Giới thiệu Tủ sách "Thăng long ngàn năm văn hiến"

Dự án đầu tư điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản "Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến" được khởi động từ giữa năm 2007, nhằm hệ thống hoá, tổng kết các giá trị văn hiến Thăng Long-Hà Nội qua tiến trình 1000 năm lịch sử

Ngày 12/11, phát biểu khai mạc chuỗi hoạt động tuyên truyền giới thiệu về "Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến" do Nhà xuất bản (NXB) Hà Nội tổ chức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng kêu gọi nhân dân Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục thể hiện tình cảm mến yêu Hà Nội bằng việc gửi những tư liệu về Thăng Long-Hà Nội tham gia xây dựng “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”.

Dự án đầu tư điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản "Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến" do Nhà xuất bản Hà Nội làm chủ đầu tư được khởi động từ giữa năm 2007, nhằm hệ thống hoá, tổng kết các giá trị văn hiến Thăng Long-Hà Nội qua tiến trình 1000 năm lịch sử. Dự án đã thực hiện được các hạng mục: điều tra sưu tầm tư liệu trong và ngoài nước; biên soạn, xuất bản các đề tài của Tủ sách; biên soạn, xuất bản sách điện tử. Trong đó đã lập 12 tập phiếu thông tin tư liệu; xây dựng 29 tập tài liệu thư mục về: tư liệu cổ, địa bạ, hương ước, văn bia, công trình nghiên cứu gồm 1300 trang; xây dựng 21 tập tư liệu khảo sát điều tra, sưu tầm thực địa tại các cơ quan lưu trữ với trên 2000 trang; tuyển chọn, xây dựng 3 bộ tuyển tập các công trình nghiên cứu khoa học về Thăng Long-Hà Nội gồm Tuyển tập các công trình nghiên cứu khoa học về Lịch sử, Tuyển tập các công trình nghiên cứu khoa học về Văn học - Nghệ thuật và Tuyển tập các công trình nghiên cứu khoa học về Văn hoá - Xã hội. Dự án cũng đã điều tra, sưu tầm được hàng trăm tập tư liệu chữ Hán Nôm về Hương ước, Địa bạ, Văn bia, Thần tích thần sắc, Địa chí và các tư liệu Hán Nôm khác; sưu tầm hàng trăm trang tư liệu chữ phương Tây; tổ chức khảo sát, điều tra, xây dựng hồ sơ điều tra, sưu tầm theo đơn vị hành chính trên địa bàn Hà Nội.

Dự án đang tiến hành phân loại các nhóm tư liệu theo nội dung, thẩm định đánh giá giá trị tư liệu, lựa chọn những tư liệu cần thiết tiến hành dịch và hiệu đính (chữ Hán Nôm và phương Tây). Trên cơ sở đó sẽ xây dựng Bộ Tổng thư mục đề yếu văn hiến Thăng Long -Hà Nội gồm 5 tập, các Tuyển tập tư liệu tiêu biểu về hương ước, văn bia, địa bạ, địa chí, thần tích thần sắc, tư liệu nước ngoài, tuyển tập các văn kiện lịch sử. Cùng với đó sẽ xây dựng kho dữ liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội nhằm lưu giữ và phục vụ lâu dài cho công tác nghiên cứu khoa học.

Đặc biệt, NXB Hà Nội còn phát động cuộc vận động “Hành trình tìm kiếm sách và các tư liệu quý hiếm về Thăng Long - Hà Nội” thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, các tầng lớp nhân dân Thủ đô, nhân dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế yêu mến Hà Nội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên