Điêu khắc đương đại và sự may mắn...buồn bã
(VOV) - Nghệ thuật điêu khắc không bị đánh mất mình để chiều theo thị hiếu tiêu dùng song lại có nhiều thử thách nghiệt ngã với người nghệ sỹ.
Chật vật kiếm sống để...làm nghề
Nghệ sỹ, những người sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật luôn luôn là số ít có biệt tài trong xã hội. Ở nước ta, so với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ sỹ điêu khắc lại càng hiếm hoi. Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng, giảng viên trường Đại học Mỹ thuật cho biết mỗi khóa trường tuyển sinh được khoảng 10 họa sỹ thì mới có một người theo học điêu khắc. Và sau khi ra trường, số lượng người còn theo đuổi loại hình nghệ thuật này ngày một ít đi.
Trong khi nhiều họa sỹ có thể sống đàng hoàng, sung túc bằng tranh thì các nhà điêu khắc được đánh giá là có sức sáng tạo tốt nhất khi được hỏi hiện đang sống bằng công việc gì thường có sự ngập ngừng trong miêu tả. Bởi nói như nhà điêu khắc Đào Châu Hải thì họ làm tất cả các công việc có liên quan đến điêu khắc để kiếm sống: làm các phù điêu trang trí trong các ngôi nhà, các đồ mỹ nghệ theo đơn đặt hàng, thậm chí chép tranh thuê hay làm bia mộ.
Ai may mắn hơn cả thì được làm một phần trong các công trình tượng đài hoành tráng của Nhà nước, số tiền kiếm được trong mỗi công trình có thể giúp họ không lo lắng đến chuyện kiếm sống trong 1-2 năm để tập trung vào nghệ thuật. Cơm áo không chỉ không đùa với khách thơ mà cũng là thử thách lớn đối với các nhà điêu khắc.
Nhà điêu khắc Trần Trọng Tri và tác phẩm "Đắm" của anh |
Sở dĩ các nhà điêu khắc không sống được bằng các tác phẩm nghệ thuật vì thị trường dành cho các tác phẩm này rất hạn hẹp. Ở nước ta hiện nay nghệ thuật điêu khắc chỉ hiện diện trong các công trình tượng đài, một số ít các tác phẩm trưng bày tại không gian công cộng như vườn hoa, quảng trường, bảo tàng. Các nhà sưu tầm nghệ thuật cũng ít quan tâm đến điêu khắc. Công chúng nói chung còn xa lạ với loại hình nghệ thuật này. Để trang trí cho các ngôi nhà, họ thường sử dụng các đồ thủ công mỹ nghệ chứ không nghĩ tới các tác phẩm điêu khắc độc bản.
Chi phí tốn kém, lao động vất vả mà lại không bán được, cũng không có công chúng rộng rãi. Đó là thử thách khắc nghiệt đối với những người vẫn muốn đeo đuổi nghệ thuật điêu khắc. Không phải ai cũng bám trụ được đến cùng, đi được đường dài là bởi thế. Song chính sự khắc nghiệt đó lại là sự sàng lọc giống như lửa thử vàng để chỉ những người thực sự tâm huyết, say mê còn trụ lại.
Triển lãm New Form với hy vọng đưa nghệ thuật điêu khắc tới gần đời sống người dân hơn |
Thị trường tiêu thụ hạn hẹp, hầu như không có nên các nhà điêu khắc sáng tạo để thỏa mãn đam mê, thỏa mãn cái tôi của mình. Nghệ thuật không phải chiều theo thị hiếu vốn đỏng đảnh và nhiều phù phiếm nên có cơ hội được thăng hoa. Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng kể rằng khi tham dự một số triển lãm điêu khắc ở nước ngoài, ông có đem theo những tấm hình chụp các tác phẩm điêu khắc đương đại của nghệ sỹ nước nhà và được đánh giá là hoàn toàn tương xứng với sự phát triển chung của nghệ thuật đương đại trên thế giới. Nhiều nhà điêu khắc cũng đã có tác phẩm trưng bày trong các triển lãm, các liên hoan nghệ thuật của thế giới.
Có thể nói bản thân nghệ thuật điêu khắc “may mắn” hơn hội họa hay một số loại hình nghệ thuật khác khi không bị đánh mất mình để chiều theo thị hiếu tiêu dùng. Song đối với các nhà điêu khắc và khả năng thụ hưởng nghệ thuật của công chúng thì sự “may mắn” ấy mới đáng buồn làm sao.
Mịt mù lối raKhông sống được bằng nghệ thuật, bằng đam mê, chấp nhận điêu khắc là “nghiệp” chứ không phải là “nghề” chỉ là một khó khăn của các nhà điêu khắc hiện tại. Họ đều tự giải quyết khó khăn này bằng nhiều cách để mưu sinh, bởi đây là vấn đề cá nhân và tự giải quyết được. Song bên cạnh đó còn nhiều những khó khăn khác mà cá nhân các nghệ sỹ đành phải “bó tay” hoặc tìm đường đi rất chật vật.
Phải mất một khoảng thời gian rất dài, các nhà điêu khắc mới tìm được hướng sáng tạo mới: không lệ thuộc vào hình khối đặc tả con người và sử dụng nhiều chất liệu như sắt, gỗ, nhôm, đồng, composit… để sáng tạo nghệ thuật. Song ở nước ta công nghệ còn kém phát triển, thiếu những thợ thủ công lành nghề có thể hiện thực hóa tác phẩm từ vật mẫu mang ý đồ nghệ thuật.
Vì thế các nhà điêu khắc phải giám sát chặt chẽ các quy trình tạo ra thành phẩm cuối cùng và bản thân cũng phải tham gia thì mới hy vọng tạo ra tác phẩm theo đúng ý muốn. Nhà điêu khắc Trần Trọng Tri cho biết để làm ra các tác phẩm nhôm đúc anh phải theo dõi quá trình người thợ đúc, hướng dẫn họ một số điều. Sau đó anh vẫn tiếp tục phải chỉnh sửa thì mới có tác phẩm hoàn chỉnh.
Nhà điêu khắc Hoàng Tường Minh đã rất vất vả để vận chuyển tác phẩm điêu khắc nặng nề này từ TP. HCM ra dự triển lãm Kết nối Sài Gòn - Hà Nội 2012 |
Không hy vọng nhiều vào việc bán được tác phẩm, các nghệ sỹ điêu khắc chỉ mong muốn có không gian, môi trường để trưng bày tác phẩm của mình. Theo nhà điêu khắc Hoàng Tường Minh thì việc phải tự bảo quản các tác phẩm điêu khắc ở trong xưởng rất khó vì số lượng nhiều và đó cũng không phải môi trường thích hợp.
Nhà điêu khắc Trần Trọng Tri thì cảm thấy ái ngại khi không có chỗ cất giữ tác phẩm, phải để lăn lóc những đứa con tinh thần đầy tâm huyết của mình. Các nghệ sỹ đều mong mỏi có một bảo tàng nghệ thuật hiện đại để các tác phẩm điêu khắc có nơi trưng bày, tiếp cận được với công chúng và được tôn vinh thỏa đáng.
Hiện nay các triển lãm điêu khắc do Nhà nước tổ chức rất hiếm hoi. Các tổ chức xã hội, các nhà tài trợ cũng rất thờ ơ với nghệ thuật đương đại, trong đó có điêu khắc. Vì vậy, để nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật, để giao lưu học hỏi, tìm hướng đi cho điêu khắc thì các nhà điêu khắc đều phải tự tổ chức các triển lãm, hội thảo.
Ví dụ trong tháng 10 vừa qua có triển lãm New Form tại gallery Mai (Hà Nội) với hy vọng từng bước đưa nghệ thuật điêu khắc vào đời sống tiêu dùng. Trong tháng 11 đang có Triển lãm điêu khắc kết nối Sài Gòn – Hà Nội 2012 tại trường Đại học Văn hóa (Hà Nội) với sự tham gia của 16 tác giả đang sống, làm việc tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Các triển lãm này được duy trì với mật độ 6 tháng 1 lần và 2 năm 1 lần.
Các cá nhân nghệ sỹ tự đứng ra tổ chức, tự bỏ chi phí không nhỏ làm triển lãm, phần lớn để thỏa mãn đam mê và chỉ có một ít phập phồng hy vọng tư duy thẩm mỹ của công chúng sẽ dần được nâng lên, bước đầu là từ các sinh viên đại học./.