Dân Huyền - Nhạc và Thơ

Dân Huyền từ quê hương Bác Hồ đến với Thủ đô Hà Nội, với Đài TNVN từ khi tóc còn xanh, nay đã phơ phơ đầu bạc. 50 năm gắn bó với Hà Nội, 42 năm gắn bó với Đài Tiếng nói Việt Nam, ông lập thân lập nghiệp tại đây

Từ một cán bộ phụ trách tuyên truyền văn nghệ của Nhà máy ô tô 1/5, năm 1967, ông về Đài TNVN. Ông kể: “Lúc mới về Đài, tôi được gặp ông Phạm Tuân, Trưởng ban Văn nghệ và ông Huỳnh Văn Tiểng, Phó Tổng biên tập Đài TNVN. Ông Tuân cười bảo: “Cậu về đây phải làm được mấy cái: một là viết được, hai là nói được, ba là làm được, bốn là hát được!”. Ông Tiểng thêm: “năm là tổng kết được!”. Khó đấy! Nhưng tôi hứa quyết tâm. Mấy hôm sau, hai nhạc sĩ đàn anh Lưu Bách Thụ và Nguyễn Mạnh Thường thử tay nghề. Các anh viết một dòng nhạc: Đô đô son pha mì rề. Lời: Đế quốc Mỹ điên cuồng lồng lộn. Xem xong tôi nghĩ: Gay đây! Hai chữ lồng lộn, nhất là chữ “lộn” - xuống nốt gì cũng chạm phải dấu huyền. Không thể được! Cuối cùng, tôi xin hai anh cho sửa lời: “Đế quốc Mỹ điên cuồng tàn bạo”. Nghe xong, hai anh cười gật đầu: - Được!”.

Càng làm, Dân Huyền càng thạo, càng say nghề. Ông đúc kết: “Nghề báo nói/ Thật vui ghê/ Khi đi “Vươn thở”/ Khi về “Tiếng thơ”/ Lúc đi/ Trời sáng mờ mờ/ Lúc về/ Hàng xóm khò khò ngáy ran/ Phải im lặng/ Thật nhẹ nhàng/ Lắm khi/ Ăn vội ăn vàng lưng cơm/ Phải giỏi bút/ Phải “giỏi mồm”/ Cả môn kỹ thuật ghi âm/Phải rành…” (Nghĩ về nghề). Bốn chục năm làm biên tập dân ca, ngày nào ông cũng nhận được hàng trăm thư từ khắp nơi gửi về. Trong đó, có những “cái nhầm” đáng yêu. Nhiều người tưởng Dân Huyền là nữ nên đã viết những dòng trìu mến: “Em Dân Huyền ơi/ Chị Huyền ơi/ Tình thư trên cả tuyệt vời yêu thương/… Chuyện vui chỉ biết/ cười khì!”. (Sự nhầm đáng yêu).

Chùa Trầm, một trong những cơ sở phát sóng của Đài TNVN trong kháng chiến. Mỗi năm Tết đến xuân về, Bác Hồ kính yêu thường đến đây đọc thơ chúc Tết. Vãn cảnh chùa, ông xúc động: “Bóng Bác mãi còn đây/ Nơi chùa Trầm lịch sử/… Lời kêu gọi kháng chiến/ Truyền đi từ nơi này/ Vang vọng khắp đó đây/… Ngàn năm sau vẫn nhắc/ Từ thế kỷ 20/ Tiếng nói dậy đất trời/…”.

Ông đi nhiều, viết nhiều, một số bài về Bác, về Hà Nội tạo được dấu ấn. Mới đây, ông ra tập “Chút tình Hà Nội” gồm 22 bản nhạc, 48 bài thơ (Nhà xuất bản Thanh niên) để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Biết ơn Lý Công Uẩn đã dựng lên cơ nghiệp Thủ đô, ông ngợi ca: “Không gian này ngày càng hoàn thiện/ Được lòng người được cả thiên nhiên/ Thời gian trôi ít khi tai biến/ Càng thương người ở khắp mọi miền/…”.

Bài hát “Bên lăng Bác Hồ” của ông đã nói hộ lòng người dân cả nước và kiều bào ta mỗi lần về Hà Nội được vào lăng viếng Bác: “Trời Ba Đình xanh trong tỏa hương sắc sen hồng/ Về thăm Bác hôm nay bao niềm thương xao xuyến trong lòng/…”. Bài hát nghĩa tình sâu đậm đó đã được làn sóng Đài TNVN truyền đi làm xúc động lòng người.

Thơ, nhạc của ông đượm chất dân ca không chỉ thổi hồn vào 36 phố phường, Hồ Gươm, Hương Tích, hoa Ngọc Hà, lụa Hà Đông, gốm Bát Tràng… mà còn đến với những thứ mà người Hà Nội thích: Tào phớ, cốm vòng, ngô nướng, phở, bánh trôi… “Người xinh/ đĩa bánh cũng xinh/ Nụ cười duyên dáng/ khi mình mời ta/… (Bánh trôi trong nỗi nhớ).

Sống lạc quan yêu đời, nhạc và thơ của ông có nhiều bài hài hước, hóm hỉnh. Thấy ông ở căn hộ tầng 4 khu tập thể của Đài, có người hỏi: “Sao nhạc sỹ ở cao thế?”. Ông cười và đọc thơ “Dân gian có câu/ Gần đất xa trời/ Với tôi ngược lại/ Gần trời xa đất/ Nhà không ở thấp/ Mà ở lưng trời/ Tâm hồn chơi vơi/ Trong làn gió mát/ Chỉ một câu hát/ Vang đầy không gian/ Chỉ một cung đàn/ Cũng vờn theo gió/… (Gần trời xa đất).

Có thể nói suốt đời ông chung thủy với dân ca, với Đài TNVN, với Hà Nội. Nghỉ hưu rồi ông vẫn bám sát Đài, làm chủ nhiệm câu lạc bộ “Đàn và hát dân ca”, sáng tác dân ca, dạy dân ca cho lớp trẻ. Với Hà Nội, ông tiếp tục làm thơ, viết nhạc. Trong bài “Trời thương”, tuy đã ở tuổi “cổ lai hy” rồi nhưng ông vẫn tự hứa: … “Khi nào trời gọi/ thì bay về trời/ Bây giờ không được nghỉ ngơi/ Phải luôn động não/ Để người khỏe ra/ Viết tiếp thơ, nhạc, dân ca/ Để trời thưởng thức vài ba trăm bài”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên