Dấu ấn văn hóa 2015: Loanh quanh chuyện danh hiệu
VOV.VN -Danh hiệu là sự ghi nhận tài năng và quá trình cống hiến của các nghệ sĩ, nghệ nhân và xung quanh câu chuyện này cũng còn lắm điều phải bàn.
Nếu Nghệ sĩ nhân dân là một danh hiệu cao quý nhất Nhà nước tôn vinh đối với các nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp thì Nghệ nhân ưu tú được xem là danh hiệu cao nhất về mặt Nhà nước đối với các nghệ nhân dân gian – báu vật sống trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Trong khi với từ khóa “Phong tặng nghệ sĩ nhân dân 2015” chúng ta có 580 nghìn kết quả trên Google trong 0,51 giây thì với từ khóa “phong tặng nghệ nhân ưu tú”, chỉ trong 0,46 giây, Google đã cho ra đến 873 nghìn kết quả. Điều đó cho thấy sự quan tâm của công chúng đối với chuyện vinh danh các nghệ nhân dân gian như thế nào. Bởi xung quanh câu chuyện này, cũng còn lắm điều phải bàn.
“Xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú: Hết nạc vạc đến xương”; “Chạy phiếu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú”; “Lùm xùm danh hiệu NSND, NSƯT: Hé lộ những 'thâm cung bí sử'”; “Nghệ sĩ "kêu oan" vì trượt danh hiệu NSƯT: Có “oan” cũng không được xét lại?”… Đây chỉ là một phần nhỏ trong hàng trăm bài báo về những lùm xùm quanh đợt xét tặng NSUT, NSND lần thứ 8, năm 2015. Mở đầu là loạt bài nghi vấn “chạy phiếu”, rồi những bài viết đưa ra những cái tên chưa thật xứng đáng để được xét tặng, đến cao trào là phanh phui sự không trung thực của nghệ sĩ được xét tặng, rồi dọa nạt, kiện tụng trong giới nghệ sĩ…. Những vụ việc như vậy đã ít nhiều làm xấu đi hình ảnh những nghệ sĩ trong mắt công chúng, khiến người ta hoài nghi về tính nghiêm túc của việc xét tặng những danh hiệu này.
Trước những luồng dư luận trái chiều về việc xét tặng danh hiệu cho nghệ sĩ, nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, người 7 lần được ngồi ghế Hội đồng xét tặng phải thốt lên rằng “Không ý kiến mới lạ!” Theo ông, để đưa ra danh sách các nghệ sĩ được đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú lần thứ 8, Hội đồng đã làm việc rất công tâm. Người được phong, phải được 90% thành viên Hội đồng bỏ phiếu thông qua (khác với những lần trước là 75%).
Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân – Nghệ sĩ ưu tú được nhà nước trao tặng đợt đầu tiên vào năm 1984 cho những nghệ sĩ tài năng bậc nhất của Việt Nam trong các lĩnh vực nghệ thuật như: Trà Giang, Hồng Sến, Phùng Há, Đặng Thái Sơn, Trùm Thịnh, Cả Tam… Đây là những nghệ sĩ được giới chuyên môn đánh giá cao, công chúng mến mộ, tác phẩm nghệ thuật họ trình diễn hay sáng tạo đã trở thành mẫu mực, kinh điển cho ngành nghệ thuật.
Nếu ở lần đầu trao tặng, danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú là một sự công nhận không chỉ ở sự cống hiến, phục vụ quần chúng nhân dân mà còn là tài năng xuất sắc, gồm cả trình độ chuyên môn, năng khiếu cá nhân, thì ở lần xét tặng thứ 8 này danh hiệu như mất thiêng bởi những quy định có phần xem nhẹ chất lượng, đặt nặng số lượng Huy chương. Dẫn đến người xứng đáng thì không được xét, người tài năng “vừa phải” nhưng có nhiều Huy chương – lại được phong tặng, dù công chúng khó ai nhớ nổi một tác phẩm nào xuất sắc của họ. Nghệ sĩ ưu tú Chu Lượng, Nhà hát múa rối Thăng Long nhận định: "Tôi cho rằng với hình thức xét duyệt như hiện nay sẽ khiến người nghệ sĩ đích thực không phấn đấu để giành danh hiệu này nữa. Với người nghệ sĩ đích thực thì danh hiệu này chỉ là một phần thôi còn sự cống hiến cho công chúng, cho nghề nghiệp… những điều đó quan trọng hơn là danh hiệu. Với cách đánh giá bây giờ thì ngay bản thân tôi là một nghệ sĩ đã được phong tặng danh hiệu rồi thì tôi vẫn nhìn nhận đây là cơ chế xin cho".
Những nghệ nhân Hà Nội được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" lần thứ nhất. |
Trong năm 2015 việc vinh danh Nghệ nhân ưu tú “bị” mượn danh để trục lợi. Đỉnh điểm là vụ Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa dân tộc Việt Nam phối hợp với Công ty cổ phần truyền thông - dịch vụ truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ vinh danh “Nghệ nhân văn hóa dân gian” cuối tháng 11 vừa rồi. Sự kiện được quảng bá rầm rộ này đã bị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đình chỉ vào giờ chót vì quá nhiều sai phạm, có dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa của Bộ để trục lợi, thông qua việc vận động nghệ nhân đóng góp từ hàng chục triệu đến cả tỉ đồng để được vinh danh. Ông Phan Đình Tân, Người phát ngôn của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phải lên tiếng: "Bộ ủng hộ các hoạt động văn hóa lành mạnh, đúng quy định, đóng góp cho xã hội, có những định hướng phát triển tốt. Nhưng chúng ta phải làm theo quy định và phải công khai, minh bạch và không nên mượn chuyện này để làm việc khác. Sẽ căn cứ vào các quy định để có thể đề nghị xử lý, thậm chí là truy tố nếu ai đó vi phạm".
Việc vinh danh nghệ nhân – những báu vật sống của văn hóa phi vật thể đã được Hội văn nghệ dân gian tổ chức từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên, các nghệ nhân chính thức được Chủ tịch nước ký quyết định công nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Dẫu nhiều nhà nghiên cứu cho rằng quy định phong tặng còn có vẻ cứng nhắc, mông lung thì đây vẫn là niềm vinh dự to lớn của các nghệ nhân dân gian trong cả nước. Nói như Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh thì: "Đây thật sự là điều đáng mừng. Đã có 618 nghệ nhân ưu tú do nhà nước phong tặng. Có thể nói đây là một bước tiến rạng rỡ đối với nghệ nhân. Nghệ nhân là những người lùi lũi ở những xóm làng chẳng ai biết đến họ cả nhưng họ lại đang giữ những gì còn lại của văn hóa dân gian. Nếu chúng ta không làm thì chúng ta sẽ mất luôn cả 2000 năm văn hóa, cho nên vai trò của người nghệ nhân rất lớn".
Năm 2015 đã khép lại, nhưng những ồn ào quanh chuyện phong tặng danh hiệu vẫn chưa thể kết thúc. Thời gian phong tặng Nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú đến nay vẫn chưa xác định. Còn việc vinh danh các nghệ nhân ưu tú - báu vật sống của di sản văn hóa phi vật thể thì được giao về cho các địa phương tự tổ chức.
Danh hiệu là sự ghi nhận tài năng và quá trình cống hiến của các nghệ sĩ, nghệ nhân đối với công chúng. Được công chúng đón nhận và mến mộ mới là thước đo chính xác nhất cho vị trí và chỗ đứng của mỗi nghệ sĩ, nghệ nhân trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình./.