Covid-19 để lại vết sẹo hằn sâu, con đường nào cho phát triển bền vững?

VOV.VN - Sự tăng trưởng sẽ khó có thể quay trở lại trạng thái mạnh mẽ như trước đây và dịch Covid-19 có thể để lại “những vết sẹo lâu dài” cho nền kinh tế.

Khi đại dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát, việc phong toả và thực hiện cách ly xã hội có thể được nới lỏng ở một vài nơi, nhưng phải nhìn nhận một thực tế đó là không dễ để giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Những nét phác họa về một tương lai khi Covid-19 không còn chi phối nhiều đời sống của chúng ta ngày càng rõ rệt, đặc biệt là tại châu Á.

Công nhân làm việc tại một công trình xây dựng ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã.

Vết sẹo lâu dài cho nền kinh tế

Sự tăng trưởng sẽ khó có thể quay trở lại trạng thái mạnh mẽ như trước đây và dịch bệnh có thể để lại “những vết sẹo lâu dài” cho nền kinh tế. Các động lực tăng trưởng cũng sẽ dịch chuyển. Thương mại sẽ bị cản trở bởi mong muốn của cả các chính trị gia và các nhà quản lý nhằm rút ngắn chuỗi cung ứng.

Đưa việc sản xuất các bộ phận, chi tiết quan trọng về "gần nhà hơn" có vẻ như là một cách làm tốt để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và các trung tâm sản xuất khác ở châu Á, để tránh trường hợp rơi vào tình huống bị gián đoạn không thể lường trước. Ngay cả khi virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19 chưa xuất hiện ở bất kỳ nơi nào trên thế giới thì các nước đều có “bản năng” đảm bảo nguồn cung an toàn bằng việc thúc đẩy sản xuất nội địa.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm có thể phải đối mặt với lực cản mạnh hơn trong những tháng tới và thậm chí có thể là những năm tới. Việc làm bị mất đi do dịch bệnh không thể nhanh chóng phục hồi: phải mất nhiều năm để mở rộng việc làm nhưng chỉ vài tuần hoặc vài tháng để đánh mất tất cả nỗ lực.

Chẳng hạn như ở Mỹ, con số việc làm bị mất đi kể từ giữa tháng 3 năm nay thậm chí còn lớn hơn số việc làm được tạo ra kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008. Ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ giảm vào tháng 5 vừa qua thì nó vẫn ở rất gần mức cao kỷ lục.

Ở châu Á, tác động của đại dịch Covid-19 đối với thị trường lao động cũng rất nghiêm trọng: 60% người lao động ở Ấn Độ làm việc trong khu vực phi chính thức, ít được bảo vệ và khi xảy ra biến cố họ cũng chẳng thể chờ mong nhiều vào trợ cấp tiền lương. Một trong những quy luật không thay đổi trong kinh tế đó là việc làm mất đi không thể phục hồi với tốc độ tương đương.

Điều này đồng nghĩa với việc sức mua của các hộ gia đình sẽ giảm sút trong một thời gian dài. Và câu chuyện còn đi xa hơn thế. Việc tích lũy nợ tiêu dùng trong những năm gần đây đã khiến nhiều người mua bị cạn kiệt về tài chính.

Ngay cả ở Trung Quốc – một trong những quốc gia tiết kiệm nhất, số nợ ở hộ gia đình đã tăng mạnh và năm ngoái đã vượt qua Đức. Nhưng ngay cả với những người tránh được nợ nần, họ có thể còn hạn chế chi tiêu hơn. Sau tất cả, cuộc khủng hoảng đã chỉ ra một thực tế, đó là việc việc làm có thể nhanh chóng mất đi như thế nào và chi phi chăm sóc sức khỏe có thể tăng nhanh ra sao. Chính vì thế, việc người dân tiết kiệm hơn là điều hoàn toàn dễ hiểu. Các gia đình sẽ tính toán kỹ hơn cho những thứ được coi là không thiết yếu, từ việc ăn nhà hàng cho đến các chuyến du lịch…

Động lực tăng trưởng

Với sự suy yếu trong hoạt động thương mại và việc người tiêu dùng rút ít chi tiêu hơn, vậy những gì sẽ còn lại để thúc đẩy tăng trưởng?

Đầu tư, cả công và tư. Chính sách có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư công và chúng ta nên nắm bắt cơ hội. Đầu tư công trong nhiều năm đã không đạt được những gì cần thiết để duy trì sự tăng trưởng và thịnh vượng. Ngay cả với Trung Quốc, trong thời gian dài nước này tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng hơn là các lĩnh vực khác và gần như không theo kịp với nhu cầu tăng nhanh.

Phần rõ ràng nhất là cơ sở hạ tầng “mềm” như chăm sóc sức khỏe. Đầu tư cho các bệnh viện, phòng khám và viện dưỡng lão là rất cần thiết. Đặc biệt, khi dân số già đi nhanh chóng thì nhu cầu chăm sóc y tế sẽ ngày càng tăng.

Giáo dục cũng trở nên quan trọng hơn. Nếu loài người muốn duy trì những tiến bộ của các thế kỷ gần đây, hoặc đơn giản là bảo đảm tăng trưởng năng suất thì mức độ giáo dục ngày càng cao hơn là yêu cầu cần thiết cho tất cả mọi người.

Xã hội không thể để tài nguyên nhàn rỗi. Các khoản đầu tư lớn là cần thiết để cho phép các thành viên dễ bị tổn thương nhất trong xã hội phát huy được tài năng của họ.

Có thể thấy, tiến bộ kinh tế trong những năm gần đây ở hầu hết các quốc gia, đã vượt qua sự mở rộng của cơ sở vật chất hạ tầng vật lý như đường sá, cầu cống, công trình xử lý nước, tàu điện ngầm… nhưng hiện tại là cơ hội để chúng ta hướng đến con đường phát triển bền vững hơn.

Để hướng tới điều này, phải đặt vấn đề đảm bảo môi trường bền vững lên trước tiên. Biến đổi khí hậu trong một vài năm có thể gây ra nhiều thương vong hơn đại dịch Covid-19. Sự khan hiếm nước sạch, chất lượng không khí kém và cạn kiện tài nguyên đã và đang đặt ra những thách thức ngày càng lớn đối với việc duy trì sự thịnh vượng và hạnh phúc.

Với những vấn đề nêu trên, những người hoài nghi sẽ có phản bác khi cho rằng việc tăng chi tiêu công không thể đáp ứng nổi. Nhưng chúng ta không thể không hành động bởi nếu không đầu tư thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ thu được lợi nhuận./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên