Đà Nẵng tiếp sức bảo tồn Bài chòi
VOV.VN -Cứ 2 ngày cuối tuần, ở công viên phía đông cầu Rồng, Đà Nẵng lại vang lên những câu hát Bài chòi, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.
Nghệ thuật Bài chòi là trò diễn xướng dân gian, một hình thức giải trí lành mạnh của người dân trong các dịp lễ, hội. Nghệ thuật Bài chòi Nam Trung bộ vừa được UNESCO vinh danh là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đây cũng là cơ hội tốt để bộ môn nghệ thuật này tiếp tục được bảo tồn, phát huy. Tại thành phố Đà Nẵng, Bài chòi đang nhận được sự quan tâm trong việc đầu tư để bảo tồn và phát huy giá trị vốn có của loại hình này. Phóng viên Phương Cúc tại miền Trung phản ánh.
Đưa bài chòi xuống phố biểu diễn là một trong những cách thành phố Đà Nẵng giữ gìn Nghệ thuật bài chòi. |
Buổi biểu diễn của Câu lạc bộ Bài chòi thuộc Trung tâm Văn hóa thành phố Đà Nẵng là một trong những cách để giữ gìn và bảo tồn Nghệ thuật Bài chòi. Trò chơi nghệ thuật dân gian này hiện được nhiều người biết đến và yêu thích.
Nghệ nhân Trịnh Công Sơn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bài chòi - Trung tâm Văn hóa Đà Nẵng cho biết, trong các dịp hội hè, lễ tết của người Đà Nẵng không thể thiếu vắng hội chơi bài chòi. Lời hô hát bài chòi được truyền miệng trong dân gian từ đời này qua đời khác, phản ánh tư duy thẩm mỹ bình dân nhưng mang đậm tính nhân văn của cư dân nông nghiệp miền Trung.
"Bộ môn Nghệ thuật Bài chòi vừa bình dị, vừa sâu lắng và vừa gần gũi với đời sống của nhân dân, nhất là nhân dân lao động. Nó gắn liền với những hành động lao động, sản xuất. Bộ môn này hết sức bình dị. Dù cho mọi người không học qua một trường lớp nào, không tốt nghiệp một lớp nghệ thuật nào, cũng có thể ê, a một vài câu lục bát, song thất lục bát" - Nghệ nhân Trịnh Công Sơn cho biết.
Câu lạc bộ Bài chòi Sông Yên biểu diễn phục vụ người dân và du khách. |
Bài chòi tồn tại như ngày hôm nay, một phần cũng nhờ tình yêu, niềm đam mê với nghề của những nghệ nhân dân gian. Thành phố Đà Nẵng hiện có 30 nghệ nhân làm hiệu trong các hội chơi bài chòi, gần 50 nghệ nhân có khả năng truyền dạy. Tuy vậy, phần lớn các nghệ nhân chưa có môi trường thuận lợi cho hoạt động.
Vất vả mưu sinh, nhưng mỗi khi có nơi mời diễn hay vào mùa lễ hội, nhất là dịp Tết, các nghệ nhân bỏ hết công việc lo đi diễn Bài chòi. Nghệ nhân ưu tú Đỗ Hữu Quế, Chủ nhiệm Câu lạc bộ bài Chòi Sông Yên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng có gần 30 năm lưu giữ, nghiên cứu bài chòi. Ông Quế mong muốn, các Câu lạc bộ, đội Bài chòi được hỗ trợ kinh phí và bố trí địa điểm hoạt động, để có cơ hội biểu diễn phục vụ người dân, giữ gìn Nghệ thuật Bài chòi.
Nghệ nhân Đỗ Hữu Quế cho rằng, "Mạnh dạn đề nghị chính quyền cũng như ngành chức năng Văn hóa - Thể thao nên có những chế độ, tạo điều kiện cho anh, chị, em nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực này để chúng ta đưa bộ môn Nghệ thuật Bài chòi của Trung bộ ngày càng lớn mạnh, phát triển hơn".
Ở thành phố Đà Nẵng có 9 nhóm câu lạc bộ bài chòi, trong đó 6 nhóm thành lập tự phát, 3 câu lạc bộ được sự trợ giúp của chính quyền địa phương. Các nhóm thành lập tự phát, kinh phí để hoạt động chủ yếu dựa vào đóng góp của các thành viên và khoản thu từ các buổi biểu diễn.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Đà Nẵng cho biết, Sở đã xây dựng chương trình hành động “Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Văn hóa phi vật thể Bài chòi” với các biện pháp cụ thể như: Hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các Câu lạc bộ, nhóm, đội và nghệ nhân Bài chòi thực hành, sáng tạo và truyền dạy có hiệu quả di sản trong cộng đồng; Hỗ trợ cộng đồng phục hồi, lưu truyền các bài bản cổ, các tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội liên quan đến di sản:
"Chúng tôi sắp đến sẽ củng cố những Câu lạc bộ Bài chòi để dàn dựng những chương trình phục vụ cho du khách. Chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Du lịch, với các đơn vị lữ hành đưa khách đến giới thiệu. Ví dụ như Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, chúng tôi định kỳ có những chương trình có lúc thì biểu diễn nghệ thuật Tuồng, có lúc thì biểu diễn Nghệ thuật Bài chòi để phục vụ du khách" - Ông Huỳnh Văn Hùng chia sẻ./.