Đề xuất biến Hồ Gươm thành khu vực đi bộ
Để bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc, văn hóa, lịch sử của khu vực Hồ Gươm, cần chỉnh trang lại các công trình công cộng, cơ quan công quyền...
Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc văn hóa lịch sử hồ Hoàn Kiếm diễn ra ngày 8/10, tại Hà Nội thu hút được đông đảo sự tham gia của cán bộ Bộ Xây dựng, kiến trúc sư, nhà văn hóa lịch sử.
Tại đây, các đại biểu đều thống nhất rằng, di sản cấp Quốc gia đặc biệt - hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm) đứng trước nhiều thách thức lớn với công tác quy hoạch, đặc biệt là kiến trúc công trình.
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, giai đoạn từ giải phóng Thủ đô (năm 1954) đến nay, nhất là thời kỳ đổi mới, trải qua 7 lần quy hoạch chung, khu vực xunh quanh Hồ Gươm đã có những biến đổi. Quy hoạch chung được duyệt năm 1998 với chính sách đổi mới, hội nhập đã xuất hiện nhiều công trình xây dựng quanh không gian mở của lõi nội đô lịch sử này.
KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam - cũng cho rằng, khoảng 20 năm trở lại đây, kiến trúc quanh Hồ Gươm bị thay đổi theo hướng tiêu cực.
"Trước đây, kiến trúc chung quanh khu vực Hồ Gươm chủ yếu là nhà hai, ba tầng, nằm khiêm nhường dưới những tán cây cổ thụ, kể cả trụ sở công quyền như tòa Thị chính thành phố, nhà Bưu điện, Bách hóa tổng hợp (nay là Tràng Tiền Plaza)… rất hài hòa với cảnh quan. Sau này, vì lợi ích kinh tế, các chủ đầu tư trong và ngoài nước đã xây nhiều công trình trụ sở văn phòng, ngân hàng có khối tích lớn, lừng lững mười mấy tầng, mặt ngoài ốp kính màu trông như bức tường thành bao bọc lấy hồ Gươm, biến hồ như một cái ao", ông Tùng nói.
KTS Nguyễn Khánh Duy chỉ ra tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, chạy dọc suốt mặt tiền dài nhất và có lẽ là quan trọng nhất của hồ Hoàn Kiếm, nơi tọa lạc UBND thành phố, Bưu điện Trung tâm và nhiều trụ sở công cộng khác là hào ngăn lớn nhất với dải công viên vỉa hè bên Hồ Gươm. Bởi lẽ "gần như 90% lưu lượng xe cộ nườm nượp chạy qua đoạn đường này chẳng bao giờ dừng lại tại các địa chỉ trên", ông Duy cho biết.
KTS Nguyễn Xuân Anh, đại diện Viện quy hoạch đô thị nông thôn (Bộ Xây dựng) đồng tình rằng, "sự mở rộng về không gian của Hà Nội trong khoảng 30 năm gần đây giống như một vụ nổ lớn".
Quá trình tăng dân số (từ 53.000 người năm 1954 lên gần 7 triệu người năm 2012) không tỷ lệ thuận với sự cung ứng hạ tầng đô thị. Toàn bộ cấu trúc mở rộng bị thiếu hụt hạ tầng công cộng và xoay quanh sử dụng hạ tầng đô thị cũ của khu vực nội đô lịch sử. Hồ Gươm với không gian hữu hạn tiếp tục là trung tâm đáp ứng nhu cầu công cộng của một thủ đô lớn gấp 22 lần.
"Không phải chờ đến những ngày có sự kiện lớn mà cứ cuối tuần, không gian quanh hồ Gơm và các tuyến phố dẫn đến nó đã đầy ắp, tắc nghẽn người, phương tiện giao thông", KTS Xuân Anh nói.
Các công trình Hàm cá mập, cách sử dụng nhà hàng Thủy Tạ, phố bán túi da Đinh Tiên Hoàng, hàng rong nộm bò khô phố Hồ Hoàn Kiếm, mực nướng dưới chân tượng đài Cảm tử... đang bị bóp méo xuống dưới tầm chất lượng thẩm mỹ công cộng mà không gian Hồ Gươm từng có và cần phải có. Các công trình phong cách Pháp bị chen lấn lổn nhổn với kiến trúc thời mở cửa, di tích lâu đời của các triều đại xưa nay còn không nhiều.
Giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm ách tắc giao thông, làm tăng giá trị và chất lượng kinh doanh mặt phố, có nhiều không gian cho các hoạt động văn hóa, thưởng ngoạn... nhiều chuyên gia như: Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội Tô Anh Tuấn, KTS Vũ Hiệp, KTS Nguyễn Xuân Anh... đề xuất biến Hồ Gươm thành khu vực đi bộ.
Để thực hiện được ý tưởng này, theo ông Tô Anh Tuấn, Hồ Gươm phải là nơi tập trung các không gian di tích đặc sắc, có nhiều khu mua sắm, được kết nối với hệ thống giao thông ở các khu vực khác và không có bệnh viện, trường học, khu nhà cao tầng trong khu vực này.
Hiện tại, khả năng tiếp cận các khu vực khác của Hồ Gươm còn hạn chế, du khách bị bất tiện về chỗ gửi xe. Nhiều trụ sở cơ quan đóng xung quanh Bờ Hồ ít thuận lợi cho việc tổ chức đi bộ.
KTS Hoàng Thúc Hào (giải Nhì cuộc thi "Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận") đưa ra giải pháp kiến tạo chuỗi không gian mở liên hoàn chung quanh hồ bằng việc tạo dựng trung tâm văn hóa cộng đồng, quảng trường, bảo tàng…
Theo ông, nên bảo tồn hình thái khu phố cổ phía Bắc, nhà lô phố Pháp phía Nam, gìn giữ và chỉnh trang cấu trúc nhà trải dài theo mặt phố Lê Thái Tổ, ngôn ngữ kiến trúc công sở - hành chính của thời trước với cấu trúc kỷ hà đơn giản, trống lớn ở lõi.
Riêng khu điện lực, Sở Văn hóa hình thái lộn xộn, không đồng nhất, chủ trương tạo dựng trung tâm văn hóa cộng đồng kết hợp sân khấu biểu diễn ngoài trời, phía trong ôm lấy khoảng xanh trước đền Ngọc Sơn, phía ngoài công trình chia thành các khối nhỏ nên có khả năng đối thoại với kiến trúc lô phố. Phía bờ Tây nên thay tòa nhà ngân hàng thành Bảo tàng Hồ Gươm.
"Sự chuyển đổi này kết hợp với tượng - đền vua Lê tạo thành quần thể hồ Hoàn Kiếm linh thiêng với sự tích vua Lê trả lại gươm báu, giã từ chiến tranh, xứng đáng là biểu tượng cho Hà Nội - Thành phố vì hòa bình như danh hiệu UNESCO trao tặng", ông Hào phân tích.
KTS người Nhật Bản Ryosuke Kimura đề xuất xây dựng không gian đô thị môi trường khu vực Hồ Gươm thành không gian ngầm. PGS Lưu Đức Hải, nguyên Cục trưởng Phát triển đô thị, Bộ xây dựng, đề xuất phục dựng lại đền thờ vua Lê Thái Tổ trong quần thể khu tượng đài vua Lê và khu nhà hàng Lục Thủy (16 Lê Thái Tổ) để bảo tồn, phát huy nét đẹp lịch sử văn hóa, thể hiện sự trân trọng với vị anh hùng dân tộc.../.