Hát xẩm và hát dạo

Có những lúc, người hát xẩm và người nghe đã quên đi sự vất vả mưu sinh để cùng đồng cảm, thương cảm cho một kiếp người, một thân phận...

Cho đến đầu những năm 1960, ở bến tầu, bến xe, người dân miền Bắc vẫn còn được nghe hát xẩm. Người hành nghề này thường luống tuổi. Đa phần mù. Họ thường đi một mình hoặc có một em bé đi cùng dẫn đường và nhận sự hảo tâm của mọi người. Chiếc nón mê luôn được chìa ra cùng ánh mắt buồn, nhẫn nại. Họ thường hát vo. Nếu có nhạc cụ kèm theo quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có một cái nhị mà thôi. Tiếng nhị cò cưa, nỉ non cùng với giọng hát khàn, đục khiến thời gian trong nắng trưa, hoặc xế chiều dường như kéo dài hơn... Khách qua đường người nghe, người không. Bù lại, lòng hảo tâm của mọi người xem ra lại rộng rãi. Mỗi khi người hát hát hết một bài, những tờ tiền mệnh giá thấp nhất, nhầu nát, hoặc những đồng xu lại được đặt vào tay người hát hoặc được bỏ (chứ không quăng, ném) vào chiếc nón mê run run chìa ra.

Vốn liếng của họ không nhiều. Vẫn chỉ quanh đi quẩn lại mươi bài. Nhưng lạ, nghe mãi rồi thành quen, nhiều khi khán giả cũng mấp máy, hát theo mà cùng xót xa, cùng nao lòng: “Đêm qua mưa gió đầy giời - Trong hồn chị có một người đi qua - Em về thương lấy mẹ già - Đừng mong ngóng chị nữa mà uổng công - Chị giờ sống cũng bằng không - Coi như chị đã ngang sông đắm đò”…

Không ít người nghe mắt đỏ hoe. Không ít người nén tiếng thở dài. Người hát và cả người nghe nữa nào đâu có biết tác giả của những ca từ ấy (thực ra là mấy câu cuối, phần 3 của bài thơ “Lỡ bước sang ngang” của nhà thơ Nguyễn Bính). Những lúc ấy người hát xẩm và người nghe đã quên đi sự vất vả mưu sinh để cùng đồng cảm, thương cảm cho một kiếp người, một thân phận của một cô gái thời xưa...

Dễ cũng phải mấy chục năm rồi không thấy bóng dáng những người hát xẩm - người nghệ sĩ của các khán giả cần lao, bình dân. Thay vào đó là những cặp hát dạo. Đa phần còn trẻ. Và những nghệ sĩ của đường phố này, những người hành nghề hát dạo này với tăng âm, đàn ghi ta điện và giọng ca của mình vẫn trễ nải buông từng ca từ, từng giai điệu trong nắng trưa, lúc xế chiều trong nhịp quay hối hả của thành phố.

Và nếu ai đó chợt bắt gặp, chợt nghe, chợt thấy họ đàn hát, xin cũng đừng quá hà tiện và hãy “mua vé” bằng việc lặng lẽ đặt những đồng tiền phẳng phiu vào tay hoặc mũ của người hát dạo. Bởi những bài hát mà họ đang hát ấy, có lẽ đã trở thành một phần kỷ niệm của mỗi chúng ta./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên