Giáo sư Harvard đến Việt Nam dạy kiếm tiền trong showbiz
VOV.VN - “Chiến lược bom tấn” của Giáo sư Anita Elberse viết về một xu hướng táo bạo mới trong kinh doanh ngành giải trí tại Mỹ và thế giới.
Sáng ngày 4/4 tại Hà Nội, Nhà xuất bản Dân trí chính thức cho ra mắt cuốn sách “Chiến lược bom tấn” – Chiến lược táo bạo trong kinh doanh ngôi sao và showbiz ở Mỹ của Giáo sư trường Đại học Harvard Anita Elberse. Cuốn sách phân tích về chiến lược kinh doanh của các tập đoàn như Walt Disney, Warner Bros hay những ngôi sao như Lady Gaga, LeBron James và cũng nói về các bước đi táo bạo của câu lạc bộ bóng đá như Real Madrid và Barcelona.
Tác giả cuốn sách "Chiến lược bom tấn" - Giáo sư Anita Elberse (phải) và dịch giả Lê Đắc Lâm |
“Chiến lược bom tấn” là cuốn sách đầu tay của Giáo sư Anita Elberse. Bà là một trong những giáo sư trẻ nhất của Đại học Harvard và đã từng lọt vào danh sách 40 giáo sư dưới 40 tuổi ở Mỹ. Nắm rõ các nguyên lý và nhân tố tạo nên thành công cho các sản phẩm truyền thông, giải trí, thể thao và cách thức áp dụng chiến lược bom tấn và marketing hiệu quả không chỉ trong ngành sáng tạo và còn nhiều ngành nghề khác, Giáo sư Anita được nhiều tạp chí lớn đánh giá cao như "bậc thầy" hay "phù thủy" của ngành truyền thông giải trí.
Cuốn sách viết về chiến lược “bom tấn” - xu hướng mới của thị trường giải trí bên Mỹ. Các công ty, các tập đoàn giải trí tập trung nhiều hơn vào 1, 2 dự án thay vì dàn trải ra. GS Anita Elberse cho biết, cuốn sách trả lời cho những câu hỏi như tại sao Hollywood lại làm những bộ phim “Bom tấn” như Iron Man, hay tại sao Tom Cruise lại được trả 70 triệu USD cho một bộ phim, hoặc là tại sao Lady Gaga có thể thành công như vậy…
"Iron Man 3" là bộ phim đạt doanh thu cao nhất năm 2013 với 1,2 tỷ USD |
GS Anita Elberse đưa ra kết luận rằng hướng kinh doanh hiệu quả và an toàn nhất cho các doanh nghiệp trong làng giải trí lại chính là “kinh doanh bom tấn”. Đây là chiến lược mà nhiều người coi là quá mạo hiểm, khi tập trung đa số nguồn lực của một công ty vào một dự án hoặc một ngôi sao. Nhưng qua ví dụ của những tập đoàn và những ngôi sao giải trí lớn nhất trên thế giới, tác giả Anita Elberse lại cho thấy ngược lại với những gì nhiều người nghĩ, đây mới chính là chiến lược an toàn và hiệu quả nhất.
“Điều tôi phát hiện ra sau khi nghiên cứu, đó là đa phần các công ty với quy mô lớn đang đi theo chiến lược này. Họ tìm ra dự án sớm ngay từ đầu, họ tin rằng sẽ thành công, và đầu tư một khoản tiền lớn để phát triển. Ví dụ cơ bản nhất là hãng phim Wanner Bros một năm họ làm 20 - 25 bộ phim mà trong đó họ sẽ chọn ra 2 - 3 bộ phim có ngân sách rất lớn từ 200 - 300 triệu USD. Tưởng như chiến lược có rủi ro cao nhất, nhưng lại mang về nhiều lợi nhuận nhất. Điều này ngược lại với tư duy của nhiều người là chia nguồn lực ra nhiều dự án, không an toàn bằng” – GS Anita Elberse chia sẻ.
Giáo sư Elberse nhận thấy các phim bom tấn như “Star Wars”, “Avatar”, “Friends” hay “Harry Potter”... đã đến gần với cái gọi là “tạo quyến rũ cho một số ít sản phẩm bằng những khoản đầu tư lớn bất thường” và “những người kinh doanh thông minh chỉ đánh cược vào một số ít sản phẩm thắng cuộc. Đó là nơi mà lợi nhuận khủng sẽ đến”.
Cuốn sách do dịch giả Lê Đắc Lâm dịch và chịu trách nhiệm xuất bản phát hành. Chia sẻ về cuốn sách, dịch giả Lê Đắc Lâm cho biết, chiến lược bom tấn là xu hướng mới của ngành giải trí. Xu hướng mới này rất phù hợp với sự phát triển của ngành giải trí Việt Nam bây giờ.
Bìa cuốn sách "Chiến lược bom tấn" |
Theo dịch giả Lê Đắc Lâm, trong giới giải trí của Việt Nam, chiến lược vẫn chưa đi theo hướng phát triển cụ thể như ở Mỹ. Việc đầu tư rất dàn trải. “Khi tham khảo cuốn sách này, một số doanh nghiệp có thể sẽ tập trung đi theo mô hình “bom tấn”, phát triển một số dự án nâng cao chất lượng hơn, thay vì làm nhiều dự án ở mức độ trung bình. Hi vọng trong tương lai Việt Nam sẽ có một dự án bom tấn, một bộ phim bom tấn nào đó mang ảnh hưởng đến khu vực” – dịch giả Lê Đắc Lâm nói.
Dịch giả Lê Đắc Lâm cho rằng, cuốn sách lấy ví dụ từ những ngôi sao giải trí, những câu lạc bộ bóng đá và những công ty truyền thông lớn nhất thế giới, giúp cho người đọc cảm thấy rất gần gũi, dễ hiểu với các chủ đề trong sách./.