Đề cử Hoàng Thành Thăng Long- Hà Nội là Di sản văn hoá thế giới

Các chuyên gia trong nước và UNESCO đánh giá đây là bộ hồ sơ chuẩn bị công phu, đảm bảo nội dung khoa học và hình thức thể hiện, giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản được xác định rõ

Chiều nay (2/10), Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa- Thành cổ Hà Nội tổ chức họp giới thiệu Hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long- Hà Nội là Di sản văn hoá thế giới.

Tại cuộc họp, bà Ngô Thanh Hằng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học nghiên cứu bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành Cổ Hà Nội nhấn mạnh, đây là một trong những hoạt động chính nhằm kỷ niệm 54 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/2008.

Bà Hằng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Uỷ ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam gửi Hồ sơ Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long- Hà Nội và Vườn Quốc gia Cát Tiên tới UNESCO trước ngày 30/9/2008. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký trực tiếp văn bản thể hiện sự quan tâm của Chính phủ và Nhà nước đối với Hoàng Thành Thăng Long, trung tâm chính trị, kinh tế đầu não của cả nước.

Hồ sơ gửi đi hoàn thành đúng tiến độ và đệ trình lên UNESCO đúng thời hạn quy định, đảm bảo cả về nội dung và hình thức. Các chuyên gia trong nước và UNESCO đánh giá đây là bộ hồ sơ chuẩn bị công phu, đảm bảo nội dung khoa học và hình thức thể hiện, giá trị nổi bật của khu di sản được xác định rõ.

Theo các chuyên gia, để đạt tiêu chuẩn là di sản văn hoá thế giới chỉ cần đáp ứng 1 trong 6 tiêu chí của UNESCO, trong khi đó Hoàng Thành có đầy đủ 6/6 tiêu chí: Tiêu chí dành cho những di sản có khả năng biểu đạt sự giao thoa lớn giữa các giá trị nhân văn trong một giai đoạn lịch sử hoặc trong một vùng văn hoá của thế giới, thể hiện sự phát triển của kiến trúc hoặc kỹ thuật, công trình nghệ thuật kỹ vĩ, các công trình quy hoạch đô thị hay các công trình tạo dựng cảnh quan; Tiêu chí dành cho các di sản có ý nghĩa như một minh chứng duy nhất hoặc ít nhất cũng là đặc thù của một truyền thống văn hoá hay một nền văn minh đang tồn tại hoặc vừa mất đi;  Tiêu chí dành cho những di sản có mối liên hệ trực tiếp hoặc rõ ràng với những sự kiện hay truyền thống còn hiện hữu trong cuộc sống hiện tại, với các tư tưởng hay tín ngưỡng, với các tác phẩm nghệ thuật và văn học có giá trị nổi bật toàn cầu…

Giới thiệu nội dung hồ sơ, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa- Thành cổ Hà Nội cho biết, các hiện vật khảo cổ học, các công trình kiến trúc và hình thái đô thị của Hoàng Thành, trong gần 1.000 năm qua đều có giá trị kể lại câu chuyện lịch sử theo các tiêu chí trên.

Hoàng Thành Thăng Long- Hà Nội có giá trị nổi bật toàn cầu bởi nơi đây thể hiện rõ sự kết hợp hài hoà các phong cách kiến trúc châu Á, các kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị, nghệ thuật tạo hình và xây dựng cảnh quan quy mô lớn của hàng ngàn năm. Quá trình củng cố thể chế quốc gia của người Việt đã diễn ra song song với sự hình thành các nền văn hoá, các thể chế quốc gia khắp nơi trên thế giới trong hơn hai thập niên kỷ, góp phần tạo nên một bức tranh chính trị- văn hoá đa dạng không phải có riêng vùng Đông Nam Á mà là cả thế giới.

Sơ đồ Hoàng Thành - Thăng Long

Di sản Thăng Long- Hà Nội đảm nhiệm tốt vai trò đại diện cho cả một quá trình của lịch sử nhân loại, một phần nhờ rất nhiều các tư liệu văn hoá tìm thấy tại Khu Di sản, một phần nhờ bề dày lịch sử ngàn năm đã lắng đọng trong lòng Khu Di sản. Đây là nơi đa dạng văn hoá bậc nhất thế giới, nơi các nền văn hoá Bắc Á và Đông Nam Á gặp nhau.

Theo lịch trình, ngày 15/11/2008, Ban thư ký Uỷ ban Di sản thế giới sẽ có ý kiến phản hồi và góp ý kiến để Việt Nam hoàn thiện hồ sơ chính thức, nộp trước ngày 1/2/2009. Tháng 6 hoặc tháng 7/2009, Uỷ ban Di sản Thế giới sẽ họp khoa thường niên để xem xét và đánh giá hồ sơ di sản./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên