Đạo diễn Trọng Trinh: Nếu có “giá như”…

Hồi nhận làm phim “Gió qua miền tối sáng”, Trọng Trinh đã linh cảm rằng, biết đâu nó lại… vận vào mình. Thế mà đúng thật.

Khi bộ phim truyền hình gần 100 tập “Cầu vồng tình yêu” mà Trọng Trinh làm đạo diễn chính đang gây sốt trên truyền hình đi vào hồi kết, anh tiết lộ, vừa đạo diễn bộ phim dài 34 tập, sẽ ra mắt khán giả vào dịp gần cuối năm nay: “Tình yêu không hẹn trước”…

“SBC”: Một thời làm phim hồn nhiên

Bộ phim ‘SBC – Săn bắt cướp” của đạo diễn Trần Phương (gồm 2 phần: “Tôi sinh ra không phải để ngồi tù” và “Người đàn bà trong chiếc áo nữ tu”) làm mưa làm gió màn ảnh Việt những năm cuối thập niên 80.

Trong phim, Trọng Trinh vào vai chiến sỹ săn bắt cướp Năm Hà là một vai diễn để lại ấn tượng đẹp trong lòng công chúng. Đó là hình ảnh một chiến sỹ công an với những pha đánh võ, điều khiển mô tô đẹp mắt, bay bổng với cuộc tình đẹp nhưng đầy vô vọng với nữ tu sĩ do Lê Khanh thủ vai.

Đạo diễn Trọng Trinh (giữa) trong một lần chỉ đạo diễn xuất

Trọng Trinh chia sẻ, có lẽ ở vai diễn này, anh được là chính mình, vì nó gần với hình ảnh Trọng Trinh ngoài đời. Anh cho rằng, có lẽ đó là thời làm phim hồn nhiên nhất. Nghệ sĩ vào nghề rất “máu lửa”, làm nghề là cháy hết mình. Những màn rượt đuổi nguy hiểm như kiểu từ môtô đánh đu lên chiếc xe tải đang chạy với vận tốc lớn là một sự liều lĩnh, chỉ một cú trượt chân ngã có thể “ăn” luôn bánh xe sau…

Vậy mà cứ say mê diễn. Những màn quần nhau lấm lem bùn đất từ sáng đến tối với tướng cướp Bạch Hải Đằng khiến người đau ê ẩm, nhưng cuối cùng khi biên tập lại phim chỉ còn một cảnh ngắn. Nhưng phần thưởng quý giá nhất là được công chúng ghi nhận. Và từ vai chiến sỹ Năm Hà đẹp trai giỏi võ khiến nhiều thiếu nữ mê màn bạc hồi ấy coi anh như thần tượng, thư viết tay được gửi đến tới tấp, đến mức Trọng Trinh phải nhờ người bạn là một nhà báo trả lời hộ để đáp lại tình cảm của người hâm mộ.

“Săn bắt cướp” là một dự án phim nhựa lớn, hội tụ những diễn viên nổi tiếng của màn bạc thời bấy giờ: Lê Khanh, Thương Tín, Trọng Trinh; nhà quay phim Phạm Việt Thanh… Những nghệ sĩ tên tuổi là những cộng sự tốt để làm nên thành công của bộ phim.

Hồi ấy, thời gian làm phim rộng rãi hơn (vì diễn biên không chạy sô như bây giờ), nên diễn viên khi nhập vai cũng đầu tư hơn, nghiên cứu kịch bản nghiêm túc hơn. Ngoài chuyện thuộc kịch bản, còn để ngấm dần với nhân vật, với câu chuyện trong phim. Nên khi ra trường quay, diễn viên chỉ việc “phiêu” cùng nhân vật.

Sau vai diễn này, Trọng Trinh nhận một loạt vai hoàn toàn khác so với mình trong các phim “Hai năm nữa anh về”, “Người đàn bà nghịch cát”, “Gánh hàng hoa”, “Người rừng”… đều là những bộ phim để lại nhiều dấu ấn cho điện ảnh Việt những năm 1990.

Đây là những vai nội tâm phức tạp mà sau mỗi bộ phim được khóa máy, anh phải mất một thời gian để thoát ra khỏi nhân vật. Đặc biệt là vai nhà sư Minh Tâm trong phim “Hai năm nữa anh về”, thực chất là một chiến sĩ hoạt động nằm vùng, một vai diễn luôn có sự giằng xé, bức bối về nội tâm, chủ yếu được diễn bằng ánh mắt. Hay khi phim “Người rừng” quay xong, Trọng Trinh đã cạo trọc đầu ngay (trái ngược với hình ảnh một người rừng tóc tai dài thượt) để quên đi vai diễn.

Sau vai chính trong hơn 30 tập phim “Gió qua miền tối sáng” – một bộ phim nằm trong dự án phòng chống HIV/AIDS khá thành công năm 1996, Trọng Trinh đi học đạo diễn, cuộc đời làm nghệ thuật của anh bước sang một trang khác…

Đạo diễn phải luôn biết giữ lửa

Cầu vồng tình yêu” do Trọng Trinh làm đạo diễn chính là bộ phim truyền hình dài tập nhất từ trước đến nay với gần 100 tập, diễn viên cũng đông nhất từ trước đến nay, được xây dựng từ kịch bản cùng tên của Hàn Quốc.

Quan niệm sống của Đạo diễn Trọng Trinh: “Để hài lòng với cuộc sống thì rất khó, rốt cuộc vẫn là “tự do muôn năm!”

Đạo diễn Trọng Trinh hiện là Trưởng phòng nội dung 3 – Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam.

Những phim đã tham gia để lại nhiều ấn tượng: Săn bắt cướp, Người đàn bà nghịch cát, Gánh hàng hoa, Gió qua miền tối sáng, Hai năm nữa anh về, Những công dân tập thể, Cầu vồng tình yêu…

Đạo diễn các phim: Sân tranh, Sang sông, Ban mai xanh, Cầu vồng tình yêu, Tình yêu không hẹn trước…

Ban đầu, khi nhận kịch bản, anh khá lo lắng vì dư luận có vẻ phản ứng với việc “hán hóa” phim Việt, khi khán giả gần như “bội thực” với phim Hàn Quốc. Nhưng khi những tập đầu bộ phim phát sóng, với bối cảnh Việt, văn hóa Việt, câu chuyện mang màu sắc Việt… đã thu hút lượng lớn khán giả - những người lâu nay vốn thờ ơ với phim truyền hình Việt, khiến anh thở phào.

Có khán giả còn cho rằng, “Cầu vồng tình yêu” như một phép màu nhuộm hồng cho phim truyền hình Việt Nam trong thời điểm “hạn hán”. Thậm chí, phần âm nhạc bộ phim cùng hai ca khúc “Hãy mở cửa tình yêu” và “Cám ơn cuộc đời” đang khiến khán giả tuổi teen phát sốt.

Bộ phim đã hóa giải những nghi ngờ của khán giả về vấn đề “Việt hóa phim Hàn” của phim truyền hình Việt Nam. Phải tới 50% diễn viên trong phim là nghiệp, nhưng lại đảm nhận phần lớn vai chính: người mẫu Hồng Diễm, người mẫu Hải Anh, MC Phan Anh… nhưng diễn khá chuyên nghiệp. Thành công này do diễn viên được “rơi đúng vai” khi đạo diễn casting diễn viên chuẩn.

Trọng Trinh cho rằng, để bộ phim thành công, đạo diễn luôn phải kiểm soát được diễn xuất của diễn viên, làm sao giữ được nhịp cảm cho diễn viên, bởi nếu diễn viên diễn xuất không “cảm” được thì khán giả cũng khó rung động. Điều quan trọng, người đạo diễn luôn phải là người giữ lửa cho đoàn phim.

Với vai trò đạo diễn, Trọng Trinh luôn để diễn viên của mình được quyền sáng tạo, để họ được diễn đúng với những gì họ cảm nhận được, nên đôi khi hiệu quả của bộ phim cao hơn so với tinh thần ban đầu. Theo Trọng Trinh, đây chưa phải là bộ phim thành công nhất với anh, nhưng anh đã được sống trong một môi trường làm phim cực kỳ chuyên nghiệp.

Trước đó, Trọng Trinh cũng từng thành công trong vai trò đạo diễn với các phim: “Sân tranh”, “Sang sông” (đoạt giải Liên hoan phim truyền hình), phim dài tập “Ban mai xanh”… Bộ phim đầu tay anh đạo diễn cũng được người xem yêu thích là “Mưa dầm ngõ nhỏ” năm 1997.

Từ “nghiệp” trong phim đến “nghiệp” ngoài đời

Những nhân vật mà Trọng Trinh đảm nhận, cả điện ảnh lẫn trên sân khấu, mỗi người một tính cách khác nhau nhưng hầu hết có số phận thua thiệt, không thì cũng khúc khuỷu, trúc trắc trong chuyện tình cảm.

Hồi nhận làm phim “Gió qua miền tối sáng”, Trọng Trinh đã linh cảm rằng, biết đâu nó lại… vận vào mình. Thế mà đúng thật. Cuộc hôn nhân đầu tiên đổ vỡ khi họ đã có hai cậu con trai. Và khi đang vào vai ông bố cưới người vợ hai ngang tuổi 2 cậu con trai trong phim “Cầu vồng tình yêu”, Trọng Trinh kết hôn lần thứ hai, phim và đời như là một. Tưởng anh đang viên mãn với hạnh phúc mới, nhưng Trọng Trinh lại trầm ngâm: “Để hài lòng với cuộc sống hiện tại thì rất khó. Rốt cuộc vẫn là “tự do muôn năm!”.

Nếu như cuộc hôn nhân đầu tiên của anh đổ vỡ vì họ thiếu sự quan tâm chia sẻ lẫn nhau, mạnh ai người ấy sống, cái sự đi và ở của anh trong ngôi nhà không quan trọng; thì ở cuộc hôn nhân thứ hai lại trái ngược, đôi khi nhận được sự quan tâm một cách thái quá cũng dẫn đến cảm giác ngột ngạt. Người nghệ sĩ thì lãng đãng, phiêu bồng, vô giờ giấc và vô nguyên tắc, nếu người vợ không cùng nghề thì khó có thể chia sẻ.

Có những đêm đang ngủ, Trọng Trinh bật dậy ra cửa đốt thuốc, trầm ngâm nghĩ ngợi…, vợ không hiểu dễ nghĩ mình có người khác… Chính cái sự vô nguyên tắc ấy đã tạo nên những vết xước trong hôn nhân. Cuộc sống gia đình viên mãn chỉ khi mỗi người đều tuân thủ những nguyên tắc, nghiêm túc và vì người khác. Nhưng với người nghệ sĩ, chính cái sự nguyên tắc và khi anh sống quá nhiều vì người khác, dễ mất đi cái tôi cá nhân, mất đi sự sáng tạo…

Những trục trặc trong hôn nhân, anh cho rằng, chung quy cũng chỉ tại mình.

Từng đóng cặp với những giai nhân một thời của điện ảnh Việt như Phương Thanh, Thanh Quý, Lê Khanh, Lê Vy, Như Quỳnh, Minh Châu…, nhưng Trọng Trinh cho rằng không hiểu sao anh không có duyên “phim giả tình thật” với bạn diễn như nhiều diễn viên khác. Khi mỗi bộ phim kết thúc, thoát khỏi nhân vật, anh cũng thoát luôn khỏi câu chuyện tình yêu từng khiến anh rung động sâu sắc khi nhập vai…

“Âu cũng là cái nghiệp, có lẽ cái nghiệp của mình quá lớn khiến mình phải trả giá”. Và một trong những cuốn sách mà Trọng Trinh thích có tựa đề: “Giá như…”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên