Độc đáo Lễ cấp sắc của người Dao Thanh Phán
VOV.VN - Với cộng đồng người Dao Thanh Phán ở huyện miền núi Hoành Bồ, Lễ cấp sắc (Lễ bàn cổ) là lễ quan trọng nhất.
Quảng Ninh là một trong những địa phương có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có những phong tục, tập quán, tín ngưỡng khác nhau tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu của vùng đất địa đầu Đông Bắc Tổ quốc. Với cộng đồng người Dao Thanh Phán ở huyện miền núi Hoành Bồ, Lễ cấp sắc (Lễ bàn cổ) là lễ quan trọng nhất, bởi đây là lễ công nhận người đàn ông chính thức là con cháu Bàn Vương - Thủy tổ của người Dao.
Sau lễ cấp Sắc, ông Lý Tày Vượng (thứ 2 từ trái sang) đã hơn 60 tuổi mới được chính thức công nhận là người đàn ông Dao trưởng thành. |
Theo quan niệm của người Dao Thanh Phán, đàn ông chưa được làm Lễ cấp sắc thì dù có lên chức ông nội, ông ngoại vẫn chưa được coi là người đàn ông trưởng thành. Vì vậy, con cháu được thụ lễ cấp sắc là mong ước của tất cả dòng họ từ khi cháu trai, chắt trai... đủ 18 tuổi vì phải được cấp sắc thì mới được công nhận chính thức là con cháu Bàn Vương - Thủy tổ của người Dao.
Các thầy cúng sẽ chọn ngày hợp với tuổi người được thụ lễ, thường vào dịp cuối năm hoặc đầu xuân; Gia đình có người được cấp sắc phải chuẩn bị lợn, gà, rượu, các vật phẩm ... để dâng lễ, tiếp đãi những người đến dự lễ.
Cụ Đặng Thị Mùi nay đã gần 90 tuổi mới lo được lễ cấp sắc cho con trai trưởng, cụ rất vui. Cụ nói, “Nghèo lắm, mấy chục năm rồi không làm được. Cứ thấy lo lo không biết lúc nào mới làm được lễ cấp sắc cho con trai. Bây giờ phấn khởi, làm được cho con cái thì vui lắm, mừng chứ".
Trước kia Lễ cấp sắc được tổ chức suốt 3 ngày đêm ở nhà của trưởng họ với rất nhiều nghi thức, nay đã được làm gọn trong hai ngày nhưng vẫn phải tuân thủ trình tự hành lễ. Vì vậy, công việc của buổi lễ sẽ được họ hàng, làng xóm nhiệt tình giúp đỡ, từ việc nấu nướng, dọn dẹp, chuẩn bị vật phẩm đến trang trí địa điểm hành lễ.
Cụ Đặng Thị Mùi (thứ 2 từ trái sang) và con dâu trưởng là bà Bàn Thị Mai (thứ 3 từ trái sang) không giấu được niềm hạnh phúc khi ông Lý Tày Vượng được làm lễ cấp sắc. |
Bà Bàn Thị Hai, đang thăn thoát sắp xếp đồ lễ giúp gia đình hôm nay có người được cấp sắc, cho biết: Điều này thể hiện tính gắn kết của cộng đồng người Dao nói chung và người Dao Thanh Phán nói riêng, "Từ trẻ đến giờ toàn đi hộ gia đình có người cấp sắc thôi, đến dự vui chứ. Chú Vượng được cấp sắc gia đình, họ hàng, làng xóm thấy vui hết. Theo phong tục của người Dao, đàn ông chưa được cấp sắc thì lớn vẫn là trẻ con đấy. Cấp sắc quan trọng lắm đấy”.
Mỗi buổi lễ cấp sắc có 7 thầy cúng hành lễ. Trong lúc làm lễ, phụ nữ không được ra vào khu vực làm lễ; trước và trong những ngày lễ diễn ra người đàn ông thụ lễ và những người trong gia đình phải kiêng kỵ rất nhiều như: không được sát sinh, những người đàn ông được làm lễ phải ăn chay trước đó vài ngày, không được nói chuyện với phụ nữ... Người được thụ lễ nếu đã lập gia đình sẽ được các thầy cúng làm lễ kết hôn để thần linh, ông bà tổ tiên chứng giám cho quan hệ vợ chồng. Đó cũng là niềm mong mỏi của những người vợ khi có chồng được làm lễ cấp sắc.
Bà Bàn Thị Mai, con dâu trưởng cụ Đặng Thị Mùi chia sẻ, “Không cấp sắc thì sau này ví dụ vợ chồng mất đi xuống âm phủ không được gặp nhau thì thiệt thòi. Mấy chục năm lấy chồng hôm nay chồng mới được làm lễ cấp sắc, rất vinh dự cho dòng tộc của gia đình tôi. Tôi rất vui vì sau này ai ai trong dòng tộc cũng tôn trọng chồng tôi”.
Ông Bàn Đức Giang, một trong 7 thầy cúng của Lễ cấp sắc, cho biết: Quan trọng nhất trong nghi lễ là cấp pháp danh cho người thụ lễ. Sau đó các Thầy sẽ dạy cho người thụ lễ một số điệu múa dâng rượu, lễ vật tạ ơn thần linh và răn dạy người thụ lễ về đạo lý làm người.
“Cái bàn cổ này, lễ cấp sắc này là văn hóa bản sắc dân tộc Dao từ xưa cho nên làm được thì gia đình bình an, làm ăn phát đạt, vợ chồng thương nhau cả đời. Đã cấp sắc thì phải làm việc thiện, đạo hiếu với bố mẹ, con cháu hiền lành. Cấp sắc thì đi đến đâu anh em nghe đến đấy, con cháu sau này có chỗ dựa. Phải dạy bảo con cháu giữ lại truyền thống của dân tộc và sau này lớn lên cũng phải thế”.
Các thầy cúng người Dao cũng cho biết: Những bài cúng, bài khấn và cả bài hát trong lễ cấp sắc nói lên khát vọng của con người, mong muốn có một cuộc sống sung túc hay thể hiện những quan niệm về đạo đức, sự tôn kính cha mẹ, tình nghĩa vợ chồng và cách đối nhân xử thế...
Tất cả những điều này giải thích tại sao Lễ cấp sắc được coi là lễ quan trọng nhất đối với người đàn ông dân tộc Dao Thanh Phán. Đó thực sự là phong tục cần gìn giữ và phát huy trước thực trạng nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc ít người đang có nguy cơ mai một trong cuộc sống hiện đại hôm nay./.