Thúc đẩy ứng dụng công nghệ gắn với truy xuất nguồn gốc trong sản xuất nông nghiệp

VOV.VN - Hôm nay 27/10, tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, tổ chức Diễn đàn Khuyến nông@ Nông nghiệp với chủ đề “Ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp gắn với truy xuất nguồn gốc".

Tham dự diễn đàn có hơn 250 đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ khuyến nông và người dân thuộc 5 tỉnh vùng ĐBSCL, gồm: Hậu Giang, Long An, Vĩnh Long, Bến Tre và Tiền Giang.

Bà Nguyễn Kim Thùy- Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Kỳ Như cho biết: Trước đây, các sản phẩm của Hợp tác xã sản xuất từ nguyên liệu nông nghiệp, chủ yếu là cá thát lát. Mặc dù đã được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Hậu Giang xác nhận sản phẩm có chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, nhưng sức tiêu thụ vẫn chậm, mức tiêu dùng chỉ đạt khoảng 6 tấn/tháng, tương đương 72 tấn/năm.

Tuy nhiên, sau khi chuyển đổi phương thức sản xuất, chế biến sản phẩm, mở rộng nhà xưởng, chủ động quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp liên kết tập trung có ứng dụng khoa học công nghệ theo quy trình khép kín, các sản phẩm của Hợp tác xã được đảm bảo với chất lượng giá trị cao, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được thị trường đón nhận.

Hiện nay, Hợp tác xã cung ứng cho thị trường lên đến 18 tấn/tháng, tương đương gần 220 tấn/năm, tăng hơn 300% so với trước đây, nhưng vẫn chưa đáp ứng được số lượng theo yêu cầu của khách hàng gần xa. Hợp tác xã đã góp phần đảm bảo đầu ra cho hàng chục ha nuôi cá nguyên liệu của các hộ nông dân trong và ngoài địa bàn.

“Từ khi sản phẩm của Hợp tác xã Kỳ Như nuôi theo qui trình tiêu chuẩn VietGap, truy xuất nguồn gốc thì hiện tại bà con mình cũng tin tưởng quan tâm sản phẩm mình nhiều hơn, từ đó đầu ra sản phẩm cũng tốt hơn” - bà Nguyễn Kim Thùy nói.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên- Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thời gian qua, nhiều Hợp tác xã, doanh nghiệp đã tham gia hệ thống điện tử ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc, nhằm minh bạch thông tin đối với nhà phân phối, người tiêu dùng, đồng thời giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng ngăn chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán trên thị trường.

Qua đánh giá từ các cơ sở, sản phẩm nông nghiệp sản xuất an toàn theo chuỗi có tem nhãn đều bán được giá cao hơn sản phẩm sản xuất không có truy xuất nguồn gốc ít nhất 20%. Người tiêu dùng ngày nay có thể dùng điện thoại thông minh truy xuất được ngày, tháng sản xuất, hạn sử dụng và nguồn gốc mặt hàng nên yên tâm hơn về chất lượng.

Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên nền tảng số vẫn còn nhiều khó khăn, cần sự nỗ lực của bản thân các Hợp tác xã, doanh nghiệp cũng như sự hướng dẫn, hỗ trợ từ các cấp cơ thẩm quyền.

Ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng: “Do yêu cầu của những nước xuất nhập khẩu phải có truy xuất nguồn gốc, phải đăng ký mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói… cho nên công tác truy xuất nguồn gốc được các doanh nghiệp xuất nhập khẩu làm rất tốt. Khó khăn là truy xuất nguồn gốc thực hiện ở các Hợp tác xã ở vùng nông thôn, nhất là ở những nông hộ do cái trình độ hiểu biết về công nghệ thông tin ở những đối tượng đó hầu như họ không biết gì hoặc là biết lờ mờ. Chính quyền địa phương hoặc là Trung ương phải có những chính sách hỗ trợ”.

Tại Diễn đàn, các nhà khoa học, chuyên gia và ngành chức năng đã dành nhiều thời gian giải đáp, hướng dẫn nhiều vấn đề cụ thể mà các doanh nghiệp, Hợp tác xã, nông dân quan tâm như việc hỗ trợ sản xuất đạt chuẩn GAP; giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm đạt chuẩn an toàn thực phẩm; điều kiện để được cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi; Nhà nước đã, đang và định hướng về những chính sách hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, cấp mã số vùng trồng như thế nào để giúp nông dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả;…

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, để thúc đẩy ứng dụng công nghệ gắn với truy xuất nguồn gốc trong sản xuất nông nghiệp, cần phải cung cấp cho người sản xuất đầy đủ thiết bị, những kiến thức cơ bản để chuyên nghiệp hóa người sản xuất. Muốn làm được việc này cần sự vào cuộc một cách đồng bộ của nhiều lực lượng, trong đó có lực lượng làm giải pháp công nghệ nhằm đơn giản hóa các phần mềm để ứng dụng trong môi trường nông thôn một cách dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, phải cung cấp cho người sản xuất đầy đủ các thông tin để biết được khi ứng dụng các công nghệ, truy xuất nguồn gốc sẽ mang lại lợi ích gì.

Cũng theo ông Lê Quốc Thanh, hiện tại các ngành chức năng, các địa phương đang tập trung nâng cao giá trị sản phẩm để hướng đến người tiêu dùng, tuy nhiên về lâu dài phải nghĩ đến việc bảo vệ người sản xuất minh bạch đã bỏ ra chi phí, công sức để đổi mới, sáng tạo công nghệ.

“Nếu như chúng ta để thật giả lẫn lộn thì những sản phẩm có thương hiệu, sản phẩm được sản xuất với những qui trình chặt chẽ thì không cạnh tranh nổi về mặt giá trị của thị trường. Cho nên còn rất nhiều việc chúng ta phải làm, ở đây nó không chỉ là vấn đề các giải pháp kỹ thuật, mà đây là vấn đề thay đổi cả một tư duy, như Nghị quyết Trung ương Đảng đã nêu, chúng ta phải chuyển nhanh, chuyển mạnh tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, nhất là trong sản xuất nông nghiệp” - ông Lê Quốc Thanh nói.

Diễn đàn Khuyến nông@ Nông nghiệp lần này đã giúp đưa ra được những giải pháp và định hướng cho nông dân trong việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp, giúp bà con nông dân thay đổi tập quán sản xuất, mạnh dạn áp dụng tiến bộ công nghệ, thực hiện quy trình thực hành nông nghiệp tốt, ứng dụng các phần mềm, thực hiện tốt ghi chép nhật ký sản xuất để sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng đáp ứng nhu cầu thị trường, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thí điểm thành công dán tem truy xuất nguồn gốc nước mắm Phú Quốc
Thí điểm thành công dán tem truy xuất nguồn gốc nước mắm Phú Quốc

VOV.VN - Việc áp dụng dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nước mắm Phú Quốc không đơn thuần chỉ có giá trị về mặt kinh tế mà còn là cách để các doanh nghiệp chung tay bảo vệ lợi ích cộng đồng, đẩy lùi hàng giả, hàng nhái.

Thí điểm thành công dán tem truy xuất nguồn gốc nước mắm Phú Quốc

Thí điểm thành công dán tem truy xuất nguồn gốc nước mắm Phú Quốc

VOV.VN - Việc áp dụng dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nước mắm Phú Quốc không đơn thuần chỉ có giá trị về mặt kinh tế mà còn là cách để các doanh nghiệp chung tay bảo vệ lợi ích cộng đồng, đẩy lùi hàng giả, hàng nhái.

Bổ sung quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
Bổ sung quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa

VOV.VN - Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm và vật mang dữ liệu; quản lý tổ chức triển khai, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi, lĩnh vực được phân công quản lý.

Bổ sung quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa

Bổ sung quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa

VOV.VN - Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm và vật mang dữ liệu; quản lý tổ chức triển khai, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi, lĩnh vực được phân công quản lý.

Truy xuất nguồn gốc – “chìa khóa” tốt nhưng bị dùng kiểu đối phó
Truy xuất nguồn gốc – “chìa khóa” tốt nhưng bị dùng kiểu đối phó

VOV.VN - Việc truy xuất nguồn gốc, xuất xứ được xem như “chìa khóa” giúp nâng cao chất lượng, giá trị nông sản Việt, thế nhưng với tư duy làm theo kiểu đối phó khiến hiệu quả mang lại chưa như mong muốn.

Truy xuất nguồn gốc – “chìa khóa” tốt nhưng bị dùng kiểu đối phó

Truy xuất nguồn gốc – “chìa khóa” tốt nhưng bị dùng kiểu đối phó

VOV.VN - Việc truy xuất nguồn gốc, xuất xứ được xem như “chìa khóa” giúp nâng cao chất lượng, giá trị nông sản Việt, thế nhưng với tư duy làm theo kiểu đối phó khiến hiệu quả mang lại chưa như mong muốn.