Dân ca ví, giặm trong xã hội đương đại

Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca trong xã hội đương đại" tổ chức tại Nghệ An vào ngày 15/5

Ngày 15/5, tại TP Vinh, Nghệ An, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca trong xã hội đương đại (Trường hợp dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh)”. Đến dự có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên.

Dân ca ví, giặm là loại hình nghệ thuật trình diễn dân ca chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân Nghệ Tĩnh, trở thành nét bản sắc riêng của tiểu vùng văn hóa xứ Nghệ. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, loại hình sinh hoạt văn hóa này vẫn chứng tỏ sức sống lâu bền, tiếp tục được trao truyền và gìn giữ trong đời sống đương đại. Với những giá trị nhân văn và nghệ thuật độc đáo, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được Chính phủ Việt Nam đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào kỳ xét cuối năm 2014.

Các đại biểu thực tế tại CLB Dân ca Ví, Giặm Ngọc Sơn (H. Thanh Chương, Nghệ An)

Theo thống kê năm 2013, hiện nay tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có 260 làng có thực hành dân ca ví, giặm, 75 nhóm dân ca ví, giặm đang hoạt động với trên 1.500 thành viên. Với những giá trị văn hóa và nghệ thuật độc đáo, năm 2012, dân ca ví, giặm xứ Nghệ đã được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và hiện nay thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL đang xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Tại hội thảo, 80 tham luận của 60 nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và 20 nhà khoa học quốc tế đến từ nhiều nước, vùng lãnh thổ trên thế giới và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước và các nghệ nhân đến từ Nghệ An và Hà Tĩnh. Hội thảo chia thành 4 tiểu ban để thảo luận về 4 vấn đề: “Một số vấn đề lí thuyết, phương pháp tiếp nhận dân ca” ; “Nghiên cứu nghệ thuật và tính đa dạng của dân ca”; “Sự biến đổi và sức sống của dân ca”; “Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca”. Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu khẳng định trong các loại hình dân ca ở Việt Nam, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là một loại hình đặc biệt, chứa đựng những sáng tạo độc đáo của những cư dân Việt.

Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay, cũng như nhiều loại hình dân ca khác ở các địa phương của Việt Nam và trên thế giới, dân ca ví, giặm đang đứng trước những thách thức không nhỏ đối với việc bảo tồn và phát huy. Vì thế hội thảo khoa học quốc tế rất có ý nghĩa, ngoài việc thu thập thông tin, tư liệu về dân ca ví, giặm để tiếp tục hoàn thiện, bổ sung hồ sơ trình UNESCO thì những vấn đề khoa học thu hái được sau hội thảo sẽ là cơ sở để hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tiếp tục hoàn thiện các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, đồng thời đây cũng là cơ hội để hai tỉnh giới thiệu, quảng bá rộng rãi hơn di sản dân ca ví, giặm tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Trước đó, ngày 14.5, các đại biểu tham dự hội thảo đã tham dự sinh hoạt truyền dạy dân ca ví, giặm tại xã Ngọc Sơn (Thanh Chương, Nghệ An) và sinh hoạt diễn xướng dân ca ví, giặm phường nón tại xã Phù Việt (Thạch Hà, Hà Tĩnh)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên