Hát Soọng Cô: Nét độc đáo của dân tộc Sán Dìu

VOV.VN -Soọng cô là làn điệu dân ca độc đáo của dân tộc Sán Dìu ở Việt Nam. Đây là điệu hát truyền tải những tâm tư, tình cảm và ước muốn của người Sán Dìu trong đời sống thường ngày...

Soọng cô là làn điệu dân ca độc đáo của dân tộc Sán Dìu ở Việt Nam. Đây là điệu hát truyền tải những tâm tư, tình cảm và ước muốn của người Sán Dìu trong đời sống thường ngày được thể hiện qua lời ca, tiếng hát, là môi trường gìn giữ văn hóa tộc người.

Theo tiếng Sán Dìu thì Soọng có nghĩa là hát, còn Cô là ca. Lời ca và giai điệu của Soọng Cô không hề khô cứng mà mềm dẻo đầy sức lan tỏa, diễn tả tâm tư tình cảm của người hát, làm mê đắm lòng người. Người Sán Dìu vẫn nhớ về cội nguồn của làn điệu dân tộc mình. Truyền thuyết kể lại rằng trời đất còn gần nhau, có một làng quê đông đúc trù phú soi bóng xuống dòng sông thơ mộng. Bỗng một hôm ông trời nổi giận cho nước sông dâng cao làm chết muôn loài. Trong làng có hai chị em  họ nhanh chân chui vào quả bầu khô, nổi lên theo dòng nước nên sống sót. Khi nước rút vì trong vùng không còn ai nên họ đành lấy nhau sinh nhiều con cháu làm cho người Sán Dìu hồi sinh trở lại. Tuy làng đông người nhưng đều là con cháu cùng huyết thống không thể lấy nhau nên phải sang làng khác tìm hiểu. Để bạn tình ở làng bên rung động họ dùng tiếng hát để diễn tả lòng mình. Điệu hát Soọng Cô ra đời từ đó và tồn tại đến nay.


Giống như nhiều làn điệu dân ca khác, hát Soọng Cô của người Sán Dìu đang bị mai một và bị lấn át bởi những hình thức giải trí hiện đại. Tuy nhiên ở một số khu vực Hà Phong ( Hạ Long), Cẩm Phả và Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh vẫn đang gìn giữ và duy trì được làn điệu dân ca Soọng Cô trong đời sống, như món ăn  tinh thần không thể thiếu của người dân tộc Sán Dìu. Ông Trương Bình Minh, chủ nhiệm CLB Hát Soọng Cô phường Hà Phong chia sẻ: Người dân Sán Dìu ở khu phố muốn xây dựng phong trào ca hát để ca ngợi dân tộc Sán Dìu đồng thời giúp cho con cháu mai sau gìn giữ được bản sắc dân tộc. Vì thế chúng tôi thành lập CLB hát Soọng Cô đặc trưng của dân tộc Sán Dìu được Đảng và Nhà nước công nhận”.

Cũng như làn điệu sli, lượn của người Tày, Nùng và sình ca của người Cao Lan, Soọng Cô của người Sán Dìu là một thể loại dân ca trữ tình với lời hát đối đáp nam nữ, được lưu truyền từ nhiều thế hệ. Người Sán Dìu say mê hát bởi Soọng Cô bắt nguồn từ cuộc sống bình dị, chất phác, nói lên tâm tư, tình cảm, ước vọng của người dân lao động.

Những câu hát Soọng Cô không bị giới hạn bởi không gian, thời gian, hoàn cảnh. Người ta có thể hát một đêm, nhiều đêm, hát trong nhà, hát khi đi làm nương hay trong các lễ hội . Chính vì vậy, hát Soọng Cô đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào dân tộc Sán Dìu.

Theo ông Tạ Trung Xuân, hội viên của CLB hát Soọng Cô phường Hà Phong thì:” Giá trị của hát Soọng Cô nói lên niềm tự hào dân tộc, làm ta cảm thấy như một bông hoa nhỏ trong một bó hoa to 54 dân tộc anh em. Do đó chúng ta phải có trách nhiệm tôn tạo và phát triển đúng với nghị quyết của Bộ chính trị là xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.

 Hiện nay, việc lưu giữ nét độc đáo của hát Soong Cô chủ yếu qua sinh hoạt tại các CLB trên địa bàn. Tuy nhiên một số bài hát được truyền khẩu đến nay không được lưu giữ, chưa có hình thức sao chép làm tư liệu. Hơn nữa các hội viên của các CLB hát Soọng Cô đều đã ở tuổi xế chiều, đặc biệt lớp trẻ của đồng bào dân tộc Sán Dìu không sử dụng thành thạo ngôn ngữ của dân tộc mình nên việc học hát cũng là một khó khăn lớn để bảo tồn loại hình dân gian này. Chính vì thế điệu hát này đang ngày càng bị thất truyền.

Chị Lam Thị Hải phó chủ nhiệm của CLB hát Soọng Cô thành phố Hạ Long mong muốn: "mọi người cùng giữ gìn bản sắc dân tộc làn điệu Soọng Cô, giúp cho điệu hát này không bị mai một, để truyền lại cho con cháu đời sau”.

Hiện nay, số người biết hát Soọng Cô không còn nhiều. Các CLB không đủ hội viên tham gia nên không được công nhận, chỉ có duy nhất CLB hát Soọng Cô của phường Hà Phong (Hạ Long) được công nhận là CLB thành viên về hoạt động Văn hóa Văn nghệ dân gian của Hội VNDG tỉnh Quảng Ninh. Sắp tới, CLB hát Soọng Cô Bình Dân (Vân Đồn) sẽ được Hội VNDG tỉnh Quảng Ninh công nhận vào ngày 18/11. Để bảo tồn và phát huy giá trị của làn điệu hát Soọng Cô, cần khuyến khích thành lập nhiều CLB văn nghệ quần chúng ở các địa phương,  đồng thời  sưu tầm, dàn dựng, lồng ghép các tiết mục hát Soọng Cô vào các chương  trình biểu diễn văn hóa, nghệ thuật. Đưa môn nghệ thuật này phục vụ thường xuyên đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Có như vậy, Soọng Cô mới giữ được nét văn hóa đặc sắc riêng có trong đời sống văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên