Hoa hậu Dương Thùy Linh sợ hãi sự “vô cảm thời @”

(VOV) - Hoa hậu Dương Thùy Linh, nhà thơ Hồng Thanh Quang, NSND Thanh Hoa cùng chia sẻ về sự vô cảm trong xã hội hiện nay.

“Vô cảm thời @” là chủ đề cuộc tọa đàm, giao lưu truyền hình trực tuyến do báo điện tử VnMedia, kênh truyền hình Life TV tổ chức sáng 14/12/2012 tại Hà Nội với sự tham gia của ba khách mời: NSND Thanh Hoa; nhà báo – nhà thơ Hồng Thanh Quang, Phó Tổng biên tập báo Công an nhân dân và Hoa hậu Thân thiện Dương Thùy Linh.

Tại buổi giao lưu, ba khách mời đã cùng giải đáp những câu hỏi của độc giả VnMedia và khán giả kênh Life TV trước sự vô cảm của con người trong thời @, thực trạng “giàu tiền nghèo cảm xúc” trong xã hội hiện nay, giải pháp để thay đổi suy nghĩ lệch lạc và đánh thức lòng nhân ái của một bộ phận giới trẻ về truyền thống “lá lành đùm lá rách” của người Việt...

NSND Thanh Hoa và Hoa hậu Dương Thùy Linh


Trả lời câu hỏi về những hiện tượng, hành động vô cảm được báo chí, truyền thông phản ánh thời gian qua, Hoa hậu Dương Thùy Linh chia sẻ: “Em nghĩ rằng các bạn trẻ đều biết suy nghĩ, biết tư duy, bản thân em buồn và có cảm giác sợ hãi cho tương lai. Không phải cho bản thân mình mà lo sợ cho thế hệ sau của mình, không biết con mình sẽ sống như thế nào trong một xã hội vô cảm như thế. Tình trạng này không phải diễn ra riêng ở Việt Nam mà ở khắp nơi trên thế giới này. Em nghĩ rằng chúng ta phải tìm giải pháp để ngăn chặn tình trạng này”.

NSND Thanh Hoa đồng ý kiến với Hoa hậu Dương Thùy Linh, bà thẳng thắn: “Bây giờ dường như mọi người "lãnh cảm" với nhau nhiều quá. Tôi là người nhiều tuổi nhất trong ba khách mời ở đây. Có lẽ càng sống lâu thì càng có nhiều lý do để thất vọng. Tôi thất vọng bởi một lẽ thời của tôi không thế”.

Nhà thơ Hồng Thanh Quang thì không nghĩ người Việt Nam đang vô cảm hơn thời ký trước. “Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, việc các phương tiện thông tin đại chúng, các mạng xã hội cập nhật quá nhanh nhạy và chi tiết về các hành vi được cho là vô cảm khiến chúng ta tưởng rằng tình trạng vô cảm đang trở nên nghiêm trọng hơn. Không nên đổ hết cho giới trẻ về chuyện vô cảm hay không. Bởi sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy. Trong mỗi con người chúng ta đều ẩn chứa cái xấu và cái tốt, do hoàn cảnh tác động mà chúng ta bộc lộ mặt nào ra thôi.” – nhà thơ Hồng Thanh Quang bày tỏ quan điểm.

Phân tích về nguyên nhân của sự vô cảm trong xã hội hiện nay, nhà thơ Hồng Thanh Quang nói: “Chúng ta đang phát triển theo cơ chế thị trường, ai cũng muốn leo lên đỉnh nên không tránh khỏi việc đạp đổ nhau. Ngày xưa chúng ta sống tương thân tương ái, nhưng bây giờ người ta đang sống để thành công. Ngày xưa chỉ vì một bài thơ, một câu nói, một ánh mắt nhìn...người ta đã có thể hóa giải nhiều thứ và tha thứ cho nhau, nhưng hiện nay, mọi thứ đều không có giá trị bằng phong bì”.


NSND Thanh Hoa thì thẳng thắn cho rằng, lỗi một phần do giới truyền thông: “Giới trẻ hiện nay chịu ảnh hưởng rất lớn từ phương tiện truyền thông, trong khi bố mẹ lại quá bận bịu với chuyện cơm áo gạo tiền. Người ta nghĩ rằng, không có cơm gạo thì không thể sống, không có âm nhạc, thơ ca có thể không sao. Nếu suy nghĩ như thế thì còn đâu là cội nguồn văn hoá, bản sắc dân tộc. Ít nhất chúng ta phải có niềm tự hào là người Việt Nam, hiểu biết văn hoá Việt Nam thì mới hiểu và ứng xử theo văn hoá, tôn ti trật tự của xã hội Việt Nam.

Chúng ta đang dần mất đi cái gốc thân thiện, mất đi gốc tâm hồn, mất đi sự nhạy cảm đẹp đẽ về thiên nhiên, về con người. Rất hiếm bạn trẻ còn có thể nâng niu, ngắm nghía một bông hoa đẹp với những giọt sương long lanh. Đã đến lúc chúng ta phải quay lại cội nguồn, nếu không chúng ta sẽ bị sa đà. Trách nhiệm của báo chí rất lớn khi đang phản ánh quá nhiều điều tiêu cực. Để đi tìm gốc rễ nguyên nhân thì tôi cho rằng tất cả chúng ta đều có trách nhiệm”.

Vậy “Phải làm gì để cứu chữa tình trạng vô cảm hiện nay?” – trả lời câu hỏi này, NSND Thanh Hoa cho rằng: “Ở thời nào cũng vậy, những người yêu lao động luôn thiếu thời gian. Nhưng chúng ta bớt một chút thời gian, chỉ 5-10 phút trong ngày để bắt đầu từ những điều nhỏ nhất như yêu thương con cái, yêu thương bố mẹ, chia sẻ với những người xung quanh. Chúng ta chưa cần nghĩ đến những điều quá to tát để khắc phục tình trạng vô cảm. Chúng ta hãy bắt đầu từ những việc nhỏ như tôn trọng luật giao thông, có ý thức khi đi đường. Không cần đao to búa lớn, nghị quyết, nghị định, hô hào phong trào nọ kia mà hãy bắt đầu từ chính mình, trong gia đình mình!”

Nhà thơ Hồng Thanh Quang lạc quan khi nhìn nhận sự vô cảm chỉ là hiện tượng: “Mọi người hãy làm tốt phận sự của mình, mỗi người làm tốt thì xã hội sẽ ấm áp. Chúng ta cứ làm tốt, sống tốt, từng người tốt thì xã hội sẽ tốt. Vô cảm chỉ là hiện tượng chứ không phải là bản chất của xã hội chúng ta”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên