Giải mã câu chuyện “xuất khẩu văn hóa” của Hàn Quốc

VOV.VN - Sự cộng hưởng của tư tưởng, tri thức và văn hóa đại chúng chính là chìa khóa giúp cho làn sóng văn hóa Hàn Quốc thành công.

Trong vòng gần 20 năm trở lại đây, khu vực châu Á trong đó có Việt Nam đã chứng kiến một “làn sóng văn hóa” Hàn Quốc lan tỏa mạnh mẽ và gây hiệu ứng rộng rãi đặc biệt với giới trẻ các nước. Một người nước ngoài từ chỗ chưa hề có khái niệm gì về đất nước Hàn Quốc, chưa từng đặt chân đến bất cứ địa phương nào của Hàn Quốc vẫn có thể tường tận những đặc điểm văn hóa, ẩm thực, con người của “xứ sở Kim Chi”.

Biểu hiện mạnh hơn, đó là xu hướng thần tượng, hâm mộ quá đà của giới trẻ như tại Việt Nam đã xảy ra. Nhiều ý kiến nặng nề còn cho rằng, văn hóa Hàn Quốc đang tấn công văn hóa các nước, trong đó có Việt Nam.

 

Ông Park Nark Jong (Ảnh: Lê Vương Bá Hiếu)

Trước thực tế này có lẽ chúng ta cần đặt câu hỏi rằng: Vì sao Hàn Quốc lại thành công trong việc “xuất khẩu văn hóa” như vậy? Ông Park Nark Jong - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam sẽ trả lời cho câu hỏi này với kinh nghiệm và tâm thế một người trong cuộc.

PV: Với vai trò là giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam, cũng là một người Hàn Quốc sinh sống và làm việc ở Việt Nam trong nhiều năm, ông cảm thấy thế nào khi văn hóa Hàn Quốc đang được phổ biến cực kỳ rộng rãi tại Việt Nam cũng như nhiều nước châu Á khác?

Ông Park Nark Jong: Trước hết, với tư cách cá nhân là Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam, tôi rất cảm ơn trước sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng Việt Nam dành cho văn hóa Hàn Quốc. Trong thời gian làm việc tại Việt Nam, tôi cũng cảm thấy người Hàn Quốc cũng phải học tập sự cởi mở trong việc đón nhận văn hóa của giới trẻ Việt Nam. Chỉ khoảng hơn chục năm trước, Chính phủ Hàn Quốc cũng rất lo lắng trước sự xâm nhập của nền văn hóa ngoại nhập. Chúng tôi đã rất lo sợ rằng văn hóa Hàn Quốc cũng sẽ bị mai một, giới trẻ Hàn Quốc cũng sẽ rời xa văn hóa của đất nước.

Vì vậy, chúng tôi đã đặt ra cho mình một mục tiêu là làm thế nào để văn hóa Hàn Quốc trở nên đa dạng cũng như trở nên phong phú hơn để có thể không những thu hút người dân Hàn Quốc mà còn làm cho người dân các nước khác quan tâm đến văn hóa của chúng tôi. Vì vậy, bây giờ chúng tôi cũng rất tự hào khi văn hóa Hàn Quốc từ chỗ bị lung lay trước sự xâm nhập của văn hóa nước ngoài thì giờ đây có khả năng cạnh tranh mang tầm thế giới.

PV: Một người dù chưa hề đến Hàn Quốc nhưng lại có thể hình dung thế nào là văn hóa Hàn Quốc, điều này chắc chắn không phải tự nhiên mà có. Vậy Hàn Quốc đã bắt đầu xây dựng chiến lược dài hơi cho văn hóa từ thời điểm nào và nội dung chủ đạo là gì, thưa ông?

Ông Park Nark Jong: Phải thú thực, Chính phủ Hàn Quốc cũng không ngờ rằng, tốc độ phát triển và tốc độ lan tỏa của văn hóa đại chúng Hàn Quốc lại diễn ra nhanh đến thế. Có thể kể đến một dấu mốc trong lộ trình phát triển văn hóa Hàn Quốc, đó là năm 1988, khi Hàn Quốc tổ chức Thế vận hội thế giới Seoul. Lúc đó, chúng tôi bắt đầu ý thức được về sự quan trọng của việc phát triển, giới thiệu văn hóa của đất nước mình đối với thế giới cũng như bạn bè xung quanh. Chính vì vậy, khi đó chúng tôi mới bắt đầu học tập và tìm hiểu các cách thức có thể giới thiệu, quảng bá một cách hiệu quả nhất.

Đến thập niên 90 của thế kỷ trước, Chính phủ Hàn Quốc mới xây dựng các kế hoạch cũng như các chính sách liên quan đến văn hóa. Sau đó đến thế kỷ 20 mới bắt đầu bắt tay vào việc chấn hưng cho văn hóa của mình.

Có thể nói vào thời điểm đó, ngân sách dành cho văn hóa của chúng tôi còn nhiều hơn cả Nhật Bản. Ở Hàn Quốc cũng có nhận xét cho rằng, văn hóa Hàn Quốc có thể được phát triển và được truyền bá mạnh mẽ như bây giờ trước hết phải kể đến nguồn đầu tư từ nhân dân. Và sau đó Chính phủ thông qua các Quỹ hỗ trợ văn hóa cũng như là các chế độ, chính sách trợ giúp mới có thể đưa tới kết quả như bây giờ.

Hình ảnh trong bộ phim nổi tiếng ở nhiều quốc gia trên thế giới do Hàn Quốc sản xuất - "Bản tình ca mùa đông"

PV: Theo một ý kiến của GS. Bae Sang Soo - Tổng thư ký Hội những người Hàn yêu Việt Nam thì cách đây gần 20 năm trước, Hàn Quốc cũng đã lâm vào tâm trạng như Việt Nam bây giờ, khi rất lo lắng về thực trạng giới trẻ Hàn cũng hâm mộ quá đà các ngôi sao phương Tây và xa rời văn hóa dân tộc… Đây được đánh giá chính là điều kiện xúc tác cho giai đoạn bước ngoặt của văn hóa Hàn Quốc cho đến hiện nay. Ông có thể chia sẻ kỹ hơn về thời điểm này?

Ông Park Nark Jong: Nhận xét của giáo sư Bae Sang Soo là rất chính xác bởi 20 năm trước đây khi văn hóa phương Tây tràn vào Hàn Quốc, giới trẻ hâm mộ văn hóa nước ngoài thì bản thân tôi là người đã chứng kiến và trực tiếp trải qua giai đoạn này. Có thể nói thập niên 60-70 thì những ngôi sao nhạc Pop của phương Tây, các ngôi sao Hollywood như Audrey Hepburn, Liz Taylor được các bạn trẻ treo rất nhiều poster trong phòng. Đến những năm thập niên 80-90 thì người Hàn Quốc cực kỳ yêu thích các ngôi sao phim Hong Kong như Châu Nhuận Phát….

Như tôi cũng đã chia sẻ, năm 1988, thời gian Hàn Quốc tổ chức thế vận hội Olympic chính là cơ hội, điểm nhấn và cũng là một bước ngoặt cho chính phủ Hàn Quốc quyết định mở cửa văn hóa và hoàn thiện hơn nền văn hóa của mình; đồng thời cũng là cơ hội thúc đẩy tính cạnh tranh của văn hóa Hàn Quốc. Lúc đó chúng tôi cũng đi từ điểm xuất phát là những yếu tố từ phía người dân. Chính những nhà kinh tế tư nhân đã góp phần giới thiệu và thúc đẩy, tìm kiếm nhiều nguyên liệu, đề tài, hướng đi mới cho văn hóa thời bấy giờ.

Chính giới trẻ Hàn Quốc đã nhận thức được giá trị của những sản phẩm văn hóa trong nước và họ đã dần dần xa rời văn hóa phương Tây. Đến thập niên 90, chúng tôi đã lập được một chính sách cụ thể để phát triển và hỗ trợ cho phát triển văn hóa đại chúng. Khi đó chúng tôi cũng tạo rất nhiều môi trường thuận lợi để cho các nghệ sỹ có thể sáng tác, hoạt động.

PV: Có ý kiến cho rằng, sự cộng hưởng của tư tưởng, tri thức và văn hóa đại chúng chính là chìa khóa giúp cho làn sóng Hallyu thành công. Là người trong cuộc, ý kiến của ông về ý kiến này như thế nào?

Ông Park Nark Jong: Quả thật chính phủ Hàn Quốc đã nỗ lực rất nhiều trong việc cải thiện môi trường sáng tác cũng như phát triển văn hóa nghệ thuật. Có thể kể đến một số ví dụ cụ thể như: Chính phủ lập các quỹ để hỗ trợ văn hóa, quỹ này có vai trò sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc sản xuất các sản phẩm văn hóa có chất lượng. Ngoài ra, với các dự án được các doanh nghiệp tư nhân đầu tư thì chúng tôi có thể miễn thuế cho họ trong quá trình họ sản xuất được những tác phẩm có chất lượng, hiệu quả lan tỏa cao.

Về các chế độ, chính sách, pháp luật thì chúng tôi cũng cố gắng cải thiện và hoàn thiện hơn để giúp cho các doanh nghiệp có động lực hơn trong việc sản xuất các tác phẩm văn hóa. Bên cạnh đó để định hướng phát triển và tìm kiếm các nội dung văn hóa hay và ý nghĩa, chúng tôi cũng tiến hành nghiên cứu các ví dụ và trường hợp điển hình trên thế giới của các nền văn hóa tiên tiến từ đó lập ra phương hướng, định hướng phát triển cho các doanh nghiệp.

Một phương châm của chính phủ Hàn Quốc đó là: “Văn hóa như một dòng chảy và chúng tôi không ngăn cản dòng chảy đó mà ngược lại, chúng tôi sẽ dựa trên sức mạnh của dòng chảy đó để cùng góp sức phát triển theo một hướng tốt hơn, phù hợp hơn”. Ví dụ, bản thân người Hàn Quốc rất thích âm nhạc, chính vì vậy mà từ thế kỷ 20 cho đến nay, chúng tôi cũng mở cửa đón nhận âm nhạc nước ngoài, phản ánh thị hiếu người dân. Nên nhìn vào thị trường âm nhạc Hàn Quốc các bạn sẽ thấy rất đa dạng, từ nhạc pop Tiếng Anh, nhạc Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines… Có thể nói, tất cả những yếu tố đó đã cộng hưởng để góp phần phát triển âm nhạc Hàn Quốc.

Nghệ sĩ Hàn Quốc biểu diễn tại Việt Nam (Ảnh: Hà Phương)

Ngoài ra một xu hướng để phát triển, khiến cho văn hóa được bay cao, bay xa hơn đó là các mạng xã hội. Chính từ những mạng xã hội này mà những sản phẩm văn hóa đại chúng của chúng tôi đã tiếp cận xa hơn, nhanh hơn đến công chúng. Còn chính phủ đóng vai trò định hướng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc tìm hiểu xu hướng về phát triển văn hóa trên thế giới, từ đó định hướng cho các doanh nghiệp phát triển bài bản hơn.

Đây là một loạt giải pháp trong quá trình chính phủ Hàn Quốc và các doanh nghiệp tư nhân phối hợp để trong một thời gian ngắn, những sản phẩm của văn hóa đại chúng Hàn Quốc có thể được phát triển và được biết đến rộng rãi như vậy.

PV: Không thể phủ nhận sự phủ sóng và tác động mạnh mẽ của văn hóa Hàn Quốc đến các quốc gia châu Á và hiện nay là cả châu Âu và Nam Mỹ. Thế nhưng, dường như người ta cũng đang thấy một sự thoái trào và bão hòa văn hóa Hàn Quốc ở các nước như Việt Nam, khi các bộ phim và các ca sĩ không được hâm mộ nhiều như trước. Vậy Hàn Quốc dự kiến sẽ có các bước đi tiếp theo như thế nào?

Ông Park Nark Jong: Thực ra việc làn sóng Hallyu xuất hiện và có thể phát triển được không phải do vai trò của Chính phủ quyết định. Những người đầu tiên khởi xướng và phát triển làn sóng Hallyu là khối doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức ngoài nhà nước. Tức là, những người dân Hàn Quốc mới đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển cho làn sóng Hallyu. Còn về phía Chính phủ, chúng tôi chỉ đóng góp về mặt chế độ, chính sách như lập các quỹ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, như miễn thuế cho các sản phẩm văn hóa, tìm kiếm, định hướng phát triển.

Nhìn từ một góc độ nào đó, làn sóng Hallyu với văn hóa đại chúng là trọng tâm đang ở giai đoạn thoái trào. Tuy nhiên theo suy nghĩ của tôi thì đây là một sự mở rộng về các khía cạnh và lĩnh vực phát triển văn hóa, tức là đa dạng hóa các sản phẩm văn hóa. Nhìn về mức độ phát triển, chúng tôi đang cố gắng phát triển vào chiều sâu, mở rộng ra nhiều lĩnh vực cho làn sóng văn hóa này.

Cụ thể, chúng tôi không chỉ phát triển và quảng bá dựa trên văn hóa đại chúng đơn thuần nữa mà chúng tôi đang muốn nhấn mạnh thuật ngữ “K-Culture” tức là “Văn hóa Hàn Quốc”, nó bao gồm rất nhiều nét văn hóa liên quan đến ăn, mặc, ở của người Hàn Quốc. Ví dụ như ẩm thực hay chữ viết Hàn Quốc, đều là những hướng đi mà chúng tôi đang phát triển. 

PV: Với vai trò là một người dân Hàn Quốc cũng là một người làm văn hóa, ông có chia sẻ gì với Việt Nam để phát triển văn hóa của riêng mình?

Ông Park Nark Jong: Theo như tôi được biết, tại Việt Nam cũng đang xây dựng các chiến lược về văn hóa, tầm nhìn phát triển văn hóa đến năm 2020. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của bản thân tôi thì ngay lập tức có thể phát triển nền văn hóa là điều không thể, chúng ta cần có các bước chuẩn bị kỹ lưỡng cho một nền công nghiệp văn hóa đúng ý nghĩa của nó. Tức là cần có những nguyên liệu, cơ sở cần thiết.

Về Chính phủ cũng cần có các chính sách như lập quỹ, có chế độ ưu đãi, miễn thuế cho các doanh nghiệp làm văn hóa để hỗ trợ phát triển. Tất nhiên, tài chính, ngân sách là một vấn đề quan trọng và Chính phủ cũng cần đầu tư. Ngoài ra, để làm ra một sản phẩm văn hóa không chỉ tiêu thụ ở trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài thì cần tìm hiểu và phát hiện các xu hướng về thưởng thức văn hóa thế giới, từ đó mới có thể thành công.

PV: Cảm ơn ông Park Nark Jong./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Lộ diện dàn MC trẻ của Music Bank tại Hà Nội
Lộ diện dàn MC trẻ của Music Bank tại Hà Nội

VOV.VN - Ba ca sĩ trẻ Chanyeol, Bora và Onew đã xác nhận làm MC cho chương trình Music Bank của Đài Truyền hình KBS tại Hà Nội.

Lộ diện dàn MC trẻ của Music Bank tại Hà Nội

Lộ diện dàn MC trẻ của Music Bank tại Hà Nội

VOV.VN - Ba ca sĩ trẻ Chanyeol, Bora và Onew đã xác nhận làm MC cho chương trình Music Bank của Đài Truyền hình KBS tại Hà Nội.

Music Bank Hà Nội: “Fan cuồng” đã hết cuồng?
Music Bank Hà Nội: “Fan cuồng” đã hết cuồng?

VOV.VN - Khác với hình ảnh ôm nhau khóc lóc, hàng loạt người chen lấn, ngất xỉu… Music Bank Hà Nội 2015 đã có những hình ảnh văn minh, lịch sự hơn.

Music Bank Hà Nội: “Fan cuồng” đã hết cuồng?

Music Bank Hà Nội: “Fan cuồng” đã hết cuồng?

VOV.VN - Khác với hình ảnh ôm nhau khóc lóc, hàng loạt người chen lấn, ngất xỉu… Music Bank Hà Nội 2015 đã có những hình ảnh văn minh, lịch sự hơn.

EXO thích thú hát tiếng Việt trong buổi họp báo Music Bank
EXO thích thú hát tiếng Việt trong buổi họp báo Music Bank

VOV.VN - Buổi họp báo chương trình Music Bank tại Hà Nội với sự tham dự của đại diện 7 nhóm nhạc Hàn Quốc đã diễn ra vào chiều 28/3.

EXO thích thú hát tiếng Việt trong buổi họp báo Music Bank

EXO thích thú hát tiếng Việt trong buổi họp báo Music Bank

VOV.VN - Buổi họp báo chương trình Music Bank tại Hà Nội với sự tham dự của đại diện 7 nhóm nhạc Hàn Quốc đã diễn ra vào chiều 28/3.

Người hâm mộ tức giận vì Music Bank giảm giá vé hàng loạt
Người hâm mộ tức giận vì Music Bank giảm giá vé hàng loạt

VOV.VN - Việc BTC quyết định giảm 50% giá vé bán trực tiếp trong đêm nhạc hâm nóng Music Bank tại Hà Nội tối 21/3 đã khiến nhiều người hâm mộ bức xúc.

Người hâm mộ tức giận vì Music Bank giảm giá vé hàng loạt

Người hâm mộ tức giận vì Music Bank giảm giá vé hàng loạt

VOV.VN - Việc BTC quyết định giảm 50% giá vé bán trực tiếp trong đêm nhạc hâm nóng Music Bank tại Hà Nội tối 21/3 đã khiến nhiều người hâm mộ bức xúc.