứng doanh số phòng vé" vẫn có những khoảng cách nhất định với thế giới.

“Vì việc đào tạo cũng như trình độ con người còn hạn chế ở mảng Above the line nên chúng ta thấy, nhiều bộ phim được đầu tư rất nhiều tiền, sản xuất rất chỉn chu, nhưng bộ phim vẫn không hay. Có lẽ đây là điều khó thay đổi trong một sớm một chiều, vì đào tạo ra nhân sự kỹ thuật thì dễ, nhưng tạo ra một nghệ sỹ thì rất khó”, đạo diễn Hữu Tuấn nhận xét.

Ngành Công nghiệp điện ảnh Việt Nam đang tăng trưởng khả quan. Cả các nhà làm phim lẫn các báo cáo dựa trên con số cụ thể đều khẳng định điều này: Doanh thu từ công nghiệp điện ảnh hết năm 2019 đã vượt con số 150 triệu USD mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển Công nghiệp văn hóa (đạt sớm 1 năm so với chỉ tiêu). Trong giai đoạn từ năm 2014 – 2020, số lượng phim sản xuất trung bình từ 36 - 40 phim/năm, cũng vượt chỉ tiêu. Số lượng phòng chiếu trong cả nước hiện là 1.200 phòng chiếu, vượt chi tiêu 1.000 phòng chiếu đề ra trong bản chiến lược.

Nhưng làm thế nào để chất lượng tăng trưởng tương ứng với số lượng? Câu trả lời xin dành cho đơn vị hoạch định chiến lược, cơ quan quản lí nhà nước, đơn vị đào tạo và các nhà chuyên môn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

"Tọa độ hạnh phúc" - series phim du lịch Việt đầu tiên phát hành tại quốc tế
"Tọa độ hạnh phúc" - series phim du lịch Việt đầu tiên phát hành tại quốc tế

VOV.VN - Đáp ứng được loạt tiêu chí khắt khe về chất lượng hình ảnh, âm thanh, "Tọa độ hạnh phúc" là dự án travel drama Việt đầu tiên được phát hành tại Việt Nam và quốc tế.

"Tọa độ hạnh phúc" - series phim du lịch Việt đầu tiên phát hành tại quốc tế

"Tọa độ hạnh phúc" - series phim du lịch Việt đầu tiên phát hành tại quốc tế

VOV.VN - Đáp ứng được loạt tiêu chí khắt khe về chất lượng hình ảnh, âm thanh, "Tọa độ hạnh phúc" là dự án travel drama Việt đầu tiên được phát hành tại Việt Nam và quốc tế.

Doraemon trở thành phim hoạt hình có doanh thu cao nhất Việt Nam năm 2022
Doraemon trở thành phim hoạt hình có doanh thu cao nhất Việt Nam năm 2022

VOV.VN - Bộ phim điện ảnh mới nhất đến từ thương hiệu có tuổi đời 53 tiếp tục cho thấy sức mạnh đáng gờm của mình trên đường đua phòng vé Việt cuối tháng 5 - đầu tháng 6.

Doraemon trở thành phim hoạt hình có doanh thu cao nhất Việt Nam năm 2022

Doraemon trở thành phim hoạt hình có doanh thu cao nhất Việt Nam năm 2022

VOV.VN - Bộ phim điện ảnh mới nhất đến từ thương hiệu có tuổi đời 53 tiếp tục cho thấy sức mạnh đáng gờm của mình trên đường đua phòng vé Việt cuối tháng 5 - đầu tháng 6.

Cần có ưu đãi để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều đoàn làm phim quốc tế
Cần có ưu đãi để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều đoàn làm phim quốc tế

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội cho rằng việc đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các đoàn làm phim quốc tế sẽ giúp quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam, chuyển tải được những giá trị nhân văn cao đẹp, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Cần có ưu đãi để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều đoàn làm phim quốc tế

Cần có ưu đãi để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều đoàn làm phim quốc tế

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội cho rằng việc đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các đoàn làm phim quốc tế sẽ giúp quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam, chuyển tải được những giá trị nhân văn cao đẹp, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.