Dựng gươl - Nét văn hóa độc đáo của dân tộc Cơ Tu
VOV.VN -Theo người dân Cơ Tu, đã có nhà ở, bếp khói ấm cúng thì phải có gươl cho người dân trong thôn hội họp, trẻ em ngủ trưa.
Tây Giang (Quảng Nam) là được xem là nơi vẫn còn lưu giữ các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng của dân tộc Cơ Tu. Trong đó, mô hình gươl làng luôn được người dân nơi đây bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị đậm đà của dân tộc mình...
Đi dọc theo con đường mòn Hồ Chí Minh, ngang qua các địa bàn của xã Avương và Bhalêê, thỉnh thoảng bắt gặp những mái gươl đang được dựng lên dỡ dang ngay chính giữa mặt bằng mới của thôn. Ở thôn Xà Ơi 3, xã Avương nhiều hộ dân đang cật lực góp công tập trung xây dựng gươl để hoàn thành đúng tiến độ như thôn đã thống nhất. Mặt bằng mới được san ủi mở rộng, đa số người dân cũng đã làm xong nhà cửa ổn định, riêng gươl là công việc cuối cùng để huy động sức mạnh cộng đồng, dựng gươl cho vững chắc.
Theo người dân nơi đây, đã có nhà ở, bếp khói ấm cúng thì phải có gươl cho người dân trong thôn hội họp, trẻ em ngủ trưa. Gươl là nhịp sống của làng, thiếu nó thì làng cũng mất đi giá trị vốn có của nó. Già làng Bhling TrơNgâr tuổi đã cao nhưng vẫn hăng say cùng con cháu đục đẽo, khắc hoạ mọi hình thù khác lạ trong thân gỗ làm gươl. Với già làng, đó là trách nhiệm cần phải làm để cho con cháu sau này noi theo.
Tại các địa bàn trên, mùa này đang là mùa thu hoạch lúa ba trăng, nhiều người dân vẫn phân công người tham gia dựng gươl đều đặn. Ngay tại thôn Xà Ơi 1, hơn 20 người đang chạy đua với cái nắng gay gắt của mùa hè để sớm hoàn thành gươl. Anh Arất Bông bỏ cả buổi ăn trưa để cùng mọi người tranh thủ hoàn tất việc cắt cây, đục đẽo giao kịp cho mọi người lắp gươl trong buổi chiều. Việc ai nấy làm, phân công rõ ràng, làm xong việc này thì làm tiếp việc khác.
Anh Bông chia sẻ: “Ở xã Avương, nhiều mô hình gươl đẹp được hình thành tại các thôn trong xã. Hiện nay, gươl tại thôn Aréc được xem vẫn còn giữ nguyên giá trị truyền thống của dân tộc Cơ Tu. Trong gươl vẫn thường xuyên có người ở, nhất là các cụ già lớn tuổi hàn huyên nói chuyện, đan lát, uống trà bàn việc cần làm trong thôn, lửa vẫn cháy đều, giữ được sự vững chắc cho gươl.
Theo ông Alăng Bưu, Bí thư Đảng uỷ xã Avương, hiện nay xã đang tập trung chỉ đạo nhân dân các thôn xây dựng gươl tại các mặt bằng dân cư mới được hoàn thiện xong, không để nơi ở mới phải mất gươl làng, nên cần phải làm sớm từ đầu và đây cũng là công trình chào mừng đại hội đảng bộ sắp đến của xã nhà. Cũng theo ông Alăng Bưu, đến thời điểm này xã Avương đã dựng xong 5 gươl thôn, 1 gươl xã và người dân các thôn A'ur, Xà Ơi 1 và 3 cũng đang tập trung hoàn thành sớm gươl thôn.
Nằm dưới thung lũng đường Hồ Chí Minh, thôn Tà Làng, xã Bhalêê luôn chìm trong làn khói mờ ảo từ những mái nhà mới được dựng lên. Người dân nơi đây cũng đang tất bật với công việc làm gươl. Từ già đến trẻ được các tổ chức đoàn thể chính trị huy động, hăng say làm những phần việc của mình. Ngoài những giờ làm việc ở xã, anh Alăng Diệu-Bí thư đoàn xã Bhalêê cũng thường xuyên có mặt để tham gia làm với mọi người trong thôn.
Đề cập đến vấn đề này, ông Alăng Bưng - Phó trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện Tây Giang cho biết, toàn huyện Tây Giang đã khôi phục được 61/70 thôn có gươl, đạt 87,14%, đáng mừng là có 6 xã đã xây dựng gươl xã ngay tại trụ sở làm việc, đạt 60%. Từ việc bảo tồn bản sắc văn hoá gươl làng, huyện Tây Giang đã có 1.606 hộ đạt gia đình văn hoá, 31 thôn đạt chuẩn thôn văn hoá và 51 thôn đã tổ chức phát động xây dựng thôn văn hoá.
Với đặc thù là huyện biên giới, đa phần dân tộc Cơ Tu sinh sống, nhiều nét văn hoá bản địa tốt đẹp vẫn còn được người dân nơi đây bảo tồn, giữ gìn. Việc xây dựng gươl tại các thôn đã tô đậm thêm giá trị văn hoá Cơ Tu ngày càng đậm đà, tạo được niềm tin vững bền trong người dân trước nguy cơ văn hoá bản địa đang bị mai một dần.../.