"Giọng đọc vàng" Tuyết Mai
Tuyết Mai là phát thanh viên Đài TNVN đầu tiên được Nhà nước phong danh hiệu NSƯT đợt I năm 1984, danh hiệu NSND năm 1993. Còn hàng triệu thính giả trong cả nước thì tôn vinh là “Giọng đọc vàng trên sóng phát thanh”
Nữ phát thanh viên lừng danh một thời đang ngồi trước tôi đây. Bà đã bước vào tuổi 84. Đã 84 tuổi rồi! Ngay tôi nhiều năm làm việc với bà ở Đài cũng ngỡ ngàng. Thời gian vèo trôi, nhanh quá! ấy vậy mà với Bùi Thị Thái, cái mốc 50 năm trước mãi mãi là một cái mốc đáng nhớ.
Đó là thời điểm tạo “bước ngoặt” cho cuộc đời của người đàn bà mà hàng triệu, hàng triệu người chỉ nghe: Đây là Tiếng nói Việt Nam... trên sóng thôi, đã vô cùng trân trọng, quý mến. Bước ngoặt bởi hai sự kiện “trọng đại” với Bùi Thị Thái: Trở thành phát thanh viên chính thức Đài Phát thanh Quốc gia với nghệ danh Tuyết Mai, và đính hôn với nghệ sĩ Phan Phúc, lập gia đình ở tuổi 33.
Bùi Thị Thái người đảo Cát Hải - miền đông bắc Tổ quốc. Chị sớm tham gia cách mạng ngay từ những ngày đầu tháng Tám lịch sử, và khi Đài TNVN thành lập ngày 7/9/1945, Bùi Thị Thái đã có mặt trong những buổi ghi âm trực tiếp những bài hát cách mạng rực lửa, phát sóng nơi Đài “tạm trú” ở một ngôi nhà trên đường Phạm Ngũ Lão - Hà Nội. Bùi Thị Thái đã hát nhiều bài hát bằng tiếng Pháp cực kỳ hấp dẫn. Hấp dẫn cũng bởi chị là ca sĩ đầu tiên (và dường như duy nhất) hát do dàn nhạc kèn (kèn Tây) của bộ đội ta đệm. Dàn nhạc do Đại úy - nhạc sĩ nổi tiếng Đinh Ngọc Liên (anh em thường gọi thân mật là Quản Liên) chỉ huy. Tình yêu đến với đôi trai tài gái sắc thật tự nhiên. Trong vòng chưa đầy 10 năm, họ đã có với nhau ba người con. Ngạc nhiên đến cảm động là cho tới nay, ba gia đình nhỏ vẫn quây quần ở quanh ngôi nhà số 5 Trần Phú, Hà Nội, bên người mẹ hiền. Đinh Thắng Lợi là một vị tướng trong quân đội. Tên người con gái thứ ba - Tuyết Mai - trở thành nghệ danh phát thanh viên của mẹ nửa thế kỷ qua.
Hòa bình lập lại trên miền Bắc, Đài TNVN từ chiến khu trở về đóng đô ở 58 phố Quán Sứ, Hà Nội. Cảm nhận tài năng không phát triển bằng con đường ca hát, Bùi Thị Thái xin chuyển sang làm phát thanh viên. Và từ mùa xuân 1958, giọng đọc Tuyết Mai xuất hiện trên sóng. Ngay từ buổi đầu, người nghe đài đã cảm mến giọng nữ trung mượt mà, êm ái. Không chỉ tròn vành rõ chữ mà hết sức chuẩn mực tiếng Việt xứ Bắc, âm sắc thanh thoát đầy biểu cảm. Thính giả mọi miền đất nước nhiều thập niên qua vẫn cho rằng, giọng nghệ sĩ ngâm thơ Trần Thị Tuyết và phát thanh viên Tuyết Mai là đặc sắc hơn cả.
Đặc sắc, không chỉ do có giọng trời phú. Thật sự đó còn là thành quả của một quá trình khổ luyện kiên nhẫn, miệt mài hằng ngày, hằng tháng, hằng năm. Riêng “vận động cơ học” thôi cũng phải rất bài bản. Sớm sớm, ngoài luyện tập thể dục còn phải dành nhiều thời gian để luyện thanh, luyện giọng trước khi tới Đài.
Thời chống Mỹ, trong các buổi phát thanh thời sự, chính luận, cùng với các giọng nam như: Việt Khoa, Kiên Cường, Nguyễn Thơ, Trần Phương..., giọng đọc Tuyết Mai đã làm nức lòng đồng bào, chiến sĩ cả nước. Rồi những buổi “Đọc truyện đêm khuya”, Tiết mục “Tiếng thơ”, Chương trình “Dành cho đồng bào ở xa Tổ quốc” phát trên làn sóng điện vào những buổi chiều về, đêm xuống. Từ bưng biền Đồng Tháp xa ngái, đến những cánh rừng không tên suốt dải Trường Sơn dằng dặc, các tỉnh thành miền Bắc, các miền hải đảo xa xôi, những vùng hẻo lánh... đã biết bao nhiêu người lặng nghe giọng Tuyết Mai từ chiếc máy thu thanh bán dẫn như tiếng của người bạn tâm tình, gần gũi thân thương. Nghe đến nao lòng!
Ham học hỏi, luôn luôn cầu thị là một tố chất rất đáng quý ở Tuyết Mai. Mặc dù đã là một giọng đọc nổi danh nhưng dường như chúng tôi chưa bao giờ thấy bà tỏ vẻ kiêu với mọi người. Dung dị và hiền hòa - đấy là Tuyết Mai. Có lần đọc một bài tìm hiểu nghệ thuật chèo, bà vô tình đọc “chiếng chèo”, thành “chiếu chèo”. Tôi ra hiệu ngưng lại, vào phòng thu giải thích ý nghĩa khác nhau của từ “chiếng” và từ “chiếu”. Bà cười thành thật bảo chưa hay biết gì về “chiếng chèo” nên đã nhầm lẫn, xin đọc lại cho chính xác. Vậy đó. Sự ham học, ham đọc với nữ nghệ sĩ bền bỉ cho tới bây giờ, khi tuổi đã ngoài bát thập. Đầu giường bà đầy sách. Bà nói với tôi, bây giờ đọc không cần phải đeo kính. Có khi mải mê đọc suốt ngày. Phần lớn là sách văn học. Trước kia đọc cho nhiều thính giả nghe các tiểu thuyết, truyện ngắn trong chương trình “Đọc truyện đêm khuya”, từ ngày nghỉ hưu mới có thời gian đọc cho mình, thẩm thấu cái hay, cái sâu sắc của những tác phẩm nổi tiếng trong nước, ngoài nước.
Như đã đề cập, năm 1958, nghệ sĩ Tuyết Mai đến với cuộc hôn nhân lần thứ hai. Năm ấy, nghệ sĩ Phan Phúc mới bước vào tuổi 23, chưa hề lập gia đình. Phan Phúc sinh năm 1935, là chàng thanh niên trang nhã đẹp trai, người Hà Nội gốc. Ông từng là nghệ sĩ độc tấu violon dàn nhạc Đài TNVN, dàn nhạc Giao hưởng Hợp xướng nhạc vũ kịch. Sau thời gian tu nghiệp tại Nhạc viện Sofia - Bungari, ông trở lại Đài và từ 1972 là Trưởng Đoàn ca nhạc ủy ban Phát thanh - Truyền hình và Đài TNVN tới khi nghỉ hưu, năm 1988. Phan Phúc là người nghệ sĩ kéo vĩ cầm, miệng cười tươi ngay dưới bàn tay chỉ huy của nhạc trưởng Hồ Chí Minh trong bức ảnh nổi tiếng…
NSƯT Phan Phúc tâm sự, hai người biết nhau từ lâu, rồi đến với nhau hoàn toàn xuất phát từ tình yêu, mặc dù đôi bên gia đình không thuận và bạn bè thầm thào đàm tiếu. Đám cưới Phan Phúc - Tuyết Mai thật đơn giản. Sau khi ra ủy ban đăng ký kết hôn, họ mời hai người làm chứng là nghệ sĩ Kiều Miên, Minh Phụng ra phố Thợ Nhuộm, mỗi người ăn một bát mỳ vằn thắn rồi đôi tân hôn đạp xe về căn nhà nhỏ ở số 5 Trần Phú. “Vậy thôi” - Phan Phúc cười mủm mỉm. Hai vợ chồng có với nhau một người con gái, đó là nhạc sĩ Phan Tuyết Minh, hiện là Giám đốc Hệ Âm nhạc - Thông tin - Giải trí (VOV3) Đài TNVN, đang ở cùng với ông bà.
Tuyết Mai là phát thanh viên Đài TNVN đầu tiên được Nhà nước phong danh hiệu NSƯT đợt I năm 1984, danh hiệu NSND năm 1993. Còn hàng triệu thính giả trong cả nước thì tôn vinh là “Giọng đọc vàng trên sóng phát thanh”. Mặc dù bà nghỉ hưu đã hơn 20 năm, nhưng tới nay, rất nhiều nhạc hiệu chương trình Văn nghệ trên sóng, thính giả vẫn được nghe lời xướng của nghệ sĩ Tuyết Mai: “Mời các bạn nghe chương trình Văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam”; Tiết mục “Tiếng thơ” (22h đêm Chủ nhật hằng tuần), “Sân khấu truyền thanh” (19h30 tối thứ Bảy), “Đọc truyện đêm khuya” hằng đêm và nhiều chuyên mục khác nữa. Những lời xướng trên nền nhạc ấy đi mãi với thời gian..../.