“Đoàn binh Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng đạt giải A giải thưởng Sách Quốc gia 2020.
VOV.VN - Tác phẩm “Đoàn binh Tây Tiến” (Đoàn Võ trang Tuyên truyền Biên khu Lào - Việt), tác giả Quang Dũng, NXB Kim Đồng xuất bản là một trong ba tác phẩm đạt giải A giải Sách Quốc gia lần thứ ba.
Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba, giải thưởng danh giá hàng đầu của lĩnh vực báo chí, xuất bản, văn hóa văn nghệ đã diễn ra tối 9/10 tại Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam.
Tới dự có ông Vũ Đức Đam, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Phùng Xuân Nhạ, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; ông Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng xét giải Sách Quốc gia,…
Mở đầu lễ trao giải, ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia báo cáo Giải thưởng. Thứ trưởng cho biết đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có ngành xuất bản. Nhiều đơn vị trong ngành, công ty phát hành sách, công ty sách bị ngưng trệ sản xuất. Doanh thu của các đơn vị phát hành, công ty sách bị sụt giảm mạnh, trong điều kiện vẫn phải trang trải chi phí thuê lao động, thuê mặt bằng... Tình hình này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc động viên, thu hút các nhà xuất bản, các đơn vị làm sách tích cực tham gia, lựa chọn những đầu sách có giá trị để gửi dự xét giải...
Dù vậy Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba vẫn thu hút sự tham gia đông đảo của 48 nhà xuất bản (NXB) trên cả nước (tăng 6 NXB so với giải thưởng lần thứ hai) với 362 cuốn sách (tăng 7 cuốn sách) cho 255 tên sách.Theo đánh giá chung của Hội đồng Ban Giám khảo, ở Giải thưởng năm nay, các cuốn sách tham dự giải lần này có nội dung phong phú, có tính đa ngành, đa mục tiêu và hướng đến nhiều đối tượng độc giả. rong năm loại sách, số lượng tập trung nhiều vào các mảng sách: Văn hóa, Văn học và Nghệ thuật; Khoa học xã hội và Nhân văn; Chính trị, Kinh tế. Nhiều cuốn sách, bộ sách có giá trị lý luận và thực tiễn cao, có tính thời sự và đang được xã hội quan tâm. Hình thức sách đẹp và có nhiều kỹ thuật in ấn, đóng sách mới, hấp dẫn…
Bên cạnh những mặt tích cực, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia cũng nêu ra những điểm cần cố gắng khắc phục trong những mùa giải tới như: vẫn còn 11/59 nhà xuất bản chưa chọn được các đầu sách tham dự giải thưởng; các tác phẩm được lựa chọn trao giải thuộc các mảng sách khoa học tự nhiên và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, chính trị - kinh tế chủ yếu là sách nghiên cứu, chuyên khảo hay còn ít các cuốn sách được viết dưới dạng phổ thông giúp quảng bá tri thức tới đông đảo bạn đọc...
Phát biểu tại lễ trao giải, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tầm quan trọng của đọc sách và vai trò của Giải thưởng Sách Quốc gia: "Ngày nay công nghệ đang thay đổi rất nhiều trong cách chúng ta sống và làm việc, cách chúng ta học và đọc. Nhưng dù sao, sách và đọc sách không vì thế mà giảm đi tầm quan trọng và ý nghĩa của nó. Chính xuất phát từ tầm quan trọng của sách đối với sự phát triển của mỗi cá nhân và của cả đất nước nên Thủ tướng Chính phủ theo đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành quyết định Ngày sách Việt Nam. Giải thưởng Sách Quốc gia là một trong những hoạt động rất ý nghĩa, cụ thể hoá sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và toàn xã hội đối với văn hoá đọc, góp phần khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách, tôn vinh giá trị của sách, người viết sách".
Phó Thủ tướng cũng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực đổi mới nhằm nâng cao chất lượng Giải thưởng qua mỗi kì tổ chức như điều chỉnh tiêu chí xét giải thưởng, đối tượng đề cử, quy trình chấm giải, cơ cấu và giá trị giải thưởng để phù hợp và đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. “Đến nay, Giải thưởng Sách Quốc gia đã qua ba lần tổ chức. Qua mỗi lần, giải thưởng lại có những đổi mới và kết quả tích cực hơn. Số lượng các nhà xuất bản, số lượng sách tham gia dự giải thưởng tăng cùng sức lan tỏa của giải thưởng trong xã hội..."
Theo Phó Thủ tướng, cần phải có thêm nhiều hành động thiết thực hơn nữa để sách, người viết sách, xuất bản sách và những người ham đọc sách được tôn vinh. "Chúng tôi ghi nhận và đánh giá rất cao nỗ lực của Bộ TT&TT, của Hội Xuất bản Việt Nam cùng các cơ quan đơn vị liên quan đã có rất nhiều nỗ lực và các sáng tạo trong thời gian vừa qua. Và chúng tôi mong rằng các cơ quan sẽ tiếp tục có nhiều giải pháp sáng tạo hơn nữa, thiết thực hơn nữa để giải thưởng Sách Quốc gia và nhiều hoạt động cùng với giải thưởng này sẽ nhận được sự quan tâm đông đảo của công chúng, góp phần đẩy mạnh hơn nữa văn hoá đọc để đúng người dân Việt Nam là một dân tộc hiếu học.
Tôi xin chúc mừng các tác giả, các dịch giả và các đơn vị xuất bản đoạt giải lần này. Các tác giả, các dịch giả và các đơn vị chưa đoạt giải nhưng bằng việc tham gia vào giải thưởng này là sự đóng góp thiết thực cho phát triển văn hoá đọc nói riêng và cho phát triển văn hoá cũng như phát triển đất nước nói chung", ông nói.
"Dân tộc Việt Nam muốn vươn lên, muốn đuổi kịp các nước, sánh ngang năm châu thì nhất định phải nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhất định chúng ta phải học nhiều hơn, phải đọc nhiều hơn, cần khơi dậy nguồn cảm hứng để mọi người Việt Nam dành thời gian cho việc đọc, việc học, nghiên cứu để nâng tầm hiểu biết và bồi dưỡng tâm hồn", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.
Năm nay, Giải thưởng Sách Quốc gia được trao cho 27 cuốn sách, bộ sách, trong đó có 3 giải A, 10 giải B và 14 giải C trao cho 5 mảng sách: chính trị, kinh tế; khoa học tự nhiên và công nghệ; khoa học xã hội và nhân văn; sách văn hóa, văn học và nghệ thuật; sách thiếu nhi.
Giải A được trao cho 3 tác phẩm:
1. "Đoàn binh Tây Tiến" (Đoàn Võ trang Tuyên truyền Biên khu Lào - Việt), tác giả: Quang Dũng, Nhà xuất bản Kim Đồng;
2. "Lịch sử" (Historiai), tác giả Herodotus, người dịch: Lê Đình Chi, NXB Thế giới liên kết với Công ty Cổ phần Sách Omega Việt Nam xuất bản.
3. Bộ sách "Hình ảnh lâm sàng, chẩn đoán và điều trị trong chuyên ngành da liễu" (2 tập) do PGS.TS. Nguyễn Văn Thường (Chủ biên) và tập thể tác giả, NXB Y học xuất bản.
Trong đó, tác phẩm "Đoàn binh Tây Tiến" của nhà thơ Quang Dũng được viết từ năm 1952, là cuốn sách quý hiếm trong kho tàng sách Việt Nam. Tác phẩm "Hình ảnh lâm sàng, chẩn đoán và điều trị trong chuyên ngành da liễu" (02 tập) thể hiện tính sáng tạo, độc lạ trong trình bày bệnh học nói chung, bệnh học da liễu nói riêng, giúp cho người dạy, người học và các bạn đọc quan tâm đến bệnh học da liễu thuận lợi trong quá trình nghiên cứu, tham khảo. Tác phẩm "Lịch sử" của tác giả Herodotus có giá trị đặc biệt về khoa học lịch sử, thực tiễn xã hội, được đánh giá là tác phẩm lịch sử mở đầu cho Sử học hiện đại phương Tây.
Giải B được trao cho 10 tác phẩm gồm:
1. "Kiểm soát quyền lực ở nước ta qua công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng" tập thể tác giả Mai Trực (Chủ biên); Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật.
2. "Mặt trái của công nghệ", tác giả: Peter Townsend, người dịch: Quế Chi; Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật; đơn vị liên kết: Công ty Cổ phần Sách Thái Hà.
3. "Các khuynh hướng và trường phái ngôn ngữ học hiện đại", tác giả: GS,TS Nguyễn Thiện Giáp; Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
4. "Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam", tác giả: PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh; Nhà xuất bản Khoa học xã hội. Đơn vị liên kết Công ty trách nhiệm Sách và Truyền thông Việt Nam.
5. "Thực phẩm chức năng", tập thể tác giả: PGS.TS Trần Đáng (Chủ biên); Nhà xuất bản Y học.
6. "Biến động môi trường lớp phủ và giải pháp phát triển bền vững tại các đảo san hô khu vực quần đảo Trường Sa", tác giả: TS Đỗ Huy Cường; Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ.
7. "Lược khảo văn học" (3 tập), tác giả: Nguyễn Văn Trung; Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
8. "Hát Then các dân tộc Tày, Nùng, Thái Việt Nam" (3 cuốn), biên soạn: Đặng Hoành Loan, Phạm Minh Hương, Nguyễn Thủy Tiên; Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc.
9. "Dòng tranh dân gian Kim Hoàng, Dòng tranh dân gian Đông Hồ" (2 cuốn), tập thể tác giả: Nguyễn Thị Thu Hòa, GS.TS Trịnh Sinh, Lê Bích do Nguyễn Thị Hòa chủ biên; Nhà xuất bản Thế giới.
10. "Sài Gòn của em" (2 cuốn), tranh: Lê Thư, lời: Hoàng Nguyên; sách tương tác: Lê Thư, Thiện Kiều; Nhà xuất bản Trẻ. Ảnh: Quỳnh Trang.
Giải C được trao cho 14 tác phẩm gồm:
1. "Công tác địch vận trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)", tác giả: TS Lê Văn Cử, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân.
2. "Chiến lược đại dương xanh", tác giả: W. Chan Kim và Renée Mauborgne, người dịch: Phương Thúy, hiệu đính: Ngô Phương Hạnh, Nhà xuất bản Lao động - Xã hội, đơn vị liên kết: Công ty Cổ phần Sách Alpha.
3. "GEN - Lịch sử và tương lai của nhân loại", tác giả: Siddhartha Mukherjee, người dịch: Bùi Thanh Châu, Nhà xuất bản Dân trí, đơn vị liên kết: Công ty Cổ phần Sách Omega Việt Nam.
4. "Tổ quốc, đồng đội và văn nghệ", tác giả: GS.TS Đinh Xuân Dũng, Nhà xuất bản Văn học, đơn vị liên kết: Công ty Cổ phần Tri thức Văn hóa Sách Việt Nam.
5. "Nét Việt trên bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám", nhóm tác giả: TS Trần Hậu Yên Thế, Trần Trung Hiếu, Nhà xuất bản Mỹ thuật.
6. "Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam" (2 tập), nhóm tác giả: TS Phan Đăng Thanh và Trương Thị Hòa, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM.
7. "Bộ sách Hóa học phân tích hiện đại" (3 cuốn): Cuốn 1: Cơ sở lý thuyết của các phương pháp phân tích điện hóa; cuốn 2: Các kỹ thuật và phương pháp chuẩn bị mẫu phân tích; cuốn 3: Các phương pháp phân tích hóa học; tác giả: Phạm Luận; Nhà xuất bản Bách khoa Hà Nội.
8. "Vật liệu biến hóa có chiết suất âm - Công nghệ chế tạo, tính chất và ứng dụng", tác giả: PGS.TS Vũ Đình Lãm, Nhà xuất bản Khoa học Tự nhiên và Công nghệ.
9. "Được học", tác giả: Tara Westover, người dịch: Nguyễn Bích Lan, Nhà xuất bản Phụ nữ.
10. "Nghệ thuật và nghệ nhân vùng Kinh thành Huế", nhóm tác giả: Léopold Michel Cadière, Edmond Gras; người dịch và chú giải: Lê Đức Quang; Nhà xuất bản Hà Nội; đơn vị liên kết: Công ty Cổ phần Sách Thái Hà.
11. "Chào thế giới bây giờ con đã đến", tác giả: Lê Minh Quốc; Inspired by: Coco Mì, Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM.
12. "Vào bếp nấu ăn săn ngay điểm tốt"; nhóm tác giả: TS Đỗ Xuân Thảo, Phan Thị Hồ Điệp; Nhà xuất bản Lao động; đơn vị liên kết: Công ty Cổ phần Sách Thái Hà.
13. "Giáo dục đa giác quan" (4 cuốn): Cuốn 1: Ú òa, sa mạc và nước xiết, cuốn 2: Ú òa, rừng rậm và tuyết phủ, cuốn 3: Ái chà, kỳ thú rừng xanh, cuốn 4: Ái chà, bí mật vườn nhà; tác giả: Pavla Hanácková, minh họa: Linh Dao, Irene Gough, người dịch: Hoàng My; Nhà xuất bản Hà Nội; đơn vị liên kết: Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam.
14. "Lật mở cùng con" (4 cuốn): Cuốn 1: Con từ đâu tới?; cuốn 2: Tự lập không hấp tấp!; cuốn 3: Làm việc nhà dễ thôi mà!; cuốn 4: Bình tĩnh chuyện giới tính; Lời: Bảo Ngọc, tranh: Thu Nấm, Hoàng Đậu Xanh; Nhà xuất bản Thanh niên; đơn vị liên kết: Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Văn hóa Đinh Tị.
Lễ trao giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba khép lại một mùa giải thành công, giữ nguyên giá trị, tôn vinh những người viết sách và tạo cảm hứng, động lực cho những người hoạt động trong ngành xuất bản tiếp tục góp phần phát hiện, lưu giữ, quảng bá những tác phẩm có giá trị đến với đông đảo bạn đọc, thúc đẩy sự nghiệp xuất bản phát triển theo đúng định hướng và phù hợp với xu hướng hội nhập. /.