Điện ảnh Việt Nam loay hoay tìm "ánh sáng"

Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, nền điện ảnh Việt Nam vẫn chưa định hình được một lối đi để đến với công chúng

Ngày 17/2, tại TP Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên đã diễn ra Hội thảo “Điện ảnh Việt Nam - thực trạng và giải pháp”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17.

Ý kiến các đại biểu đều cho rằng, từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, điện ảnh Việt Nam có bước chuyển sang cơ chế thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước.

Sự chuyển đổi này là tất yếu, đúng với xu thế phát triển chung nhưng đồng thời lại tiềm ẩn một số bất cập, đó là việc ngành điện ảnh chưa có sự chuẩn bị để đảm bảo cho sự ổn định và phát triển, dẫn đến xu thế thương mại hóa với nạn “phim mì ăn liền” suốt những năm đầu thập kỷ 90.

Tiếp đó là sự chuyển đổi cơ chế được tiến hành “nửa vời”, nhà sản xuất phim tư nhân chưa có tư cách pháp nhân đầy đủ.

Các đại biểu tham quan triển lãm 4 thập kỷ Liên hoan phim

Chính vì vậy phong trào “người người làm phim, nhà nhà làm phim” tồn tại không được bao lâu, đi liền với đó là sự tàn lụi của dòng phim “mì ăn liền” mà không tạo cơ sở vững chắc cho sự xã hội hóa điện ảnh.

Năm 2002, Bộ Văn hóa Thông tin đã ra quy chế công nhận tư cách pháp nhân đầy đủ cho các hãng phim tư nhân tạo cho điện ảnh Việt Nam một diện mạo mới.

Tuy nhiên, thực tế điện ảnh Việt Nam trong cơ chế thị trường định hướng đang tồn tại một số vấn đề như: khâu sáng tác, sản xuất, tuyên truyền quảng bá, phát hành - phổ biến, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật…

Theo TS Ngô Phương Lan - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, hiện nay, các hãng phim tư nhân chăm sóc rất kỹ lưỡng các tác phẩm của mình từ khi sản xuất đến khi ra mắt khán giả nhưng một thực tế không ít hãng phim tư nhân đôi khi đã quảng bá không đúng với chất lượng thật của tác phẩm.

Ngược lại với các hãng tư nhân thì phim của các hãng phim Nhà nước lại không được đầu tư đúng mức trong khâu quảng bá nên khán giả khó tiếp cận được với tác phẩm nên tác phẩm có chất lượng cao cũng không được phổ biến rộng rãi và khán giả biết đến.

Về vấn đề này,  nghệ sỹ Phước Sang nói: Để tác phẩm điện ảnh có thể đến được với công chúng phải có chiến lược đầu ra cho tác phẩm.

Nếu cứ quan tâm xây dựng trường quay, đầu tư lớn nhưng không tính đến nhu cầu của khán giả thì những tác phẩm điện ảnh làm ra sẽ ngày càng trở nên xa lạ với công chúng.

Ngoài ra việc phát triển điện ảnh cũng phải được kế thừa trên nền truyền thống của điện ảnh nước nhà, tránh tình trạng lai căng theo một số mô tuýp phim của các nước.

Các thế hệ làm điện ảnh của Việt Nam trong chiến tranh, khó khăn là vậy nhưng chúng ta vẫn có được những bộ phim kinh điển và đọng mãi trong lòng công chúng.

Trong khâu sáng tác - sản xuất phim, nhiều nhà làm phim cho rằng cần phải tính đến mối tương quan giữa điện ảnh và truyền hình. Đạo diễn, NSND Nguyễn Hải Ninh chia sẻ: “Điện ảnh và truyền hình đều là loại hình văn hoá nghe nhìn, có thể bổ sung và hỗ trợ cho nhau. Điện ảnh có thể thông qua truyền hình để quảng bá, tạo nguồn thu để đầu tư cho điện ảnh. Ngược lại truyền hình có thể tận dụng đội ngũ điện ảnh để làm ra những tác phẩm của truyền hình”.

Một yếu tố rất quan trọng trong điện ảnh là đội ngũ làm điện ảnh. Thực tế hiện nay là đội ngũ làm điện ảnh ít được Nhà nước quan tâm đào tạo. Một số trung tâm phát triển điện ảnh trẻ được thành lập nhưng phải xin tài trợ của tư nhân hoặc của nước ngoài, chưa có cơ chế Nhà nước quan tâm để kích cầu các trung tâm này. Vì vậy rất nhiều trung tâm phải loay hoay tìm hướng tồn tại.

Theo nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Nhà nước cần quan tâm hơn trong việc xây dựng đội ngũ làm điện ảnh hiện nay.

Tại hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ VH-TT-DL  Hoàng Tuấn Anh đã ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu và cho rằng qua hội thảo đã giúp cho các nhà quản lý có cái nhìn chân thực về điện ảnh nước nhà, cùng đưa ra giải pháp để góp phần xây dựng, phát triển ngành điện ảnh nước nhà trong những năm đến./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên