Hà Nội đón 1.000 Xuân

Trên thế giới chỉ có gần 30 thành phố trải qua lịch sử 1.000 năm. Vì lẽ đó,  Xuân Canh Dần này Hà Nội không chỉ đơn thuần thêm một tuổi mà là đón 1.000 Xuân cộng lại.

Một mùa Xuân mới đã về. Với thủ đô Hà Nội, đây là Xuân hội tụ truyền thống 1.000 năm lịch sử mà không phải kinh đô nào cũng có được.

Mỗi lần đi quanh hồ Hoàn Kiếm, tôi lại hướng về chiếc đồng hồ đếm ngược thời gian đến Đại Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội. Lòng không khỏi bồi hồi khi nghĩ về một sự kiện trọng đại, thiêng liêng và Hà Nội phơi phới sắc xuân.

“Từ thủa mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” - hai câu thơ của tác giả Huỳnh Văn Nghệ phảng phất chất thơ cổ mang hào khí Lý - Trần; bất giác khiến tôi nhớ đến Lý Công Uẩn với chiếu dời đô. Ông là vị vua đầu tiên của triều Lý đã “đánh một dấu ấn bản quyền” vào lịch sử 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, khi quyết định dời đô từ Hoa Lư đến vùng đất “Rồng bay lên”; để đến nay, các thế hệ người Việt tự hào về một Thủ đô ngàn năm văn hiến…

Hà Nội năm nay, mùa xuân đến sớm. Có phải cảm nhận đó là do trong dịp Tết dương lịch vừa qua thành phố tổ chức Lễ hội phố hoa hoành tráng? Do đào Nhật Tân nở sớm trong những ngày cuối năm trời ấm? Hay do chất chứa một tình yêu tha thiết với Hà Nội nên “Xuân của đất trời nay mới đến, trong tôi Xuân tới tự bao giờ”?... (Thơ Xuân Diệu)

Hòa trong dòng người du xuân khu phố cổ Hà Nội, tôi có dịp chia sẻ cảm nhận đó với nhiều người dân Thủ đô và nhận được những phản hồi đồng cảm.

Bà Trịnh Thị Kim Điệp đang sống ở phường Bưởi, quận Tây Hồ tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hà Nội. Trong không khí náo nức này,  tôi về đây ngắm lại xem Hà Nội ngày xưa với Hà Nội ngày nay có gì khác nhau. Người Hà Nội rất vui mừng được chào đón nghìn năm Thăng Long. Cho nên, dù đi đâu, dù ở đâu tôi vẫn luôn luôn tâm niệm rằng tôi là người Hà Nội, giữ đúng nét truyền thống của người Hà Nội  -  sống thanh lịch, ăn nói có văn hoá”.

Trong những ngày đầu Xuân ấm áp, nhìn lên trời Hà Nội xanh thăm thẳm, tôi bỗng gặp thấp thoáng cánh én mùa xuân và liên hệ với những tin vui vừa đến với Hà Nội. Điều không thể không nhắc tới là Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã tuyên bố sẽ cùng Việt Nam tổ chức Đại Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội và đang trong quá trình xem xét, công nhận Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới.

Về sự kiện này, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội- Ngô Thị Thanh Hằng cho biết: “Chúng ta được UNESCO thông qua quỹ tín thác của Nhật Bản hỗ trợ dự án tu bổ tôn tạo phát huy giá trị của khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Đặc biệt, vừa qua tại Hội đồng lần thứ 35, UNESCO đã ra nghị quyết chuyên đề về việc tham gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long cùng với Hà Nội. Theo đó 158 nước thành viên của UNESCO sẽ cùng tham gia các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”.

Năm 2010 cũng đánh dấu một bước phát triển của du lịch Hà Nội khi UBND TP. phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công bố Năm Du lịch Quốc gia chủ đề “Thăng Long- Hà Nội, hội tụ nghìn năm”. Đây là cơ hội để quảng bá và nâng cao tầm vóc của Thủ đô Hà Nội với khu vực và trên thế giới. Đồng thời khơi dậy và phát huy truyền thống văn hóa của mỗi người dân Thủ đô.

Nhân sự kiện này, một tạp chí du lịch của Mỹ nhận định: “Hà Nội sẽ là một trong 3 điểm du lịch hấp dẫn nhất thế giới. Vì năm nay, thành phố này tròn 1.000 năm tuổi. Một thành phố đang phát triển có vẻ đẹp cổ kính và hiện đại với nhiều di tích lịch sử, cảnh quan ngoạn mục, là điểm đến an toàn nhất thế giới hiện nay; đặc biệt người dân nơi đây thanh lịch và rất mến khách”.

Tôi đem nhận định này nói với Giáo sư sử học Phan Huy Lê và được ông chia sẻ: Bạn bè quốc tế đã dành cho Thủ đô Hà Nội những tình cảm đặc biệt. Hơn lúc nào hết người dân Hà Thành cần đáp lại bằng việc phát huy hơn nữa truyền thống thanh lịch và hào hoa. Đó cũng là thông điệp văn hóa chuyển đến mỗi người dân Thủ đô trong mùa xuân này.

Trong dòng suy tưởng Xuân đến sớm ở Thủ đô, tôi nhớ tới câu nói về những thành tựu Hà Nội đạt được trong năm qua của Bí thư Thành ủy- Phạm Quang Nghị. Ông đã ví von rất hình ảnh: “Chúng ta vừa trải qua một chuyến bay trong thời tiết không bình thường, bay trong bão; tuy tốc độ có chậm hơn nhưng vẫn bay đúng hướng và về đích an toàn”.

Hình ảnh đó được giải mã rằng: trong thời điểm vừa được mở rộng địa giới hành chính với bao bộn bề, khó khăn, Hà Nội gặp ngay cơn bão khủng hoảng kinh tế thế giới. Đảng bộ, chính quyền thành phố đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương và các tầng lớp nhân dân thủ đô triển khai sáng tạo những biện pháp của Chính phủ về chặn đà suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội nên từng bước lấy lại sức sống cho nền kinh tế. Từ chỗ GDP quý 1 thấp kỷ lục, đạt hơn 3%, Hà Nội đã kết thúc năm 2009 với mức tăng trưởng kinh tế ngoạn mục (6,7%) cao hơn mức bình quân chung của cả nước, là cơ sở để phục hồi kinh tế Thủ đô ấn tượng hơn  trong năm nay.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng khẳng định: Thủ đô sẽ phát triển toàn diện trong năm Đại Lễ; trong đó, các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội được gắn với phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế hơn 10% trong năm nay.

Mùa Xuân là mùa khởi đầu một năm mới, xin trích lời Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội để thấy rằng cả nước đang kỳ vọng Hà Nội ghi dấu ấn xứng tầm thủ đô một nghìn năm tuổi: “Nhân dịp này, Hà Nội phải xây dựng đời sống mới xứng đáng với truyền thống của thủ đô nghìn năm văn hiến, đóng góp vào hiện tại và tương lai. Việc này làm trong năm nay nhưng phải bắt đầu từ mùa xuân này và duy trì nó, tạo ra dấu ấn là Hà Nội sạch hơn, đẹp hơn và văn minh hơn”.

Người xưa có câu: “Xuân khứ, Xuân lai, Xuân bất tận” là nói đến một mùa xuân ta không mong nó cũng tới, ta không muốn nó cũng sẽ đi. Nhưng tôi chắc chắn rằng, những mùa xuân in dấu ấn trong lòng người sẽ còn mãi… Xuân Canh Dần với ấn tượng 1.000 năm lịch sử Thăng Long- Hà Nội cũng sẽ là điều khó phai trong mỗi người dân Thủ đô cũng như du khách trong và ngoài nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên