Gặp gỡ nghệ sĩ hài Vân Dung và Hồng Vân

Họ là những người mang tiếng cười, mang không khí xuân đến cho mọi người những ngày Tết sum họp đầy ý nghĩa.

Trong những ngày giáp Tết ai cũng bận rộn, đặc biệt là đối với các nghệ sĩ hài. Tuy nhiên, điều đáng nói là sự bận rộn và sự tâm huyết của các nghệ sĩ hài là để mang tiếng cười, mang không khí xuân đến cho mọi người những ngày Tết sum họp đầy ý nghĩa.

Nhân dịp đầu năm mới Tân Mão, hai nghệ sĩ hài quen thuộc, Vân Dung và Hồng Vân chia sẻ với VOVNEWS những tâm sự đằng sau tiếng cười

** Các chị là những gương mặt quá quen thuộc, Tết năm nào cũng xuất hiện nhưng khán giả vẫn không thấy nhàm chán. Hai chị có thể chia sẻ với công chúng về công việc của mình? Làm thế nào để luôn làm mới mình?

Nghệ sĩ Hồng Vân
Nghệ sĩ Hồng Vân: Làm người nghệ sĩ, không phải mỗi năm mới làm mới mình mà mỗi giờ, mỗi khắc đều phải làm mới trên sân khấn. Phải hóa thân để không bị trùng lặp ở những vai diễn mình đã diễn. Đó là một sự làm mới.

Nghiệp văn nghệ sĩ, ngoài cuộc sống riêng tư, tối nào chúng tôi cũng hóa thân vào biết bao nhân vật. Ở mỗi nhân vật, mỗi cuộc sống của nhân vật chúng tôi đều muốn mang lại cho khán giả một món ăn tinh thần, sản phẩm về tinh thần. Bởi vậy, lúc nào cũng thế chúng tôi đều phải nỗ lực để làm mới mình.

** Với Vân Dung thì sao? Tôi thấy chị có một sự dũng cảm là luôn làm mình xấu đi?

Nghệ sĩ Vân Dung: (cười)… Cứ lúc nào Dung thấy mình xấu đi là Dung thấy tự tin và mãn nguyện vô cùng. Lên sân khấu cảm thấy mình hơi xinh một tý là mất tự tin lắm.

Mỗi lần ra đường, gặp Dung mọi người đều nói, “em ơi, sao trên sân khấu em xấu tệ thế, mà ngoài đời lại… xinh thế” (cười). Sướng lắm!

** Năm nay Vân Dung còn tự viết một kịch bản, chị có thể chia sẻ với khán giả?

Nghệ sĩ Vân Dung
Nghệ sĩ Vân Dung: Tiểu phẩm “Bu thằng Bời” là bài thi chuyển giai đoạn năm thứ 2 Nhà hát Tuổi trẻ của Dung cùng một bạn diễn. Tiểu phẩm này Dung đã diễn rất nhiều và tâm đắc với vai diễn. Không chỉ diễn ở thành phố mà nông thôn, ở đâu cũng được khán giả đón chào nồng nhiệt. Dung diễn vai này rất tự tin, vì…  được hóa trang rất xấu (cười).

** Trong quá trình diễn vở đó, có kỷ niệm nào khiến Vân Dung không thể quên?

Nghệ sĩ Vân Dung: Nhớ đời luôn! Trong “Bu thằng Bời”, Bời là tên cúng cơm của một thanh niên đã thoát ly lên Hà Nội. Ngày Bời cưới vợ, người yêu Bời đòi gia đình nhà trai phải có mặt ở Hà Nội để cho có đầu có đuôi. Thế là, mặc dù bụng chửa vượt mặt, chỉ còn hai hôm nữa là đẻ, Bu thằng Bời vẫn phải cất công cùng đứa em gái của Bời làm một chuyến ra tỉnh để ăn cưới thằng Bời. Nhiều tình huống khôi hài xảy ra khi một bà già quê mùa gần 50 tuổi phải loay hoay đối đáp với cô con dâu tương lai về cái bụng của mình.

Vậy mà, trong một lần diễn vai này, không hiểu tại sao, trong đời diễn Dung lại có một giây phút ngớ ngẩn đến như thế. Lên sân khấu mà quên đội bụng  mà vẫn diễn say mê nhiệt tình đến điên đảo. Đến màn kết nhìn xuống chẳng thấy bụng đâu. Dung tự cảm thấy xấu hổ vô cùng.

Trong khoảng khắc đó, Dung không biết làm thế nào. Chạy xuống xin lỗi khán giả hay chạy tụt vào trong sân khấu. Làm thế nào để giải thích cho sơ xuất này. Cũng may có lẽ do Dung diễn nhập vai quá lên khán giả đã không để ý. Và đến giờ, Dung vẫn áy náy là chưa có lời xin lỗi khán giả buổi diễn hôm đó.

Sau buổi diễn đó, Dung tự thấy, đây là bài học nhớ đời để khi bước chân lên sân khấu, phải chuẩn bị tất cả đạo cụ và phục trang chi tiết và tỉ mỉ. Không bao giờ được phép quên, được có lỗi với khán giả như vậy.

Vân Dung trong "Bu thằng Bời"

** Những tâm sự vủa Vân Dung, tôi nghĩ nếu khán giả nghe được cũng sẽ hiểu như đây là một lời xin lỗi. Còn với nghệ sĩ Hồng Vân, chị có kỷ niệm gì chia sẻ với khán giả không?

Nghệ sĩ Hồng Vân: Nói về kỷ niệm thì nhiều ơi là nhiều. Kỷ niệm vui nhiều hơn là kỷ niệm buồn. Kỷ niệm mà người ta nhớ nhất là kỷ niệm giống như Vân Dung vừa kể. Eo ơi, đáng nhớ (cười).

Tôi có một kỷ niệm đáng nhớ trong vở diễn “bà mất gà, ông mất nết”. Đạo diễn Thế Lữ viết vở kịch này, nhân vật là người phụ nữ miền Bắc. Khi diễn vở này, tôi lấy nguyên mẫu là bà bác ở Bắc Ninh. Trên sân khấu miền Nam, miền Trung hay Sài Gòn đều được đón nhận nồng nhiệt, khán giả cười nghiêng cười ngả.

Cách đây khoảng 17 năm, tôi ra Hà Nội diễn lần đầu tiên. Khán trường im phăng phắc, không một tiếng cười. Tôi sợ xanh mặt, không hiểu tại sao lại như vậy. Tôi vẫn cố gắng diễn cho đến hết vở, thỉnh thoảng vẫn có tiếng cười, nhưng tiếng cười rất lạ lùng. Tôi sợ và không biết làm thế nào.

Sáng sớm hôm sau chị Hương Loan ở đoàn Sao Đêm đến gặp tôi và nói: “em ơi, có khi mình phải đi về thôi” “Sao thế chị”. “Chị nghe người ta nói mình phải về ngay không đánh chết”. “Ôi chết! em có làm gì đâu mà đánh chết em”.

“Nhiều tội lắm: nhại tiếng, xây dựng hình ảnh người phụ nữ miền Bắc quá đánh đá, quá chua ngoa. Người ta không chấp nhận được. Người Hà Nội không thể tiếp nhận một cái gì đó quá sốc như vậy. Vai diễn này, nếu là người Hà Nội diễn thì không sao nhưng người ở trong Nam ra diễn là không thể chấp nhận được”.

Nghe vậy tôi sợ lắm, tôi nói với chị Hương Loan: “Thôi chị ơi, thế tối nay về luôn nhé”.

Sau đó, chị Hương Loan đã gọi cho anh Doãn Hoàng Giang. Anh Giang đã giúp chỉnh, chuốt lại và tối hôm sau trước khi diễn tôi đã có lời phi lộ trước với khán giả, kể về xuất thân là con gái Từ Sơn, Bắc Ninh và nhân vật sắp diễn là hình ảnh của bà bác ruột. Hiệu quả đêm diễn khác hoàn toàn so với tối hôm trước, không khí khán trường thành công không khác gì mọi miền khác!

Hồng Vân trong "Kẻ cắp găp bà già"

** Đằng sau những tiếng cười mang đến cho khán giả, chúng tôi biết rằng có cả những nhọc nhằn của người nghệ sĩ. Các chị đã mang đến tiếng cười, niềm lạc quan, yêu đời cho mọi người. Những phút giây thư giãn rất đáng quý. Nhưng điều khó nhất đối với các nghệ sĩ hài chính là nuôi tiếng cười, nuôi niềm lạc quan ở trong chính bản thân mình phải không các chị?

Nghệ sĩ Vân Dung: Có lẽ ông trời cho Dung mọi cái, từ công việc, gia đình cho đến tất cả bạn bè đồng nghiệp rất nhẹ nhàng và suôn sẻ. Dung chỉ thỉnh thoảng hay tự dưng buồn và không hiểu tại sao lại buồn. Thậm chí còn tự dưng khóc. Mọi người hỏi tại sao nhưng không trả lời được bởi chính mình cũng chẳng biết tại sao.

Người ta bảo, nghệ sĩ thường hay bay bổng, hay nghĩ ngợi rồi hay đi ở trên mây. Nhưng Dung lúc nào cũng đi ở mặt đất. Chỉ cần bước nửa bước chân ra khỏi sân khấu là Dung sống rất thật. Nói thẳng, nói thật và sống thẳng thắn.

Dung xác định mọi điều có thể xảy ra, từ cái xấu đến cái tốt, mình hãy bình tĩnh đón nhận nó. Hãy bằng lòng với tất cả những gì mình đang có.

Vân Dung trong "Siêu nịnh"

Nghệ sĩ Hồng Vân: Vân Dung thế, nhưng tôi phải thực tế hơn Vân Dung nhiều (cười). Với tôi vừa quản lý, rồi cơm áo gạo tiền, con số nhiều đồng hành với nghiệp diễn. Bởi vậy tôi phải tỉnh táo hơn rất nhiều.

Nói là như vậy, nhưng giống như giọt nước mắt mà Vân Dung không lý giải được (cười), đó là giọt nước mắt của người nghệ sĩ. Họ có những nhạy cảm rất ghê ghớm với cuộc sống. Thẩm thấu của người nghệ sĩ với cuộc sống nhiều và rất nhanh. Đi ra đường vào những ngày giá rét này, nhìn thấy những đứa bé mặc không đủ ấm là có thể khóc ngay được. Tôi nghĩ đó là cái trời ban. Bởi khi mất đi cái đó, khô cứng với tất cả thì người nghệ sĩ không thể đứng trên sân khấu được nữa.

Hồng Vân trong "Trẻ em không được ăn thịt chó"

** Các chị đã đem hết những đam mê và sức lực của mình để cống hiến cho nghệ thuật. Xin cảm ơn các chị, chúc tình yêu với nghệ thuật của các chị ngày càng mạnh mẽ. Chúng tôi luôn chờ đón những vai hài đặc sắc của các chị./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên