NSND Lý Huỳnh – người thành công trong việc đưa võ thuật vào điện ảnh
VOV.VN - NSND Lý Huỳnh đã cống hiến công sức trong gần 60 bộ phim, cả vai trò diễn viên và đạo diễn mà vai diễn nào cũng để lại những dấu ấn khó phai trong lòng khán giả.
NSND Lý Huỳnh qua đời vào lúc 5h sáng 22/10 tại nhà riêng, sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật. Ông được biết đến là một võ sư - đạo diễn - diễn viên nổi tiếng của Việt Nam, và là cha ruột của nam diễn viên Lý Hùng.
Một trong bốn ngôi sao võ thuật của miền Nam
NSND Lý Huỳnh sinh năm 1942. Ông học võ từ nhỏ với các môn võ như võ Thiếu Lâm, võ cổ truyền Tây Sơn Bình Định. Sau đó, ông bắt đầu cho mở trường dạy và đào tạo được rất nhiều võ sĩ giỏi. Thậm chí, Lý Huỳnh còn từng được đánh giá là một trong bốn ngôi sao võ thuật của miền Nam khi được xếp vào nhóm "Nam Kỳ tứ tú" (4 ngôi sao sáng xứ Nam Kỳ) ở miền Nam Việt Nam trước 1975. Ông nổi tiếng với chiêu "Liên hoàn bát cước" (Tung người đá 8 cước trên không) và từng thách đấu công khai với huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long.
Lý Huỳnh là võ sư chưởng môn của lò võ Huỳnh Tiền có danh tiếng ở Sài Gòn từ thời Chiến tranh Đông Dương và Chiến tranh Việt Nam, từng đào tạo ra nhiều võ sĩ thượng đài với các võ sĩ người Pháp, người Mỹ, người Thái, người Miên, người da đen.
Từ năm 1957 đến 1964, Lý Huỳnh thượng đài 6 trận về Quyền Anh và thắng 3 trận, trong đó có trận đấm ngã đối thủ Lyauté Francoise, võ sĩ da đen vô địch quân đội Pháp và các trận thắng võ sĩ nổi tiếng Anh Thạch, Mạch Trung Phương vô địch 6 tỉnh miền Trung.
Năm 1965, ông bắt đầu mở trường dạy võ, và từ đây đã đào tạo nhiều võ sĩ giỏi với tên gọi bắt đầu bằng hai từ "Lý Huỳnh", như: Lý Huỳnh Cường, Lý Huỳnh Yến…
Do những đóng góp trong sự nghiệp đào tạo, Lý Huỳnh đã được Tổng nha Thanh niên (thuộc Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên của Việt Nam Cộng hòa) tặng bằng danh dự cho thành tích "đào tạo nhiều võ sĩ ưu tú cho làng đấm Việt Nam" cùng với ba võ sư: Từ Thiện Hồ Văn Lành, Nguyễn Xuân Bình và Trần Xil, và từ đó giới võ thuật gọi bốn võ sư nhận phần thưởng của Tổng nha Thanh niên là "Tứ Tú" (bốn ngôi sao) nối tiếp xứng đáng cho "Tam Nhật" (Hàn Bái, Ba Cát, Bảy Mùa) và "Tam Nguyệt" (Trương Thanh Đăng, Quách Văn Kế, Vũ Bá Oai).
Năm 1973, ông công khai thách đấu với Lý Tiểu Long trên truyền hình, sự kiện này được báo chí Việt Nam và Hồng Kông đưa tin, tuy nhiên Lý Tiểu Long chưa kịp nhận lời thì đã qua đời sau đó không lâu.
Sự nghiệp điện ảnh với nhiều dấu ấn khó phai
Từ năm 1972 đến năm 1989, Lý Huỳnh bắt đầu đóng phim và trở thành một trong những người Việt đầu tiên thành công trong việc đưa võ thuật vào điện ảnh. Cuộc đời nghệ thuật của NSND Lý Huỳnh đã cống hiến công sức trong gần 60 bộ phim, cả vai trò diễn viên và đạo diễn mà vai diễn nào cũng để lại những dấu ấn khó phai trong lòng khán giả.
Lý Huỳnh quan niệm rằng đóng phim võ thuật không có nghĩa là chỉ biểu diễn các màn võ đơn điệu, mà diễn viên còn phải biết đi sâu vào tính cách, tâm lý nhân vật. Bởi vậy, trước khi diễn ông luôn nghiên cứu kỹ tính cách nhân vật, quan sát những mẫu người thật ở ngoài đời, hoà trộn với bản ngã, tài năng để làm vai diễn trở nên sống động. Các bộ phim có sự tham gia của Lý Huỳnh mở đầu với “Long hổ sát đấu” và sau đó là “Quái nữ Việt Quyền Đạo”, “Báu kiếm rửa hận thù”, “Hải vụ 709”…
Sau ngày đất nước giải phóng, tên tuổi của ông gắn liền với dòng phim cách mạng.
Vai đầu tiên của ông là đại tá Hoàng trong phim “Cô Nhíp”, sau đó, ông tiếp tục tham gia nhiều phim như: “Mối tình đầu”, “Vùng gió xoáy”, “Ông Hai Củ”, “Hòn đất”, “Mùa gió chướng”...
Vai diễn lão nông Hai Lúa (phim “Vùng gió xoáy”) là vai diễn thách thức và nổi bật giúp NSND Lý Huỳnh từng đoạt giải Bông sen vàng cho Diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ sáu năm 1983. Hình tượng Hai Lúa của Lý Huỳnh đã in sâu trong đời sống xã hội và cái tên Hai Lúa trở thành danh từ cửa miệng của mọi người để chỉ người nông dân chân chất, thật thà nhưng bộc trực, thẳng thắn vùng quê Nam Bộ.
Ngoài ra, ông còn đoạt giải Bông sen bạc với bốn vai diễn khác là đại tá Hoàng (Cô Nhíp), Đinh ba búa (Mối tình đầu), đại úy Long (Mùa gió chướng), trung úy Xăm (Hòn đất).
Sau khi ghi dấu ấn đậm nét với nhiều vai diễn, đến những năm thập niên 1990, Lý Huỳnh tiên phong trong vai trò sản xuất, tự bỏ vốn làm phim và hợp tác với Hong Kong làm các phim “Kế hoạch 99”, “Hồng hải tặc”...
Những bộ phim mang thương hiệu nghệ sĩ Lý Huỳnh như “Lửa cháy thành Đại La”, “Thăng Long đệ nhất kiếm”, “Phạm Công - Cúc Hoa”, “Nước mắt học trò” đã tạo nên cơn sốt vé của phim Việt Nam thời kỳ đầu bước vào kinh tế thị trường.
Bộ phim cuối cùng ông tham gia với vai trò đạo diễn là Tây Sơn hào kiệt.
Với những cống hiến to lớn cho nền điện ảnh nước nhà, năm 1993 ông đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú và đến năm 2012 ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND).
Sự ra đi của NSND Lý Huỳnh là mất mát lớn đối với điện ảnh nước nhà. Diễn viên Việt Trinh đau lòng viết trên trang cá nhân: “Xin vĩnh biệt người nghệ sĩ đa tài, một tấm gương trong nghề lẫn cách sống ngoài đời của chúng con. NSND Lý Huỳnh. Xin chia buồn với gia đình anh Lý Hùng”.
Lý Hùng vô cùng đau xót trước sự ra đi của cha. Đối với Lý Hùng, NSND Lý Huỳnh có vai trò quan trọng trong cuộc đời anh. Chính ông là người dẫn dắt anh học võ, theo điện ảnh. Lý Hùng cho biết, cha là người có ảnh hưởng nhiều đến tính cách của anh. Anh học được ở ông nghị lực mạnh mẽ, phi thường…/.